<B>Cản trở nhập cá tra, cá ba sa VN vào Mỹ trái với HĐTM</B>


Ngày 4-10-2001, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật HR 2964 không cho phép bất cứ loài cá nào không thuộc họ cá nheo Mỹ Ictaluridae (họ cá được nuôi phổ biến tại Mỹ) được mang tên
thương mại là cá "catfish". Tiếp theo đó, ngày 25-10-2001
Thượng viện Mỹ lại thông qua dự luận HR 2330 về phân bổ ngân sách tài chính cho khu vực nông nghiệp năm 2002, trong đó có điều khoản sửa đổi số SA 2000 với nội dung: "Không cho phép Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) sử dụng bất kỳ khoản ngân sách nào vào việc cho phép nhập khẩu cá hoặc sản phẩm cá có tên "catfish", trừ các sản phẩm cá thuộc họ Ictaluridae.

Việc Thượng viện Mỹ thông qua điều khoản sửa đổi SA 2000 và việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật HR 2964 là việc làm sai trái, nhằm mục đích bảo hộ và dành độc quyền cho ngành sản xuất cá nheo của Mỹ, hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ.

Tại khoản 3 Điều II Chương I của Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ quy định, mỗi bên dành cho hàng hóa có xuất xứ tại lãnh thổ của bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho hàng hóa nội địa tương tự về mọi luật, quy định và các yêu cầu khác có ảnh hưởng đến việc bán hàng, chào bán, mua, vận tải, phân phối lưu kho và sử dụng trong nước. Có thể kể nhiều điểm quy định trong Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ về việc mỗi bên phải dành cho hàng nhập khẩu từ lãnh thổ bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử tốt nhất dành cho hàng nội địa tương tự.

Quy định về tên cá tại dự luật HR 2964 do Hạ viện Mỹ thông qua ngày 5-10-2001 xuất phát từ yêu cầu của Hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo của Mỹ (CFA). Hiệp hội này cho rằng Việt Nam đã sử dụng tên cá "catfish" trên nhãn hiệu hàng hóa để tạo sự lầm lẫn cho người tiêu dùng Mỹ. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam khẳng định rằng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra và cá ba sa của Việt Nam hoàn toàn không muốn hai loài cá da trơn này của Việt Nam bị nhầm là cá nheo nuôi của Mỹ.

Cá tra và cá ba sa của Việt Nam là các loài cá đặc hữu của vùng châu thổ sông Mê Kông thuộc giống Pangasius, họ Pangasidae, bộ Silurifornes - bộ cá gồm hơn 2.500 loài cá da trơn, phân bổ trên khắp thế giới, kể cả cá nheo Mỹ (Ictalurus punctatus), cùng có chung tên tiếng Anh là "catfish". Tên catfish là tên gọi chung của nhóm cá rất đông đảo này. Về mặt khoa học và tập quán thương mại, không thể lấy tên một nhóm sản phẩm lớn của thủy sản thế giới để dành riêng cho một loài nào trong số đó.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Bộ Thủy sản, Bộ Thương mại về việc ghi nhãn mác hàng hóa. Trên tất cả các bao bì của sản phẩm thủy sản xuất khẩu đều ghi rõ dòng chữ tiếng Anh "Sản phẩm của Việt Nam" hoặc "Sản xuất tại Việt Nam", và thực hiện việc ghi đầy đủ cả tên khoa học lẫn tên thương mại theo đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Mỹ là Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đối với các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Cụ thể là: đối với cá ba sa - tên khoa học Pangasius bocourti, tên thương mại Basa, Bocourti, Bocourti fish, Basa catfish, Bocourti catfish; đối với cá tra - tên khoa học: Pangasius hypophthalmus, tên thương mại: Swai, Striped catfish, Sutchi catfish.

