Khác biệt lối tu dẫn tới va chạm ở tu viện Bát Nhã
(VNA) Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thanh Xuân cho biết chính sự khác biệt về lối tu của Làng Mai với cách tu tập của tăng, phật tử tại Tu viện Bát Nhã theo lối truyền thống của Phật giáo Việt Nam đã dẫn đến những xung đột về văn hóa, châm ngòi cho những vụ va chạm ở Tu viện Bát Nhã.
Thông tin này được ông Xuân cung cấp cho báo chí trong nước và quốc tế tại buổi họp báo chiều 11/1 ở Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, sau khi từ Tu viện Bát Nhã về ở tạm tại Chùa Phước Huệ (Lâm Đồng), đến ngày 30/12/2009, những người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai đã tự giác rời khỏi Chùa Phước Huệ, về nơi cư trú.
Thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ cung cấp thêm, trước tháng 6/2008, những người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai được Thượng tọa Thích Đức Nghi, Trụ trì Tu viện Bát Nhã (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bảo lãnh tu tập tại cơ sở tôn giáo này theo những khóa tu ngắn ngày.
Trong quá trình đó, Làng Mai đã can thiệp vào công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng cách tự ý bổ nhiệm Phó Trụ trì Tu viện Bát Nhã, tấn phong giáo phẩm cho 1 vị từ hàm Thượng tọa lên Hòa thượng mà không qua ý kiến Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trụ trì Tu viện. Đây cũng là việc làm trái với Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Việt Nam.
Do bức xúc bởi việc này, ngày 1/9/2008, Thượng tọa Thích Đức Nghi đã có đơn gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thôi bảo lãnh cho nhóm người trên.
Giáo hội đã chấp thuận và truyền đạt ý kiến yêu cầu số tu sinh này thôi không tập trung tại Bát Nhã mà về các chùa thuộc địa phương nơi sinh sống để tu học. Tuy nhiên, nhóm tu sinh trên đã không thực hiện vì vậy dẫn đến việc xô xát ngày 27/6/2009 giữa số người tu theo pháp môn Làng Mai và các tăng, phật tử của Tu viện Bát Nhã.
Đến ngày 28/9/2009, toàn bộ số người tu theo pháp môn Làng Mai mới rời khỏi Bát Nhã đến ở tạm tại Chùa Phước Huệ (Bảo Lộc, Lâm Đồng), một số người khác trở về địa phương.
Và đến ngày 30/12/2009, số người còn lại này đã tự rời khỏi Chùa Phước Huệ, về nơi cư trú. Hiện tại chính quyền địa phương chưa nắm được tất cả số lượng cũng như nơi đến cụ thể của những người này sau khi rời khỏi Chùa Phước Huệ.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Xuân, sau khi sự việc trên xảy ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài đã chủ động thông tin với Làng Mai trước 1 tháng trong chuyến công tác tại Pháp cuối tháng 9 đầu tháng 10/2009; đề nghị được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh với mục đích trao đổi, hợp tác giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ chối với lý do đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo. Trong khi đó, Làng Mai còn có những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí về vấn đề những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế về mức độ vụ xô xát xảy ra giữa số người tu theo pháp môn Làng Mai và các tăng, phật tử của Tu viện Bát Nhã, ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết những vụ việc của tôn giáo thì để tôn giáo giải quyết, chính quyền địa phương không can thiệp.
Đây chỉ là sự va chạm giữa các môn phái tôn giáo; chưa có những xô xát, xung đột gây thương tích đến mức vi phạm pháp luật hình sự. Vì vậy, cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương chưa có bất kỳ biện pháp xử lý, điều tra tư pháp nào về vụ việc này.
Ông Đông khẳng định vụ việc trên là công việc nội bộ của các tôn giáo. Chính quyền địa phương chỉ thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, hòa giải các mâu thuẫn theo chức năng nhiệm vụ đã được quy định. Ông Đông cũng bác bỏ thông tin cho rằng chính quyền địa phương đã gây sức ép buộc nhóm người tu theo pháp môn Làng Mai phải rời bỏ Chùa Phước Huệ.
Quan chức này cũng giải thích thêm do khuôn viên của Chùa Phước Huệ quá nhỏ không đủ sức chứa gần 200 tu sinh pháp môn Làng Mai, cộng với những mâu thuẫn giữa nhóm người này với sư, phật tử của chùa và yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên Trụ trì Chùa Phước Huệ đã đề nghị nhóm tu sinh pháp môn Làng Mai rời khỏi cơ sở tu tập này./