Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại Việt Nam 2009 - Định vị Việt Nam trong tương lai

Trong 2 ngày 17 và 18/3/2009, tại Hà Nội, Báo Thế Giới & Việt Nam, cơ quan truyền thông của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã phối hợp với Economist Conferences, thuộc tập đoàn truyền thông The Economist (Anh quốc), tổ chức Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại lần thứ II với chủ đề Định vị Việt Nam trong tương lai.
Tiếp nối thành công của Hội nghị quốc tế về Kinh tế đối ngoại lần thứ nhất năm 2008, Hội nghị lần này đã thu hút lãnh đạo cao cấp của hơn 150 tập đoàn xuyên quốc gia đến từ gần 30 nước và vùng lãnh thổ, cùng 100 doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam.
Tại đại diện của Chính phủ Việt Nam đã giải đáp các thắc mắc của các đại biểu, chia sẻ những khó khăn, cũng như thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Vụ Báo chí xin trích giới thiệu nội dung phát biểu của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị để các đồng chí tham khảo. Nội dung chi tiết về Hội nghị được đăng tải trên Báo Thế giới & Việt Nam số 123 và website Báo Thế giới và Việt Nam www.tgvn.com.vn.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng:
Cho đến hai tháng đầu năm nay, đặc biệt là tình hình của tháng 2, kinh tế Việt Nam đã thấy le lói khả năng hồi phục đà tăng trưởng. Điều đó chứng tỏ sự điều hành của Chính phủ, sự hợp tác của các nhà đầu tư quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế, của doanh nhân Việt Nam, của doanh nhân quốc tế ở trên thương trường Việt Nam đã bắt đầu có hiệu quả.
Dự báo kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2009 và năm 2010 bắt đầu trở lại ổn định và những khó khăn trung hạn từ cuối năm 2007 sẽ được giải quyết vào cuối năm 2009, tạo được đà thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế từ 2010 trở đi.
Khó khăn của cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu đối với Việt Nam rất to lớn. Việt Nam đã làm hết sức cùng với thể giới để tìm cách vượt qua nó, tìm cách lấy lại đà tăng trưởng trong một chất lượng mới để đồng thời khắc phục được sức cạnh tranh yếu, hiệu quả thấp, và có một môi trường pháp lý tốt hơn, có một môi trường đầu tư về cơ sở hạ tầng tốt hơn, có một điều kiện xã hội tốt hơn và đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn cho tương lai.
Chúng tôi mong rằng sự hợp tác của các nhà đầu tư, không chỉ của các bạn có mặt ở đây mà ở trên phạm vi toàn cầu sẽ mang lại cho chúng tôi thêm sức mạnh. Chúng tôi sẵn sàng hoan nghênh và lắng nghe ý kiến của các bạn, những nhà ngoại giao, những tổ chức quốc tế, các doanh nhân, doanh nghiệp có mặt ở đây để cùng trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra những biện pháp tốt nhất để chúng ta có thể vượt qua được những khó khăn trong ngắn hạn này một cách nhanh nhất để có thể vững bước tới một giai đoạn mới trong tương lai bền vững, tốt đẹp hơn. Và chúng tôi cũng mong rằng các tổ chức quốc tế, các khu vực, các nhà lãnh đạo quốc tế, đặc biệt là các nước đóng vai trò dẫn đầu trong nền kinh tế thế giới, tăng cường nỗ lực hơn nữa sự hợp tác của chúng ta nhằm đưa nền kinh tế thế giới nhanh chóng phát triển vì tương lai hòa bình, ổn định và hạnh phúc của loài người.
Chúng ta có thể yên tâm trong lúc này tiếp tục đầu tư, tiếp tục hợp tác để cùng vượt qua khó khăn. Bây giờ chính là lúc lửa thử vàng, gian nan thử sức. Đây chính là lúc thử thách năng lực hoạt động các doanh nghiệp Việt Nam, của Chính phủ Việt Nam đồng thời thử thách tính kiên trì bền bỉ và năng lực hoạt động của các nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ giải quyết tất cả những khó khăn đã nhìn thấy và sẽ nhìn thấy để cùng nhau tạo ra được những động lực từ bên trong và chính động lực bên trong này sẽ lôi kéo, thúc đẩy bên ngoài. Đó là niềm tin của chúng tôi và cũng là thông báo của bản thân tôi và của Chính phủ Việt Nam tới các bạn.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm:
Trong hơn một năm qua, thế giới chứng kiến những diễn biến phức tạp và hậu quả nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không tránh khỏi tác động không thuận của môi trường kinh tế bên ngoài. Thách thức lớn đặt ra là phải giải quyết triệt để các khó khăn ngắn hạn, không để các khó khăn này chuyển hóa thành khó khăn trung và dài hạn, cản trở tiến trình CNH, HĐH của Việt Nam. Tôi khẳng định Chính phủ Việt Nam đã và đang chủ động, linh hoạt thực hiện đồng bộ với quyết tâm cao các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế gắn với đẩy mạnh cải cách và hội nhập quốc tế, trong đó đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính, chống tham nhũng, nỗ lực cao nhất thực hiện nghiêm túc các cam kết hội nhập quốc tế, trong đó có cam kết WTO, nhằm củng cố nền tảng cho tăng trưởng dài hạn.
Để có tầm nhìn tương lai, xác lập vị thế mới cho đất nước trên bản đồ phát triển của thế giới, chúng ta cần hiểu rõ mình đang ở đâu, và đang đóng vai trò gì trong cộng đồng quốc tế. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong một khoảng thời gian ngắn vừa qua, Việt Nam đã tiến được những bước dài trên con đường phát triển của mình. Việt Nam đã thực sự trở thành một phần không thể tách rời của cộng đồng kinh tế thế giới, của cộng đồng quốc tế. Và hơn thế nữa, Viêt Nam đã tự tin gánh vác ngày một nhiều hơn những trọng trách mà cộng đồng quốc tế tin cậy giao phó.
