Kết quả kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp sau 14 ngày làm việc khẩn trương. Kết quả này có sự đóng góp công sức của nhiều cấp, nhiều ngành, từ sự chỉ đạo, lãnh đạo đến việc tổ chức thực hiện cũng như công tác tham mưu phục vụ. Song, điều cần nhấn mạnh ở đây chính là tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc phát huy trí tuệ, thảo luận dân chủ, sáng suốt lựa chọn và quyết định đối với tất cả những vấn đề nêu ra trong chương trình nghị sự; sự bắt nhịp nhanh chóng với thủ tục hoạt động tại nghị trường của các đại biểu mới trúng cử.
Kết quả cơ bản của kỳ họp được thể hiện trên một số nội dung sau đây:
1. Về báo cáo kết quả bầu cử, thẩm tra và xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội
Tại kỳ họp thứ nhất vừa qua, Quốc hội đã nghe Hội đồng bầu cử báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 (sau đây được gọi là cuộc bầu cử); nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; thành lập Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu của 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Báo cáo của Hội đồng bầu cử cho thấy, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh thuận lợi: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vừa kết thúc thắng lợi; Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng lãnh đạo đã và đang thu được những kết quả quan trọng. Nhưng bên cạnh đó, tình hình kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế cũng có không ít khó khăn, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Khối lượng công việc phải triển khai trong cuộc bầu cử là rất lớn do đây là lần đầu tiên nước ta tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện và kịp thời của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và các cấp ủy đảng, với tinh thần trách nhiệm của người dân đối với sự phát triển của đất nước, với những nỗ lực của các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử, của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, của các cơ quan thông tin, tuyên truyền, cuộc bầu cử đã diễn ra trong không khí dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, phấn khởi và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Nhờ đó, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016  đã thành công tốt đẹp, thể hiện qua nhiều phương diện khác nhau như: cử tri đi bầu đạt tỷ lệ rất cao (99.51%); tinh thần dân chủ trong mỗi khâu, mỗi công đoạn của quy trình bầu cử được phát huy; công tác chuẩn bị và triển khai đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm; lần đầu tiên chúng ta bầu một lần đủ 500 đại biểu Quốc hội; các đại biểu được bầu đa số có trình độ học vấn cao… Kết quả bầu cử thể hiện rõ ý thức chính trị của cử tri, thể hiện lòng tin của cử tri đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
2. Về việc bầu, phê chuẩn các nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước và quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ
Công tác bầu và phê chuẩn các nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp thứ nhất. Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Quốc hội, hoạt động này chiếm tới gần 87% thời lượng các phiên họp toàn thể tại kỳ họp. Đây là công việc rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã hoàn thành tốt việc bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toàn án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo và thành viên Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp, Tổng kiểm toán nhà nước; Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Quốc hội cũng đã quyết nghị về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII theo hướng không có thay đổi so với cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm 4 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 04 thành viên khác của Chính phủ.
Công tác bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước và điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, triển khai chặt chẽ, đúng pháp luật, dân chủ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Nhờ đó, Quốc hội đã lựa chọn được những người thực sự xứng đáng để đảm nhận các công việc quan trọng, đảm đương trọng trách trước Đảng, Quốc hội và toàn thể nhân dân. Cũng chính vì vậy, các kết quả bầu và phê chuẩn chức danh cụ thể đều đạt tỷ lệ tán thành cao, thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội đối với các ứng cử viên được giới thiệu.
3.    Về hoạt động lập hiến, lập pháp
Tại kỳ họp thứ nhất này, hoạt động lập pháp chiếm không nhiều thời gian (chỉ chiếm 12.9% số phiên họp toàn thể) nhưng lại có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cụ thể là các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về mục đích, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương châm và phương pháp tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (tháng 6 năm 1991) (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011), Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết TW lần thứ hai (Khóa XI). Đồng thời, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch Ủy ban và có sự tham gia của đại diện các cơ quan, bộ, ban, ngành ở trung ương.
Trong kỳ họp này, Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.
4.    Về xem xét tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước
Các đại biểu Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo và dành trọn 01 ngày làm việc để thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2011.
Các ý kiến phát biểu tại hội trường đã chia sẻ với Chính phủ về những kết quả bước đầu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát. Cụ thể là lạm phát có xu hướng giảm, xuất khẩu và thị trường hàng hóa trên đà tăng mạnh, thu ngân sách tăng, bội chi ngân sách giảm, thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý, an sinh xã hội được chú trọng. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng đã đi sâu phân tích những khó khăn, thách thức đối với tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm với những hạn chế nội tại của nền kinh tế và những diễn biến khó lường từ bên ngoài. Quốc hội mong muốn Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ  đã đề xuất trước Quốc hội. Trong đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung ưu tiên việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, ổn định giá cả và đảm bảo an sinh xã hội nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và giữ ổn định xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Quốc hội cũng đã xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.
5.    Về một số vấn đề khác
Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, các ý kiến phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua và những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, sau khi cân nhắc kỹ về sự cần thiết và các nội dung cụ thể của chính sách miễn, giảm, Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã nghe Bộ Ngoại giao báo cáo về tình hình biển Đông trong thời gian gần đây.