Việt Nam lên án khủng bố dưới mọi hình thức
(VNA) Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân đang diễn ra tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ),Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam lên án những hành động khủng bố dưới mọi hình thức.
Chiều 12/4 theo giờ địa phương, trong phiên thảo luận của hội nghị về mối đe dọa khủng bố và buôn bán hạt nhân bất hợp pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Thủ tướng nêu rõ luật pháp Việt Nam có nhiều quy định về bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, nghiêm cấm các hành động buôn bán bất hợp pháp các vật liệu sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân.
Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động, triển khai nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện những mục tiêu này, đồng thời Việt Nam coi trọng việc gia nhập các điều ước quốc tế, tích cực tham gia các hoạt động song phương và đa phương về chống khủng bố.
Để nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế chống khủng bố, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia quan tâm hơn nữa tới việc hỗ trợ các nước có yêu cầu triển khai các biện pháp chống khủng bố, bảo đảm an ninh hạt nhân, thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan.
Trước phiên thảo luận về mối đe dọa khủng bố hạt nhân, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân đã khai mạc với sự tham dự của 50 đoàn, trong đó có 3 tổ chức quốc tế gồm Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Liên minh châu Âu (EU), và lãnh đạo cấp cao của 47 nước.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhấn mạnh mối đe dọa khủng bố hạt nhân không phải xa vời, mặc dù ít khả năng xảy ra nhưng hậu quả rất lớn. Ông Obama cho rằng ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố hạt nhân là trách nhiệm của tất cả các nước và nguy cơ này có thể kiểm soát được nếu có sự nỗ lực của các quốc gia và tổ chức quốc tế.
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước Nhật Bản, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan,… cũng nhấn mạnh mối đe dọa trong lĩnh vực đảm bảo an ninh hạt nhân, hậu quả cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn các mối đe dọa đó. Các nhà lãnh đạo cho rằng vấn đề an ninh được đặt ra hiện nay là do khả năng các vũ khí, vật liệu, công nghệ hạt nhân rơi vào tay các đối tượng phi nhà nước hoặc các quốc gia có tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân đã trở thành nguy cơ hiện hữu.
Tình trạng buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân và chất phóng xạ không suy giảm. Các tổ chức khủng bố thể hiện rõ ý đồ sử dụng vật liệu hạt nhân và phóng xạ vào mục đích xấu. Do đó, việc bảo đảm an ninh hạt nhân là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Theo IAEA, hiện có 4 loại nguy cơ đối với an ninh hạt nhân, gồm đánh cắp vũ khí hạt nhân, chế tạo vật liệu nổ hạt nhân từ vật liệu hạt nhân lấy cắp được, sử dụng các vật liệu hạt nhân và phóng xạ vào mục đích xấu, tấn công hay phá hoại các cơ sở hạt nhân hoặc vật liệu hạt nhân đang được vận chuyển.
Do vậy, an ninh hạt nhân là phương tiện, biện pháp nhằm ngăn ngừa, phát hiện và đối phó với các hành động lấy cắp, phá hoại, tiếp cận trái phép, chuyển giao bất hợp pháp hoặc các hành động xấu khác liên quan đến vật liệu hạt nhân, các chất phóng xạ và các cơ sở liên quan đến vật liệu hạt nhân cũng như chất thải phóng xạ.
Trong hai ngày hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các lãnh đạo các nước sẽ thảo luận các chủ đề, đó là “Mối đe dọa khủng bố hạt nhân”, “Hành động quốc gia đảm bảo an ninh hạt nhân”, “ Vai trò của IAEA đối với an ninh hạt nhân” và “ Hành động quốc tế đảm bảo an ninh hạt nhân”./.