Nhờ thành tựu của hơn 20 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế hai năm gia nhập WTO đã làm bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu và đặt ra nhiều thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam, qua đó giúp định vị chính xác hơn kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sắp tới.
Do đó, tôi rất tâm đắc với chủ đề của Hội nghị là Định vị Việt Nam trong tương lai, bởi 1-2 năm tới là giai đoạn bản lề đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trước khi bước vào thực hiện chiến lược phát triển 2011-2020, thực hiện mục tiêu trở thành nước CNH theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam có đủ điều kiện và khả năng đạt được mục tiêu này, bởi cơ hội và tiềm năng phát triển của Việt Nam còn rất lớn. Sự phát triển của mạng lưới sản xuất và “chuỗi giá trị” toàn cầu tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận các nguồn lực của thế giới như vốn, tri thức, công nghệ, lao động kỹ thuật cao, thị trường,… Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và quốc tế là yếu tố thuận lợi để thu hút các nguồn lực bên ngoài, củng cố hơn nữa môi trường quốc tế thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế. Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, không chỉ những nhà đầu tư đang có mặt tại Việt Nam mà cả những nhà đầu tư có ý định hoặc kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân:
Sự cạnh tranh của nền Kinh tế Việt Nam ngày nay
Nhìn tổng thể, tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn lớn. Đó là sự ổn định chính trị của đất nước, là việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO và là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Con người Việt Nam có tính cần cù chịu khó, có tính sáng tạo, tôn trọng giá trị gia đình, luôn gìn giữ bản sắc dân tộc. Nguồn nhân lực của Việt Nam trẻ, có mặt bằng văn hóa tốt, ham học hỏi, tiếp thu nhanh cái mới và có giá lao động tương đối thấp.
Sự cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nhìn rộng, đó là nước có nền nông nghiệp nhiệt đới, có nguồn thủy hải sản phong phú với tiềm năng vào loại lớn của khu vực và thế giới. Lợi thế so sánh được thể hiện rõ ở vị thế địa chính trị - tiếp giáp các tuyến giao thông chính, có vị trí chiến lược quan trọng. Tuy không thật giàu có về tài nguyên, nhưng Việt Nam có một số tài nguyên quý giá như dầu thô, khí đốt, than, sắt, bô-xit... Với dân số 86 triệu người, Việt Nam thuộc quốc gia đông dân và có hơn 3 triệu Việt kiều sống ở nước ngoài với tiềm năng lớn về chất xám.
Phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam năm 2008
Phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam đang được coi là nhiệm vụ trọng tâm, riêng năm 2008, Nhà nước dành 20% ngân sách cho giáo dục, đào tạo. Chi phí đào tạo ở Việt Nam thấp, chỉ bằng 1/4 ở Thái Lan, 1/8 Hàn Quốc, 1/11 Nhật Bản và 1/16 của Mỹ. Hiện nay, nhu cầu về lao động được đáp ứng, tuy nhiên thách thức vẫn là số lượng và chất lượng nhân công. Lực lượng lao động cho các ngành công nghiệp hiện đại vẫn yếu và thiếu, nhất là cho các ngành công nghiệp dựa trên tri thức, công nghệ thông tin và viễn thông, công nghệ Nano, Công nghệ sinh học, Tài chính và Ngân hàng.
Theo định hướng phát triển đến năm 2015, từ 2006, Việt Nam đã chuyển đổi từ phát triển số lượng sang phát triển chất lượng, chú ý các trường đại học và phổ thông, nâng cao chất lượng giáo viên. Việt Nam đang chuyển đổi đào tạo hướng theo nhu cầu của xã hội chứ không theo khả năng của hệ thống nhà trường. Trong 2 năm qua, hình thức đào tạo theo nhu cầu phát triển mạnh, 600 hợp đồng đã được ký kết giữa các trường đại học và các công ty. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đào tạo 1 triệu công nhân lành nghề, 20.000 tiến sĩ.
Hiện đại hóa chương trình giảng dạy
Trước hết là đối với Đại học Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. HCM, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ áp dụng 23 chương trình giảng dạy tiên tiến từ các trường đại học danh tiếng vào 17 trường đại học của Việt Nam, giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh. Bốn trường đại học đạt chuẩn quốc tế được thành lập từ 2008 đến 2011 với vốn đầu tư 400 triệu USD bằng nguồn vay. Việt Nam đang áp dụng chính sách tài chính mới cho giáo dục với sự đóng góp của người dân. Bên cạnh đó, nhiều chế độ ưu đãi được thực hiện như Kế hoạch miễn giảm học phí, miễn thuế đất cho các trường ĐH, cho phép các doanh nghiệp thành lập các trung tâm nghiên cứu. Về chính sách mới để quản lý hệ thống giáo dục, Việt Nam đang nới rộng quyền tự chủ và tự quyết cho các trường đại học, Chính phủ chỉ kiểm soát các chỉ số quan trọng, minh bạch hóa và xã hội hóa điều hành hệ thống giáo dục và các hoạt động giáo dục đào tạo. Chúng tôi cũng đang áp dụng nhanh thành tựu của công nghệ thông tin, miễn phí truy cập Internet trong các trường học trong năm 2009, hạ giá thành sản phẩm và phụ kiện máy tính. Việt Nam đang xây dựng hệ thống giảng dạy mới cho học sinh tài năng và học sinh vùng dân tộc thiểu số. Với các chính sách và biện pháp đồng bộ, chúng tôi tin rằng sẽ đào tạo được nguồn nhân lực lớn, có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp./.