Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: khó tránh nhận thức khác biệt về nhân quyền

Ngày 8/5, tại Geneva, Thụy Sỹ đã diễn ra phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Lần đầu tiên, Việt Nam đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ của Liên hợp quốc. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã có bài trả lời phóng vấn dành cho phóng viên về Báo cáo này. Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn:
Nhận định chung về phiên họp, Thứ trưởng Phạm Bình Minh cho hay Báo cáo về nhân quyền của Việt Nam đã đón nhận những thái độ phản hồi tích cực.

Lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện báo cáo nhân quyền trước đại diện đông đảo các nước thành viên Liên hợp quốc. Ông và các thành viên trong đoàn đại biểu Việt Nam chuẩn bị như thế nào cho nhiều sự quan tâm của các nước?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Đây là lần đầu tiên, chúng ta báo cáo tại một diễn đàn lớn, trước 192 nước. Đoàn Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng với đại diện của tất cả các bộ, ngành liên quan đến việc thực hiện nhân quyền. Chính sự chuẩn bị kỹ càng đã giúp Việt Nam tự tin, sẵn sàng đối thoại với các nước tại phiên họp này.

Theo ông, báo cáo được trình bày lần đầu tiên đã tạo ra điều gì đáng lưu ý tại diễn đàn lớn ở Geneva?

Khi trình bày báo cáo, tôi và các thành viên trong đoàn có cơ hội nêu tất cả thông tin trên các mặt, khía cạnh liên quan đến thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Tôi đặc biệt ấn tượng khi các nước phát biểu đều đánh giá cao các thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Từ trước đến nay, đây thực sự là một diễn đàn lớn để Việt Nam có cơ hội thông tin đến đông đảo đại diện các nước những điều mà chúng ta đã làm được nhiều nhưng chưa có cơ hội truyền tải hết. Nhiều nước lần đầu tiên biết cụ thể những thông tin về thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Tôi tin đó là điểm tốt mà Việt Nam làm được tại diễn đàn đối thoại nhân quyền này.

Đại diện mỗi nước cũng có những phát biểu riêng rẽ đánh giá cũng như khuyến nghị việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Ở ghế trưởng đoàn đối thoại, Thứ trưởng nhận xét thế nào về đóng góp ý kiến của đại diện các nước?

Theo danh sách đăng ký, có 75 nước muốn phát biểu nhưng do thời gian có hạn nên đã không thể thực hiện hết danh sách này. Nhưng như tôi nói, đại đa số các nước phát biểu, kể cả các nước phát triển và đang phát triển đều ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, kể cả chính trị.
Các nước đang phát triển muốn chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là điểm mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, ta cũng hiểu rằng nhận thức về nhân quyền ở mỗi nước, đặc biệt các nước đang phát triển và phát triển khác nhau. Do đó, không thể tránh được sự khác biệt về đánh giá giá trị nhân quyền như thế nào.
Qua phát biểu của một số nước, đặc biệt nước phát triển, họ đưa các giá trị hiểu biết nhân quyền của họ, thì đây cũng là cơ hội để chúng ta giải thích và nêu được quan điểm của ta.
Phát biểu tại phiên họp, tôi cũng nhấn mạnh rằng việc đảm bảo quyền con người hiện là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế và cũng là của Việt Nam. Mục tiêu cao nhất, đồng thời cũng là biểu hiện cụ thể về quyền con người ở Việt Nam là phấn đấu hết sức mình để xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".