Thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ

(VNA) Chiều 28/4 tại Trụ sở Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã tiếp Đoàn Đại biểu Thượng viện Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Daniel Inouye, Chủ tịch tạm quyền Thượng viện, Chủ nhiệm Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ dẫn đầu sang thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 27-30/4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhiệt liệt chào mừng Thượng nghị sĩ Daniel Inouye, Chủ tịch tạm quyền Thượng viện, Chủ nhiệm Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam, coi đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Phó chủ tịch Quốc hội mong ngài Thượng nghị sĩ Daniel Inouye với uy tín của mình, sẽ quan tâm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội và nhân dân hai nước.

Giới thiệu một số nét cơ bản về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn Quốc hội hai nước sẽ tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi đoàn cả ở cấp cao, cấp ủy ban. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hoa Kỳ quan tâm ủng hộ Việt Nam trong quan hệ kinh tế thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư kinh doanh, hợp tác nhân đạo, trong đó có vấn đề giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin; hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Thượng nghị sĩ Daniel Inouye, Chủ tịch tạm quyền Thượng viện, Chủ nhiệm Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ bày tỏ hài lòng về kết quả chuyến thăm làm việc tại Việt Nam và nói lên những ấn tượng tốt đẹp trước sự phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua.

Đặc biệt, Thượng nghị sĩ Daniel Inouye đánh giá cao những bước phát triển của quan hệ giữa hai nước và nhấn mạnh rằng mối quan hệ này có thể được nâng cao và phát triển tốt đẹp hơn nữa về mọi mặt; đánh giá cao vai trò và sự năng động của Việt Nam thể hiện qua những hoạt động ngoại giao quốc tế và khu vực mà Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công như Hội nghị cấp cao APEC, Chủ tịch ASEAN năm 2010. Trong quan hệ giữa hai Quốc hội, Thượng nghị sĩ Daniel Inouye ủng hộ đề nghị của Việt Nam sớm thiết lập nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Hoa Kỳ.

Cũng trong buổi chiều, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, tiếp Thượng nghị sỹ Daniel Inouye, Đại tướng Phùng Quang Thanh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng coi đây là dịp tốt để phái đoàn trao đổi, tìm hiểu các lĩnh vực có thể hợp tác. Thời gian qua, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã đạt được một số kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực đào tạo ngôn ngữ, quân y, rà phá bom mìn, vật liệu nổ, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin và tìm kiếm hài cốt quân nhân bị mất tích trong chiến tranh.

Bộ trưởng mong rằng trên cương vị của mình, Thượng nghị sỹ Daniel Inouye sẽ có những đóng góp, hỗ trợ thúc đẩy, mở rộng các mối quan hệ hợp tác hữu nghị tiếp tục phát triển phù hợp với lợi ích và mối quan hệ hợp tác chung giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ.

Thượng nghị sỹ Daniel Inouye cho rằng đây là cơ hội tốt để đoàn có dịp tìm hiểu, trao đổi với các cơ quan hữu quan của Việt Nam. Thông qua đó, tiếp tục góp phần tăng cường thúc đẩy các mối quan hệ song phương, hợp tác thương mại và giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin.

Nhân dịp này, Thượng nghị sỹ Daniel Inouye cũng bày tỏ sự cảm ơn đến Nhà nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm hết sức mình giúp Hoa Kỳ tìm kiếm được nhiều quân nhân bị mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam; mong muốn thời gian tới hai nước tiếp tục cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về mô hình giáo dục, hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin và tìm kiếm quân nhân bị mất tích trong chiến tranh...

Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp Thượng nghị sĩ Daniel Inouye, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai bên còn nhiều tiềm năng để mở rộng các mối quan hệ hợp tác cùng có lợi; mong muốn hai bên cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Bộ trưởng đánh giá cao sự đóng góp của Thượng nghị sĩ Daniel Inouye vào sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và mong rằng với vai trò, uy tín của mình, ngài Thượng nghĩ sỹ sẽ tiếp tục góp phần gia tăng sự hiểu biết và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Thượng nghị sĩ Daniel Inouye quan tâm đến việc giải quyết các tranh chấp thương mại, ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề liên quan cá da trơn, trái cây của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Daniel Inouye ghi nhận những tiến triển trong quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, nhất là trong những năm gần đây, hai nền kinh tế đang trên đà phục hồi và hai nước đã có mối quan hệ mạnh mẽ không chỉ về kinh tế, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác.

Thượng nghị sĩ Daniel Inouye bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề sử dụng hiệu quả tài nguyên nước sông Mekong, cũng như bảo đảm nguồn sống của cư dân hai bên bờ; nhấn mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia liên quan là rất cần thiết và hữu ích. Thượng nghị sĩ Daniel Inouye cho biết, Hoa Kỳ mong muốn tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo với Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 28/4, Chủ tịch tạm quyền Thượng viện Hoa Kỳ Daniel Inouye có cuộc tiếp xúc với Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Phạm Bình Minh để trao đổi các vấn đề về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, khẳng định Việt Nam tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó tiếp tục coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ như một đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược.

Thượng nghị sỹ Daniel Inouye bày tỏ ấn tượng trước thành tựu phát triển của Việt Nam và những bước tiến trong quan hệ hai nước, khẳng định Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực để tăng cường và đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Thượng nghị sỹ Daniel Inouye cũng khẳng định Quốc hội Hoa Kỳ sẽ ủng hộ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng và các lĩnh vực khác, đồng thời tiếp tục quan tâm tới những nỗ lực để tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề chất độc da cam./.