Bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII
(NDĐT) Trong hơn 1 tháng làm việc, Quốc hội đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2009; thông qua Nghị quyết về hoạch phát triển kinh tế- xã hội và các Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2010. Các đại biểu cũng đã tiến hành công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước: xem xét thông qua 7 dự án luật: Luật Người cao tuổi; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dân quân tự vệ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Thuế tài nguyên; đồng thời cho ý kiến đối với 11 dự án luật khác để tiếp tục thông qua tại kỳ họp sau.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2010, trong đó có 2 chuyên đề lớn: Thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Nhà máy Thủy điện Lai Châu và Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016, hoàn thành công trình vào năm 2017. Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ khởi công nhà máy số 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành vào năm 2020. Quốc hội cũng đã thông qua chương trình hoạt động giám sát năm 2010, tập trung vào nội dung nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Quốc hội cũng thống nhất nhận định, năm 2009, mặc dù chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, của toàn dân, kinh tế- xã hội của đất nước đã đạt được những kết quả tích cực. Suy giảm kinh tế được ngăn chặn, tốc độ tăng trưởng được duy trì hợp lý; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các yêu cầu về an sinh xã hội được bảo đảm; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn nhiều, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Những nhân tố gây mất ổn định kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn, nhiều mặt yếu kém, khuyết điểm còn phải dày công khắc phục…