Tuyên bố Chủ tịch ADMM+ lần thứ nhất
1. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 12/10/2010 tại Hà Nội, Việt Nam. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ trì Hội nghị.
2. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng và Đại diện Bộ trưởng Quốc phòng 10 quốc gia thành viên ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại của ASEAN (dưới đây gọi tắt là các nước “Cộng”) bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Mỹ. Tổng thư ký ASEAN cũng tham dự Hội nghị.
3. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã dự khai mạc Hội nghị và phát biểu chào mừng, nhấn mạnh ý nghĩa của việc thiết lập ADMM+. Sau Hội nghị, các Bộ trưởng Quốc phòng và Đại diện Bộ trưởng Quốc phòng đến chào xã giao Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh việc thiết lập ADMM+ và cho rằng ADMM+ sẽ góp phần nâng cao hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và các nước “Cộng” nhằm kết hợp nguồn lực để đối phó hiệu quả hơn với các thách thức an ninh chung.
4. Hội nghị hoan nghênh việc lập ADMM+, chúc mừng Việt Nam tổ chức ADMM+ lần thứ nhất và cho rằng đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ASEAN bởi ADMM+ là diễn đàn quốc phòng chính thức đầu tiên cấp Bộ trưởng quốc phòng giữa ASEAN và các nước đối tác chủ chốt ngoài khu vực.
5. Hội nghị ghi nhận những đóng góp tích cực của các nước “Cộng” đối với tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á. Hội nghị hoan nghênh các nước “Cộng” trong việc thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với ASEAN thông qua tiến trình ADMM+.
6. Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của việc giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình ADMM+ và nhấn mạnh rằng hợp tác trong khuôn khổ ADMM+ cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của ASEAN là tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tham vấn, đồng thuận với nhịp độ phù hợp với tất cả các nước thành viên.
7. Hội nghị khẳng định ADMM+ là một bộ phận quan trọng của cấu trúc an ninh khu vực năng động, hiệu quả, mở và dung nạp ADMM+ sẽ góp phần tăng cường hữu nghị, lòng tin và hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại và hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên ADMM+.
8. Hội nghị ghi nhận những phát triển gần đây trong thực hiện Hiến chương ASEAN và xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Hội nghị cũng ghi nhận những nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy sâu rộng các mối quan hệ với các đối tác đối thoại thông qua các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) và ADMM+ nhằm hỗ trợ cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.
9. Hội nghị trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế cùng quan tâm cũng như chia sẻ chính sách quốc phòng anh ninh của các nước. Hội nghị cho rằng, hòa bình, ổn định và phát triển là xu hướng chủ đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Hội nghị cũng cho rằng khu vực vẫn còn tồn tại các thách thức an ninh xuyên quốc gia mà không một quốc gia đơn lẻ nào có khả năng giải quyết những thảm họa tự nhiên, an ninh biển, khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt, biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, nạn buôn người, bệnh dịch truyền nhiễm.
10. Hội nghị cho rằng khu vực đang phải đối mặt với các thảm họa thiên nhiên và nhất trí cần thiết phải tăng cường hợp tác trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR). Hội nghị hoan nghênh các sáng kiến xây dựng năng lực và tăng cường khả năng, bao gồm Diễn tập cứu trợ thảm họa trong khuôn khổ ARF và diễn tập sa bàn về HADR vào năm 2011.
11. Hội nghị nhấn mạnh khủng bố tiếp tục là thách thức an ninh chính đối với khu vực và cho rằng ADMM+ có tiềm năng to lớn để các nước thành viên chia sẻ thông tin, xây dựng các mối liên kết và tăng cường khả năng để đối phó với chủ nghĩa khủng bố.
12. Hội nghị ghi nhận sự quan tâm của các nước thành viên đối với hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển và đồng ý rằng các nỗ lực tập thể là cần thiết để giải quyết các thách thức về cướp biển, buôn bán người trái phép và thảm họa trên biển. Tại Hội nghị, một số đại biểu đề cập đến các thách thức an ninh truyền thống như tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Hội nghị hoan nghênh những nỗ lực của các bên liên quan trong giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) vào năm 2002 và các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).
