Ngoại giao Việt Nam triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại theo tinh thần Đại hội XI của Đảng

(TG&VN - 12/12/2011) - Nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành cho Báo Thế Giới & Việt Nam một cuộc trao đổi thú vị. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
Xin Bộ trưởng cho biết một số nhận định gì về những thời cơ và thách thức đang đặt ra đối với Ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

Từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 26 (tháng 12/2008) đến nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, biến động ở một số nơi có những lúc rất nhanh chóng, khó lường trước. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực tới tất cả các nước trên thế giới. Gần đây, khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang ngày một trầm trọng và có nguy cơ lan rộng, tác động rất tiêu cực đến kinh tế thế giới. Sự nổi lên của các nước mới nổi (BRICS), những biến động chính trị to lớn tại Bắc Phi - Trung Đông, thảm họa động đất - sóng thần tại Nhật Bản, những điều chỉnh chính sách gần đây của Mỹ và các nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương đã và đang tác động nhiều chiều tới hoạt động đối ngoại và môi trường bên ngoài của các quốc gia khu vực, trong đó có Việt Nam ta.

Thời gian tới, những khó khăn đó vẫn tồn tại, có thể có mặt còn phức tạp và khó lường hơn, sẽ có tác động mạnh tới môi trường đối ngoại của đất nước, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo xử lý. Thực tế cho thấy thời gian qua, những sự kiện như khủng hoảng nợ công ở Châu Âu, biến động chính trị ở Trung Đông - Bắc Phi hay thảm họa kép ở Nhật Bản… đã làm đảo lộn mọi dự báo của hầu hết các cơ quan nghiên cứu của thế giới và các quốc gia.

Ở trong nước, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu cùng với những khó khăn của nền kinh tế khiến cho nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đang nổi lên khá gay gắt. Tuy đã bước vào hàng ngũ các nước có mức thu nhập trung bình, song lực của đất nước còn chưa mạnh, từ đó khiến cho nguồn lực dành cho công tác đối ngoại cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn cần phải nâng tầm hơn nữa để đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra. Công tác dự báo và nghiên cứu chiến lược vẫn cần tiếp tục được củng cố và kiện toàn hơn nữa. Những bước phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng thông tin luôn có hai mặt. Mặt không thuận là nếu cán bộ Ngoại giao không được trang bị những kỹ năng xử lý thông tin cơ bản, phù hợp, sẽ dễ bị nhầm lẫn, sai lạc trong các khâu nắm bắt, xử lý thông tin. Bên cạnh đó, tình hình trong và ngoài nước càng có khó khăn, càng dễ bị các lực lượng thù địch lợi dụng để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá tổng thể cả một chặng đường Đổi mới 25 năm qua, cũng như nhận định tình hình trong thời gian tới, tôi cho rằng đất nước đang có những vận hội mới và ngành Ngoại giao đang đứng trước nhiều thuận lợi cơ bản, đó là:

Trước hết phải khẳng định rằng, những thành tựu mà Ngoại giao Việt Nam gặt hái được là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước và bắt kịp với xu thế của thời đại. Đồng thời, ngành Ngoại giao tự hào luôn nhận được sự quan tâm sát sao, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội… Bên cạnh đó, sự phối kết hợp với các bộ, ngành, địa phương trong triển khai công tác đối ngoại ngày càng nhuần nhuyễn, nhịp nhàng hơn, tạo thành sức mạnh tổng lực của cả nước.

Về điều kiện bên ngoài, có thể nói hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế hiện nay. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là một khu vực phát triển năng động, là động lực của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù khủng hoảng kinh tế khiến cho xu hướng bảo hộ tái xuất hiện ở một vài nơi, song xu thế liên kết kinh tế - thương mại, khu vực hóa vẫn được duy trì và đẩy mạnh. Đáng mừng là với sự chỉ đạo sáng suốt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, với sự cố gắng của ngành Ngoại giao và các bộ, ngành làm kinh tế đối ngoại, Việt Nam đã tham gia tích cực vào xu thế đó, có mặt rất chủ động trong các tiến trình liên kết khu vực quan trọng. Bước vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, chưa bao giờ đất nước chúng ta có một uy tín và vị thế tốt về đối ngoại ở khu vực và trên trường quốc tế như hiện nay. Đất nước ngày càng phát triển, ngoại giao càng có thêm điều kiện để triển khai các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Bên cạnh đó, Ngoại giao Việt Nam còn có một thuận lợi vô cùng to lớn khác đó là sự ủng hộ, sự đồng lòng của gần 90 triệu người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.

