Việt Nam-Hoa Kỳ chia sẻ các kinh nghiệm về FTA
Ngày 19/4, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Dự án trợ giúp thúc đẩy thương mại (STAR) thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo với chủ đề “Đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do - Kinh nghiệm và thực tiễn.”
Khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh và Đại sứ Hoa Kỳ Davis B.Shear phát biểu nhấn mạnh, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế khách quan, ngày càng có nhiều nước tham gia, bao trùm hầu hết các lĩnh vực.
Thương mại là lĩnh vực quan trọng luôn được các quốc gia quan tâm và sử dụng như một động lực cho phát triển. Kinh tế càng phát triển thì quan hệ thương mại càng mở rộng, sự hiểu biết giữa nhân dân các quốc gia càng được tăng cường, qua đó góp phần củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các nước trên thế giới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh nêu rõ Việt Nam tiếp tục chính sách mở cửa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực chuẩn bị các điều kiện về kinh tế, nguồn lực để thực hiện thành công quá trình hội nhập trên cơ sở phát huy nội lực, đảm bảo độc lập, tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi.
Việc đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế là một trong những lĩnh vực thuộc phạm vi giám sát theo luật định của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn điều ước quốc tế, phê duyệt ngân sách thực hiện hoặc quyết định điều chỉnh pháp luật trong nước cho phù hợp.
Việc sớm cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội trong giai đoạn đầu và cả quá trình đàm phán là vô cùng cần thiết, bổ sung thêm cơ sở kiến thức và kinh nghiệm để có thể kiến nghị Quốc hội, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan hữu quan nhằm đảm bảo sự thành công trong đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Trình bày những thách thức và lợi ích của Việt Nam trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do, bà Susan Schwab, nguyên Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, giáo sư về Chính sách công, Đại học Maryland, Cố vấn Thương mại cấp cao USAID cho rằng việc ký kết các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và một số nước trên thế giới đem lại những lợi ích cho Việt Nam trong hoạt động tăng trưởng thương mại, cơ cấu xuất nhập khẩu thay đổi cho phù hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài mang tính dài hạn và giá trị cao, giúp cho các doanh nghiệp được hưởng lợi, hạ giá thành, tăng chất lượng hàng hóa dịch vụ, tạo việc làm.
Tỷ lệ tăng trưởng việc làm tại các công ty sản xuất hàng xuất khẩu tăng hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng việc làm ở các công ty không xuất khẩu. Lợi ích của việc gia nhập WTO đối với Việt Nam chính là các mức thuế quan của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam giảm mạnh.
Bà Susan cũng cho biết mặc dù Việt Nam đã sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2010, song Hoa Kỳ vẫn quan tâm đến vấn đề bản quyền, hàng giả trên thị trường, tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường, chính sách cạnh tranh...
Chia sẻ những kinh nghiệm về việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng Việt Nam cần phải tiếp tục có những thay đổi về suy nghĩ và tư duy cho phù hợp với xu thế chung của thế giới, đặc biệt là phải có quyết tâm chính trị cao, mạnh dạn khai thác những cơ hội và khắc phục những thách thức nhằm đạt được mục đích đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do.
Mặc dù là đối tác, nhưng hai nước có sự khác biệt rất lớn về phát triển kinh tế vì thế khi vào đàm phán thì phải tuân thủ luật chơi chung của quốc tế nhưng phải phù hợp với sự phát triển của mỗi bên.
Bên cạnh đó, đàm phán và ký kết có thành công hay không phải dựa vào sự đồng thuận giữa các bộ ngành, sự chỉ đạo chặt chẽ và sự kết hợp giữa Chính phủ và Quốc hội, đồng thời đổi mới hệ thống văn bản chính sách pháp luật cho phù hợp với thực tế, chú ý đến ý kiến tham vấn của các doanh nghiệp nhằm tạo nên sự bắt nhịp trong quá trình thực hiện và giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội khi thực hiện các hiệp định.
Đề xuất những giải pháp khi đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết tính đến ngày 31/12/2011, Việt Nam đã tham gia 8 hiệp định khu vực thương mại tự do.
Các hiệp định này đều có nội dung chủ yếu là thương mại hàng hóa. Thương mại dịch vụ và đầu tư tuy có được đề cập nhưng mức độ cam kết không sâu, kể cả trong khuôn khổ ASEAN.
Do đó khi đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2011-2020, gắn với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đóng góp cho việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do cần hướng đến việc đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định.
Việt Nam cần quan tâm hơn tới các đối tác ngoài khu vực, các đối tác mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh bởi các hiệp định thương mại tự do có thể giúp Việt Nam từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế, minh bạch hóa và thuận lợi hóa cho môi trường kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định không thể đàm phán thành công nếu thiếu sự đồng thuận xã hội.
Khi tình hình kinh tế khó khăn, nhất là trong bối cảnh nhập siêu còn duy trì ở mức cao, việc tìm kiếm đồng thuận xã hội có thể sẽ gặp những trở ngại nhất định. Không thể thấy được tác dụng tích cực của các hiệp định thương mại tự do và nắm bắt được các cơ hội nếu không có các giải pháp phụ trợ đồng bộ, nhất là về thể chế./.