Hạ nghị sỹ Mỹ phản đối Dự luật nhân quyền Việt Nam 2011

PV Lê Minh:

Trước hết xin được cảm ơn Hạ nghị sĩ đã trả lời phỏng vấn Đài THVN. Chúng tôi được biết trong cuộc thảo luận ngày hôm qua về Dự luật nhân quyền Việt Nam, ông nói rằng ông có quan điểm khác biệt với Dự luật này. Xin ông có thể nói rõ hơn quan điểm của ông?
Hạ nghị sĩ Mỹ Eni Faleomavaega: 
Tôi có quan điểm khác với các đồng nghiệp của tôi về những cáo buộc của họ rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền hay việc một số người bị bắt vào trại giam cũng như tất cả những chi tiết họ đưa vào Dự luật này. Tôi có một cách nhìn khác khi nói tới Việt Nam. Các đồng nghiệp của tôi chưa bao giờ đến Việt Nam trong thời chiến tranh như tôi. Chúng ta cần phải bắt đầu từ điểm này. Tôi có thể nói, trước khi Mỹ can thiệp vào Việt Nam năm 1961, có tới 99% người Mỹ không biết rằng Việt Nam, cũng như Cămpuchia và Lào, từng là thuộc địa của Pháp trong gần một trăm năm. Tôi đã từng nghe rất nhiều những câu chuyện về tội ác man rợ mà Thực dân Pháp đã gây ra cho người dân Việt Nam. Đó là một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Điều mà tôi không đồng tình với Dự luật này là tại sao chúng tôi lại cứ coi Việt Nam như là một nước duy nhất vi phạm nhân quyền. Quan điểm của tôi là Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức để giải quyết những vấn đề này. Tôi cho rằng mọi chính phủ đều có cùng một nỗ lực như vậy nhưng chúng tôi đã cố áp đặt một tiêu chuẩn kép đối với Việt Nam. Điều mà tôi muốn nói là tại sao chúng ta lại tách riêng Việt Nam và áp dụng một tiêu chuẩn khác trong khi các Chính phủ khác cũng có những vấn đề tương tự. Chẳng lẽ là vì người Việt Nam xấu xa? Chắc chắn là không. Tôi nhận thấy rằng chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng để khắc phục. Trong khi đó, chính ở Mỹ cũng có những vi phạm về nhân quyền. Ở Mỹ cũng có vấn đề buôn người, giống như ở Việt Nam hay bất cứ nước nào khác, từ châu Phi, châu Âu. Lập luận của tôi là "các anh đang áp đặt một thứ tiêu chuẩn kép". 
Phóng viên Lê Minh:
Thời gian gần đây đã có một số cuộc điều trần ở các ủy ban của quốc hội về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Ông có quan điểm như thế nào về những thông tin và số liệu mà các thành viên của các ủy ban này đưa ra liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam?
Hạ nghị sĩ Mỹ Eni Faleomavaega: 
Như tôi đã nói, những thông tin đó là không công bằng. Người ta muốn áp đặt một tiêu chuẩn cao hơn với Việt Nam, đưa ra các đánh giá rằng thành tích nhân quyền ở Việt Nam không tốt. Nhưng cùng lúc, qua các tham vấn với đại sứ Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng phía Việt Nam có các vấn đề nhưng họ đang cố gắng khắc phục. Còn nếu đã nói về những việc làm trước kia, thì phải nói đến chuyện hàng triệu galông chất da cam, loại chất điôxin độc hại nhất, mà hàng ngàn người dân Việt Nam phải hứng chịu, chỉ vì sai lầm mà chúng tôi đã gây ra cho người dân Việt Nam. Đối với tôi, đây còn là vấn đề còn mang tính đạo đức. Trong khi chúng tôi cứ muốn áp đặt một tiêu chuẩn cao đối với Việt Nam, chính chính phủ của tôi lại cố gắng lờ đi vấn đề này. Thật là tồi tệ khi bắt người dân Việt Nam phải hứng chịu, chưa kể chính người lính của chúng tôi đã gây ra những điều đau khổ khiến nhân dân Việt Nam phải gánh chịu. Không chỉ người dân miền Bắc mà cả ở miền Nam nữa. Đó là điều hoàn toàn không công bằng. 
Phóng viên Lê Minh:
Một trong những điểm quan trọng mà ông đề cập đến đó là sự hiểu sai hay là thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia. Vậy theo ông, đâu là giải pháp để hai bên có sự hiểu biết tốt hơn?
Hạ nghị sĩ Mỹ Eni Faleomavaega: 
Theo như trình tự thủ tục hiện hành thì Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ quan đi đầu trong việc đối thoại với các nhà lãnh đạo và quan chức Việt Nam, và Bộ Ngoại giao có trách nhiệm báo cáo lại với Quốc hội. Mỗi nghị sĩ quốc hội đều đặc biệt quan tâm đến cử tri ở khu vực mình mà từ đó có những cáo buộc liên quan. Vậy khi có vấn đề hay những cáo buộc cụ thể nào đó của cử tri, Bộ Ngoại giao Mỹ phải có câu trả lời chính xác thông qua các cuộc gặp và đối thoại với quan chức Việt Nam để tìm hiểu điều gì đã diễn ra, rằng chuyện đó có thật hay không, rằng chính phủ Việt Nam đã làm gì để cải thiện tình hình. Từ đó có thể khẳng định là những điều cáo buộc có đúng sự thật hay không. Tôi là người tin vào sự công bằng. Phải để cho người bị cáo buộc có cơ hội để nói rằng đó không phải là sự thật. Đó là những điều chúng ta muốn và cần phải làm. Điều tôi muốn khuyến nghị đó là, trong bất cứ trường hợp nào, chính phủ Việt Nam cũng cần phải có phản hồi trước những điều mà chúng tôi nêu ra, chỉ để hiểu sự thật mà thôi. 
Phóng viên Lê Minh:
Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn với chúng tôi.
 
(Nguồn: Vietnam Television - VTV)