13. Hội nghị đánh giá cao cơ hội được trao đổi quan điểm một cách cởi mở và thẳng thắn về các thách thức khu vực. Hội nghị cho rằng điều này góp phần xây dựng lòng tin, tăng cường minh bạch và cho phép các nước hiểu rõ hơn về quan điểm và đánh giá của nhau đối với các vấn đề an ninh khu vực.
14. Hội nghị nhất trí rằng ADMM+ tạo ra một diễn đàn hữu ích để xây dựng sự hợp tác dựa trên lợi ích chung và cho rằng các nước thành viên cần thúc đẩy hợp tác cụ thể trong những lĩnh vực có lợi ích an ninh chung nhằm xây dựng năng lực, phát triển chuyên môn và tăng cường phối hợp trong những lĩnh vực có khả năng đóng góp duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Hội nghị khẳng định ADMM+ có nền tảng thuận lợi để thúc đẩy hợp tác thiết thực. ADMM+ có tiềm năng to lớn tiến tới hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.
15. Hội nghị hoan nghênh Tài liệu Thảo luận về “Tiềm năng, triển vọng và định hướng hợp tác thiết thực trong khuôn khổ ADMM+” và nhất trí rằng tài liệu này là cơ sở để thảo luận cách thức tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm. Hội nghị nhất trí và xác định 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác bước đầu nêu trong Tài liệu thảo luận, gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố và hoạt động gìn giữ hòa bình. Hội nghị nhấn mạnh đây là những lĩnh vực mà các nước thành viên ADMM+ có thể hợp tác trong thời gian tới.
16. Hội nghị nhất trí thiết lập Hội nghị quan chức quốc phòng cao cấp các nước ASEAN Mở rộng (ADSOM+) với thành phần gồm các quan chức quốc phòng cao cấp của tất cả các nước thành viên ADMM+. ADSOM+ sẽ triển khai các thỏa thuận và quyết định của ADMM+, kể cả xác định các lĩnh vực hợp tác chung.
17. Hội nghị cho rằng, cần phải thiết lập các Nhóm chuyên gia (EWG) để thúc đẩy hợp tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên trên. Nhóm chuyên gia sẽ giám sát các hoạt động và triển khai các sáng kiến hợp tác. Về vấn đề này, Việt Nam và Trung Quốc bày tỏ mong muốn làm đồng chủ tịch Nhóm Chuyên gia về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Ngoài ra, Malaysia và Australia đề xuất đồng chủ tịch Nhóm Chuyên gia về an ninh biển. Philippines đề xuất sẽ phối hợp với Niu-di-lân bàn cách thức triển khai hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình.
18. Hội nghị giao cho các quan chức quốc phòng cấp cao triển khai quyết định của các bộ trưởng về hợp tác thiết thực. Hội nghị cũng giao cho các quan chức quốc phòng cấp cao làm rõ cách thức vận hành các Nhóm chuyên gia gồm thể thức để xác định nước chủ trì và đồng chủ trì của từng nhóm chuyên gia, cơ chế luân phiên chủ trì các Nhóm chuyên gia cũng như qui trình thông qua đối với các tài liệu khái niệm và kế hoạch hoạt động của các Nhóm Chuyên gia.
19. Hội nghị nhất trí thông qua Tuyên bố chung Hà Nội của Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất được các Bộ trưởng ADMM+ ký tại Hội nghị. Hội nghị cho rằng, Tuyên bố chung có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự thành lập ADMM+ cũng như thể hiện cam kết của các nước thành viên ADMM+ nhằm tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
20. Hội nghị hoan nghênh Brunei sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch và là chủ nhà của Hội nghị ADMM+ lần thứ hai vào năm 2013.
21. Hội nghị hoan nghênh Indonesia tổ chức ADSOM+ và các hội nghị liên quan trong năm Indonesia là chủ tịch vào năm 2011.
22. Hội nghị hoan nghênh Việt Nam sẽ tổ chức Cuộc họp nhóm công tác của ADSOM+ vào tháng 12 năm 2010.
23. Hội nghị cũng bày tỏ sự đánh giá cao đối với Chính phủ và Bộ Quốc Phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì sự đón tiếp nồng hậu và trọng thị./.