Đối với đội ngũ cán bộ của Ngành, khách quan mà nói, các thế hệ cán bộ Ngoại giao trẻ hiện nay nhìn chung được đào tạo cơ bản hơn, có trình độ ngoại ngữ tốt hơn thế hệ cha anh. Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, nhất là với sự phổ biến của internet, cán bộ Ngoại giao có thể dễ dàng tìm kiếm được những thông tin cần thiết. Phương tiện điều kiện làm việc hiện nay cũng tốt hơn trước rất nhiều.

Bởi vậy, mặc dù khó khăn, thách thức là nhiều, nhưng tựu trung lại, thuận lợi vẫn là cơ bản. Thách thức tuy lớn nhưng có thể hóa giải. Tôi có niềm tin rất lớn vào đội ngũ cán bộ Ngoại giao hiện nay và luôn tin tưởng rằng với những thành tựu đã đạt được, với truyền thống vẻ vang và một đội ngũ cán bộ Ngoại giao trẻ, năng động, khát khao cống hiến như hiện nay, Ngoại giao Việt Nam sẽ tận dụng thành công những thời cơ, thuận lợi và hóa giải mọi thách thức đặt ra, hoàn thành tốt các nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Xin Bộ trưởng cho biết những nội dung lớn, những trọng tâm sẽ được thảo luận tại Hội nghị Ngoại giao 27 lần này ?

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành tiến hành học tập, quán triệt văn kiện của Đại hội. Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 lần này là dịp toàn Ngành tập trung thảo luận sâu các phương hướng triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2020. Với chủ đề: "Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng", Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 sẽ lắng nghe và quán triệt những ý kiến chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hội nghị sẽ đi sâu thảo luận nhiều nội dung quan trọng:

Một là, quán triệt đường lối đối ngoại của Đại hội XI, xác định nội hàm và định hướng triển khai chủ trương "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế", vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc, xây dựng Cộng đồng ASEAN và triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại.

Hai là, dự báo về môi trường an ninh, chiến lược thế giới và khu vực trong những năm tới, phân tích những cơ hội và thách thức đối với môi trường an ninh, phát triển của Việt Nam, nhất là trong việc đảm bảo an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, kiểm điểm công tác đối ngoại, việc triển khai các trụ cột ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua, rút ra các bài học kinh nghiệm thành công và hạn chế. Cụ thể, Hội nghị sẽ đánh giá kết quả triển khai Chương trình Hành động của Hội nghị Ngoại giao 26 trong tất cả các lĩnh vực công tác.

Bốn là, trên cơ sở nhận định tình hình và kiểm điểm công tác trong nhiệm kỳ qua, Hội nghị sẽ đề ra những định hướng chiến lược, trọng tâm, ưu tiên đối ngoại cho những năm tới và đề xuất đối sách cụ thể cho những vấn đề đối ngoại then chốt.

Năm là, Hội nghị cũng sẽ dành thời gian thảo luận các biện pháp xây dựng ngành Ngoại giao, xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ Ngoại giao chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp, ngang tầm khu vực và từng bước vươn lên tiếp cận trình độ thế giới, đáp ứng được những nhiệm vụ ngày càng phức tạp đang được đặt ra.

Tất cả những nội dung đó sẽ được thể hiện trong Chương trình Hành động của Hội nghị Ngoại giao 27 với những phương hướng, trọng tâm công tác và biện pháp cụ thể trong 2 - 3 năm tới mà toàn Ngành cần tập trung thực hiện.

Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, đề cao hiệu quả, việc tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần này có nhiều điểm mới. Đáng chú ý nhất là việc Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương tổ chức phiên họp chung của Hội nghị Ngoại giao 27 và Hội nghị Tham tán Thương mại với sự tham gia của các Trưởng cơ quan đại diện và Tham tán Thương mại, đại diện các Bộ, ngành kinh tế nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế và những nhiệm vụ kinh tế đối ngoại trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng sẽ tiến hành Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 16 với sự tham gia của các đồng chí Chủ tịch/Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Giám đốc Sở Ngoại vụ các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước. Như vậy, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 không chỉ là ngày hội của ngành Ngoại giao mà còn là dịp các Bộ, ngành làm công tác đối ngoại, kinh tế đối ngoại và các địa phương tăng cường phối hợp hiệu quả nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XI.

Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!