Cố gắng hạn chế tai nạn lao động trong Công nghiệp



Hà Nội (Ttxvn 16/5/2001)
Bộ Công nghiệp vừa đề ra 3 biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu các tai nạn lao động, đảm bảo vệ sinh và môi trường là nâng cao nhận thức của các chủ doanh nghiệp, người quản lý về Luật lao động, nhất là về an toàn lao động; hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực này và tăng cường công tác kiểm tra thanh tra, xử lý vi phạm về an toàn lao động.

Cả nước hiện có hơn 5.500 doanh nghiệp quốc doanh, 500.000 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp với trên 5,4 triệu lao động. Từ năm 1996 đến năm 2000, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, đặc biệt đối với các ngành có đặc thù cao như ngành mỏ, điện, hóa chất, cơ khí để nâng cao năng suất lao động, hạn chế, ngăn ngừa được tai nạn. Hàng vạn người từ cán bộ quản lý cơ sở đến công nhân hàng năm đều được tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức mới về pháp luật và kỹ thuật. Công tác kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được các công ty trong ngành đặc biệt chú trọng, do vậy đã hạn chế được các tai nạn lớn do chính thiết bị gây ra. Hều hết các tổng công ty qua đều tổ chức khám sức khỏe hàng năm cho cán bộ, công nhân viên; đầu tư nhiều kinh phí cho bồi dưỡng sức khỏe và bồi dưỡng độc hại, phát hiện kịp thời bệnh nghề nghiệp và tổ chức chữa bệnh.

Hàng năm, các vụ việc, sự cố và tai nạn, đặc biệt tai nạn nghiêm trọng và chết người được hạn chế và có xu thế giảm bớt. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, 5 năm qua, ngành công nghiệp vẫn xảy ra 3.851 vụ tai nạn lao động, làm chết 265 người, chưa kể những người lao động chết ở các doanh nghiệp do địa phương quản lý. Số vụ và người chết phần lớn chỉ tập trung ở một số ngành nghề phức tạp, nặng nhọc có yêu cầu cao về kỹ thuật nhưu ngành điện, than, hóa chất, thép.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là thiết bị của các doanh nghiệp cũ, trình độ công nghệ lạc hậu, khối lượng sửa chữa không đảm bảo, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị an toàn, thiết bị kiểm tra báo hiệu chưua đủ so với thực tế sản xuất, chưa làm tốt việc đào tạo, huấn luyện cho ngưuời lao động./.