Kết quả Phiên họp của LHQ về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

Ngày 4/6, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng đoàn Việt Nam tại Phiên họp thứ 5 của Nhóm Làm việc về Cơ chế Kiểm điểm định kỳ của Liên hợp quốc (UPR) được tổ chức tại Giơ-ne-va từ 8 - 12/5/2009, gặp đại diện ngoại giao đoàn, các tổ chức Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và một số một số tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của Việt Nam để thông báo kết quả của Phiên họp khi xem xét báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc đảm bảo quyền con người. Cho tới nay, 80 quốc gia thành viên LHQ đã trình bày báo cáo theo cơ chế này.
Thứ trưởng cho biết, tại phiên trình bày báo cáo của Việt Nam, các đoàn của 60 nước đã phát biểu, đại diện tất cả các khu vực trên thế giới. Các nước và Liên hợp quốc cho rằng Báo cáo quốc gia của Việt Nam được chuẩn bị công phu, có sự tham gia của nhiều cơ quan Nhà nước, đóng góp rộng rãi của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và đã nêu một cách toàn diện, cởi mở về chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là đảm bảo quyền con người, cùng những kết quả cụ thể theo chính sách này ở Việt Nam. Nhiều nước đánh giá cao nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc cụ thể hoá bằng nhiều việc xây dựng nhiều chính sách, văn bản pháp luật quan trọng, cải cách hành chính, tăng cường các cơ chế đảm bảo dân chủ, và phấn đấu đạt những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới, chăm lo đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là những kết quả đạt được trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như trẻ em, người tàn tật.
Thứ trưởng cũng trao đổi thông tin về một số ý kiến khác biệt, đề cập tới những ý kiến của Đoàn Việt Nam bác bỏ một số luận điệu sai trái.
Thứ trưởng cho biết Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua Báo cáo về phiên kiểm điểm của Việt Nam. Các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ trên một số vấn đề để hoàn tất các nội dung cho báo cáo sẽ được Hội đồng Nhân quyền xem xét để chính thức thông qua vào tháng 9/2009./.