Điều đáng nói ở đây là trong khi FDA và nhiều viện nghiên cứu khoa học có uy tín của Mỹ đã tốn nhiều công sức để định danh các loài cá da trơn trên thế giới, trong đó xác định rõ hai loài cá của Việt Nam thuộc nhóm cá có tên chung là catfish, và đưa thêm các tính ngữ để phân biệt với các loài cá da trơn khác, thì Hạ viện Mỹ lại không cho phép sử dụng tên catfish (dù có tính ngữ hay không) cho các loài cá da trơn nhập khẩu, nếu chúng không thuộc họ Ictaluridae là loại cá chỉ nuôi tại Mỹ. Rõ ràng, quyết định của Hạ viện Mỹ đã đi ngược lại các luận cứ khoa học và tập quán thương mại thông thường trên thế giới, đi ngược lại lợi ích của đông đảo người tiêu dùng Mỹ, chỉ nhằm bảo vệ lợi ích cho một nhóm nhỏ các chủ trại nuôi cá nheo của Mỹ.

Cũng cần phải nói rõ rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới cách xử sự này của Quốc hội Mỹ bắt nguồn từ sự bực tức của các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ do việc giá cá nheo Mỹ bị giảm khoảng 10% trong thời gian gần đây. Hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA) cho rằng đó là do cá tra và ba sa của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ quá nhiều (!). Với sản lượng cá nhập khẩu từ Việt Nam chiếm không tới 2% sản lượng cá nheo tiêu thụ tại Mỹ, làm sao có thể nói là giá cá nheo Mỹ giảm là do cá nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo bản báo cáo "Tình hình nuôi thủy sản" ngày 10-10-2001 của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ và những kết luận của công trình nghiên cứu "Xu hướng hiện tại trên thị trường cá nheo Mỹ" do Công ty Consulting Trends International của Mỹ công bố ngày 26-10-2001, dựa trên việc phân tích các tài liệu chính thức của Chính phủ Mỹ, thì nguyên nhân chủ yếu gây nên việc giảm giá cá nheo ở Mỹ là do các chủ trại nuôi loài cá này đã tăng đầu tư quá mức cho các ao nuôi, khiến sản lượng cá thương phẩm tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời do cá nheo phải cạnh tranh với sản phẩm gia cầm đang giảm giá và do tình hình suy giảm nói chung của nền kinh tế Mỹ.

Hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo Mỹ đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để tiến hành những chiến dịch tuyên truyền rộng lớn trên các mạng thông tin đại chúng để bôi xấu hình ảnh của cá tra và cá ba sa Việt Nam và chống lại việc nhập khẩu các loại cá này. Họ cố tình không thừa nhận một sự thật hiển nhiên là các loại cá của Việt Nam có chất lượng cao, thơm ngon, cơ thịt mềm mại, được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới và được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Đồng thời chất lượng sản phẩm và chất lượng nước để nuôi cá hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh và sức khỏe của người tiêu dùng Mỹ. Từ năm 1998, Chương trình Kiểm soát dư lượng thủy sản nuôi đã
được thực hiện trên các vùng nuôi tập trung của Việt Nam, kết quả giám sát thường xuyên được gửi đến FDA và Chương trình này đã được chính cơ quan FDA của Mỹ công nhận.

Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ là cố gắng lớn của cả hai phía trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, tạo cho giới doanh nghiệp niềm tin vào khả năng phát triển thương mại và đầu tư giữa hai bên. Rõ ràng, việc Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật HR2964 và việc Thượng viện Mỹ thông qua điều khoản SA 2000 bổ sung vào Dự luật HR2330 là việc làm đi ngược lại tinh thần của Hiệp định Thương mại.

Thị trường thủy sản Mỹ và thị trường thủy sản thế giới đang tiếp tục phát triển, và còn rất rộng lớn cho tất cả những ai luôn luôn sáng tạo, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành để giành được lợi thế và thời cơ.

"Tự do thương mại và công bằng trong cạnh tranh" là những điều mà nước Mỹ thường nhắc tới. Do vậy, họ cần phải nghiêm chỉnh thể hiện những điều đó trong xử lý các quan hệ thương mại với Việt Nam.

Tiến sĩ NGUYễN THị HồNG MINH
Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam