PTT Phạm Gia Khiêm trả lời phỏng vấn nhân kết thúc Hội nghị BTNG ASEM lần 9
Câu hỏi: Xin Phó Thủ tướng đánh giá về kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 (FMM 9) vừa diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25-26/5/2009.
Trả lời:
Hội nghị FMM 9 là hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên kể từ khi ASEM chính thức mở rộng lên 45 thành viên tại Hội nghị Cấp cao ASEM 7. Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính nghiêm trọng nhất kể từ Đại Suy thoái 1929- 1933 và nhiều thách thức toàn cầu, Hội nghị FMM 9 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để các thành viên ASEM đưa ra các biện pháp nhằm triển khai các kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEM 7, hướng tới Hội nghị Cấp cao ASEM 8 tại Bỉ trong năm 2010.
Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính và các thách thức toàn cầu”, Hội nghị FMM 9 đã được tổ chức thành công với các kết quả quan trọng, nổi bật là:
- Thứ nhất, Hội nghị đã nhất trí về nhiều giải pháp nhằm vượt qua khủng hoảng, nhấn mạnh tăng cường hợp tác kinh tế trong ASEM, đặc biệt là về việc sớm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM tại Ấn Độ trong năm nay và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM tại Tây Ban nha trong năm 2010, hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu như: dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an toàn hàng hải v.v. Hội nghị có các cuộc đối thoại thẳng thắn, xây dựng về một số vấn đề quốc tế cùng quan tâm, làm tăng thêm sự hiểu biết giữa các thành viên ASEM.
- Thứ hai, Hội nghị đã nhất trí sẽ tiếp tục mở rộng ASEM, do ASEM ngày càng trở nên hấp dẫn, hợp tác hiệu quả hơn và nhiều nước mong muốn gia nhập ASEM. Theo đó, các Bộ trưởng hoan nghênh Ô-xtrây-lia và Nga xin tham gia ASEM và giao cho các quan chức cao cấp thảo luận về phương thức để hai nước này có thể chính thức gia nhập ASEM tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 8 tại Brúc-xen. Đây là một trong những kết quả nổi bật của FMM9.
- Thứ ba, Hội nghị đã thông qua 10 sáng kiến hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu v.v., góp phần nâng cao tính thiết thực của ASEM.
- Thứ tư, đây là dịp thích hợp cho các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giao lưu giữa các thành viên. Bên lề Hội nghị đã có gần 100 cuộc tiếp xúc song phương giữa các Trưởng Đoàn, góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa các thành viên. Lần đầu tiên, cuộc gặp cấp Bộ trưởng giữa EU Troika và Myanmar đã được tổ chức nhằm thúc đẩy sự hiểu biết giữa các bên.
Tóm lại, Hội nghị FMM 9 đã thành công tốt đẹp, đặt dấu mốc quan trọng cho tiến trình hợp tác trong ASEM, chuyển thông điệp chính trị của ASEM về tinh thần trách nhiệm và đoàn kết, hợp tác một cách hài hòa trong đa dạng, nhằm tích cực cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính và các vấn đề toàn cầu khác.
Câu hỏi: Xin Phó Thủ tướng cho biết chúng ta đã có những đóng góp cụ thể gì cho thành công trên của Hội nghị?
Trả lời:
Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEM và là nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao ASEM 5 năm 2004, chúng ta tiếp tục nỗ lực đóng góp cho Tiến trình này. Với tư cách là chủ nhà của Hội nghị FMM 9, chúng ta đã có những đóng góp cụ thể cho thành công của Hội nghị, thể hiện trên một số điểm sau :
- Thứ nhất, chúng ta đã đề xuất được chủ đề và xây dựng một chương trình nghị sự của Hội nghị thiết thực đáp ứng được tâm tư chung của các thành viên và phù hợp với thời sự quốc tế và khu vực. Điều này thể hiện rõ ở việc các thành viên ASEM tham dự đông đủ, ở cấp cao với sự có mặt của gần 30 Bộ trưởng Ngoại giao và đóng góp tích cực tại Hội nghị. Chúng ta cũng đã có cách thức điều hành Hội nghị khéo léo, hiệu quả, trong đó xử lý linh hoạt những mối quan tâm đa dạng của các thành viên ASEM, đồng thời chủ động đề xuất nhiều giải pháp tăng đồng thuận, đưa Hội nghị đi đến thành công.
- Thứ hai, tại Hội nghị, chúng ta đã đề xuất hai sáng kiến về "Diễn đàn ASEM về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng" và "Diễn đàn Á – Âu về hợp tác kinh tế và phát triển". Hội nghị FMM 9 đã nhất trí ủng hộ việc triển khai các sáng kiến này, đồng thời nhiều thành viên như Đan Mạch, Anh, In-đô-nê-xia, EC, Singapore, Nhật và Phi-líp-pin nhất trí đồng sáng kiến với Việt Nam.
- Thứ ba, là nước chủ nhà, chúng ta rất hài lòng tiếp tục là nơi hội tụ và thúc đẩy hợp tác giữa hai châu lục Á – Âu, tham gia và đóng góp tích cực cho tiến trình hợp tác ASEM. Chúng ta đã làm tốt vai trò nước chủ nhà với việc tổ chức chu đáo, an toàn các chương trình hoạt động ở tất cả các khâu, được các đại biểu đánh giá cao. Qua đó thể hiện được tấm lòng mến khách truyền thống của dân tộc Việt Nam và tiếp tục giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Thủ đô hòa bình với ngàn năm văn hiến.
Câu hỏi: Xin Phó Thủ tướng cho biết Hội nghị FMM 9 có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?
Hội nghị FMM 9 là một hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng của nước ta trong năm 2009, nhằm góp phần tiếp tục triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, là người bạn và là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Cùng với việc chúng ta đang hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và đang chuẩn bị đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2010, việc ta tổ chức thành công Hội nghị FMM 9 góp phần tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối ngoại của nước ta ngày càng rộng mở, đi vào chiều sâu, Hội nghị FMM 9 là cơ hội để chúng ta tăng cường quan hệ song phương với nhiều thành viên ASEM - là những đối tác chiến lược, đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của ta. Nhân Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao của Xinh-ga-po và Ba-Lan đã tiến hành thăm chính thức nước ta và Trưởng Đoàn của nhiều thành viên ASEM đã có hơn 40 cuộc tiếp kiến Lãnh đạo Cấp cao, tiếp xúc và làm việc song phương với Lãnh đạo của nhiều Bộ ngành hữu quan của nước ta. Các họat động này đã thiết thực góp phần tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều mặt của ta với các đối tác này.
Thành công của Hội nghị cũng tạo cơ hội để chúng ta giới thiệu với bạn bè quốc tế về một đất nước hòa bình và ổn định, một nền kinh tế đang phát triển năng động, một dân tộc giàu lòng thân thiện và mến khách, một nền văn hóa lâu đời và đậm đà bản sắc. Đặc biệt, chúng ta đã giới thiệu về thành phố 1000 năm tuổi Hà Nội – Thăng Long, Thủ đô yêu dấu của cả nước, yêu hòa bình, mến khách, đang năng động cùng cả nước vươn lên./.