Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam
(VNA) Ngày 12/7/1995, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau 15 năm, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt những thành tựu quan trọng. Hoa Kỳ đã trở thành một trong những bạn hàng, nhà đầu tư lớn của Việt Nam và là đối tác hợp tác phát triển quan trọng.
Vietnamplus, 20/07/2010
Về hợp tác đầu tư
Tính đến ngày 31/12/2009, Hoa Kỳ có 506 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 14,909 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam do có một số công ty Hoa Kỳ như Tập đoàn Coca Cola, Procter & Gamble, Cheveron, Conoco... đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con đăng ký tại một số nước khác như British Virgin Islands, Singapore, Hongkong...
Đặc biệt kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ có hiệu lực, đầu tư trực tiếp Hoa Kỳ tăng mạnh với mức trung bình 27%/năm từ năm 2002 đến 2004 (so với khoảng 3%/năm từ năm 1996 đến 2001). Xét tổng vốn đăng ký đầu tư cho đến nay, Hoa Kỳ đứng thứ 6 trong tổng số 89 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Riêng trong năm 2009, Hoa Kỳ là nhà đầu tư số 1 với 43 dự án cấp mới, 12 dự án tăng vốn với tổng số vốn lên đến 9,8 tỷ USD.
Đầu tư của Hoa Kỳ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 67,2% tổng vốn đầu tư đăng ký), trong đó có một số dự án với quy mô lớn như Winvest Investment LCC cam kết đầu tư 4,1 tỷ USD xây khách sạn 5 sao tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Good Choice USA cam kết gần 1,3 tỷ USD xây dựng khu khách sạn cao cấp tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 (chiếm 16,14% tổng vốn đầu tư đăng ký), tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải, kho bãi...
Hình thức đầu tư chủ yếu của Hoa Kỳ ở Việt Nam là 100% vốn nước ngoài với 13,804 tỷ USD (chiếm 92% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Trừ lĩnh vực dầu khí, đầu tư của Hoa Kỳ đã có mặt tại 35/63 địa phương của cả nước, nhưng chủ yếu tập trung vào các địa phương thuộc trọng điểm kinh tế phía Nam như Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.
Các dự án FDI của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phát huy được những thế mạnh của nhà đầu tư cũng như đáp ứng được yêu cầu của hai nước, mang đến lợi ích cho cả hai bên. Nguồn vốn này đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và phát triển nguồn nhân lực.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư, hai nước đã chính thức khởi động việc đàm phán Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 6/2008. BIT bao gồm các quy định có phạm vi và mức độ cam kết cao hơn so với các cam kết có liên quan của Việt Nam trong WTO và Hiệp định về quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA).
Đến nay hai bên đã tổ chức nhiều phiên đàm phán. Nhìn chung, quan hệ đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian qua có những bước phát triển mạnh mẽ. Hoa Kỳ đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Hai bên cần tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư trực tiếp, nâng cao hiệu quả thực hiện BTA và triển khai các hoạt động của Hội đồng tư vấn Việt Nam-Hoa Kỳ.
Về phía Việt Nam, cần nỗ lực hỗ trợ hơn nữa các dự án đầu tư của Hoa Kỳ, tăng cường khuyến khích Việt kiều Mỹ đầu tư về nước.
Về hợp tác phát triển
Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được bắt đầu khi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai các hoạt động vào năm 1994. Đặc biệt, kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton và khi Văn phòng USAID được thành lập tại Hà Nội vào năm 2000, hoạt động này đã tăng lên đáng kể. Hỗ trợ của USAID dành cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực là tăng cường đầu tư và thương mại; cải thiện việc tiếp cận hệ thống dịch vụ cho các nhóm đối tượng thiệt thòi được lựa chọn; cải thiện việc quản lý môi trường đô thị và công nghiệp.
Ngoài USAID, một số cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ như Bộ Nông nghiệp, Bộ Lao động, Bộ Y tế, Cơ quan Phát triển Thương mại Hoa Kỳ (USTDA)... cũng tham gia các hoạt động viện trợ.
Bên cạnh ba lĩnh vực ưu tiên nói trên, viện trợ của Hoa Kỳ còn tập trung vào các lĩnh vực như phòng, chống cúm gia cầm; phòng, chống HIV/AIDS; nông nghiệp và nâng cao năng lực của một số cơ quan của Việt Nam (Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS).
Kể từ khi nối lại quan hệ, ODA của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam liên tục tăng qua các năm, trong những năm gần đây đều đạt trên 100 triệu USD/năm. Đặc biệt năm 2009, trong bối cảnh khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ODA của Hoa Kỳ vẫn đạt 138,18 triệu USD.
Các chương trình, dự án ODA của Hoa Kỳ được triển khai đã góp phần thúc đẩy, tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước. Bên cạnh đó, các dự án này cũng tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, phòng chống dịch bệnh; cải thiện công tác quản lý môi trường đô thị và công nghiệp tại Việt Nam.
Nhằm tăng cường nguồn vốn ODA của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong những năm tới, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật, tạo ra khung pháp lý để thực hiện các dự án ODA của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Ngoài ra, hai bên cũng tăng cường đôn đốc, xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Cùng với ODA, Việt Nam đang khuyến khích huy động các nguồn lực khác từ Hoa Kỳ, đặc biệt là hình thức hợp tác công-tư (PPP). Việc sử dụng nguồn vốn này không những giúp Chính phủ giảm nhẹ gánh nặng ngân sách hiện tại mà còn phối hợp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA.
Qua 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt nhiều thành tích khích lệ, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, hợp tác phát triển.
Với tinh thần hợp tác hữu nghị và ổn định, những thành tựu tốt đẹp này sẽ là nền tảng vững chắc thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng phát triển trong tương lai, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước./.