Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2009
I.Một số điểm nổi bật về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 năm 2009
Tháng 1/2009, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ tình hình suy thoái kinh tế thế giới ngày càng phức tạp. Mặc dù có một số mặt tích cực, nhưng nhìn chung nền kinh tế tiếp tục đà suy giảm, nhất là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.
1-Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 50,6 nghìn tỷ đồng, giảm 4,4% so cùng kỳ năm ngoái và giảm 8,6% so với tháng 12/2008; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 8,5% (Trung ương giảm 7,7%, địa phương giảm 11,4%); khu vực ngoài nhà nước giảm 2,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,2%;
2 -Sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn do dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng, dịch lợn tai xanh tái phát, giá thu mua sữa nguyên liệu không ổn định;
3 -Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ ước đạt 98.482 tỷ đồng, tăng khoảng 27,1 % so với cùng kỳ năm 2008.
4 -Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ 0,32% so với tháng 12/2008, trong đó nhóm hàng tăng cao nhất là đồ uống và thuốc lá (tăng 1,89%), đồ dùng và dịch vụ khác (tăng 1,93%), đều là các nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán.
5 - Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 3,3% so với tháng 12/2008, nhưng giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái
6 - Về xuất nhập khẩu:
- Kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2009 ước đạt 3,8 tỷ USD, giảm 19% so với tháng 12/2008 và giảm 24% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 1,67 tỷ USD, giảm 7% so với tháng 12/2008 và giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2008
- Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,1 tỷ USD, bằng 55,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,3 tỷ USD, bằng 58,9 so vơi cùng kỳ;
6 - Về đầu tư phát triển
- Thực hiện khối lượng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tháng 1/2009 đạt 3 nghìn tỷ đồng, bằng 2,7% kế hoạch năm;
- Thu hút vốn ODA: thông qua 01 Hiệp định hỗ trợ kỹ thuật cho dự án “Nâng cao năng lực phát triển nông nghiệp và nông thôn có sự tham gia của người dân để giảm nghèo ở khu vực Tây Nguyên Việt Nam” trị giá 3,5 triệu USD do JICA tài trợ;
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm, tổng số vốn của các dự án được cấp phép mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 185 triệu USD, chỉ bằng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư đăng ký mới là 160 triệu USD với 50 dự án được cấp phép đầu tư; vốn tăng thêm là 25 triệu USD với 12 lượt dự án tăng vốn. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ước đạt 300 triệu USD, bằng 78,9% so với cùng kỳ năm 2008.
- Tình hình giải ngân vốn tín dụng: trong tháng 1/2009 giải ngân được 400 tỷ đồng vốn ODA, bằng 4% kế hoạch năm. Vốn trong nước cho vay đầu tư thực hiện đạt 420 tỷ đồng, bằng 2% kế hoạch năm.
7 - Về lao động, việc làm:
- Do tình hình sản xuất, kinh doanh ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các địa phương đã gặp khó khăn, do không tiêu thụ được sản phẩm, nhiều mặt hàng xuất khẩu đi các nước Châu Âu không tiêu thụ được, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp giảm nhân công, giảm giờ làm;
- Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2008 có khoảng 30.000 người lao động bị mất việc làm. Xuất khẩu lao động cũng gặp nhiều khó khăn, do nhiều hợp đồng xuất khẩu đã ký kết nhưng phải đình hoãn do bên nước tiếp nhận lao động cũng phải thu hẹp sản xuất.
Tuy nhiên, do tháng 1-2009 là tháng Tết cổ truyền Kỷ Sửu của dân tộc, các hoạt động thương mại trên thị trường sôi động hơn. Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển. Trong tháng 1, phát triển mới 2,25 triệu thuê bao điện thoại, tăng hơn ba lần so cùng kỳ năm trước. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục có những dấu hiệu khả quan, số vụ tai nạn, số người chết và người bị thương đều giảm so năm trước.
Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 đã được tổ chức vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong toàn quốc được bảo đảm ổn định tốt hơn những năm trước.
II.Nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong các tháng tới
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2009 các bộ, ngành và địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 cần tập trung thực hiện tốt việc triển khai kế hoạch năm 2009; thực hiện đồng bộ và chấp hành nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu trong các Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 09/01/2009 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009. Trước mắt, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Một là, tập trung chỉ đạo khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản trước hết là tiêu thụ nông sản của một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn và sản xuất tập trung như: lúa, gạo, thủy sản và một số nông sản khác nhằm duy trì phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Các bộ, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ, vướng mắc, khó khăn để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp nhất là những ngành công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến,... đề xuất các giải pháp, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần triển khai thực hiện ngay nhưng vượt khỏi tầm ra quyết định của đơn vị quản lý.
Hai là, thực hiện các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu. Sử dụng chính sách thuế một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế, góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và giảm nhập siêu.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản.
Các bộ, ngành và địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 nhanh chóng triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản; huy động tất cả các nguồn vốn và tổ chức chỉ đạo triển khai ngay từ đầu năm. Đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Bốn là, tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường đối với các mặt hàng: điện, than, nước sạch, cước vận chuyển xe buýt,.... Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan liên quan báo cáo sớm trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình thực hiện cụ thể đối với các mặt hàng này.
Năm là, thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 về hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyện nghèo, nhằm đảm bảo đến năm 2020 các huyện này có mức phát triển ngang bằng nhau, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng của mình xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn các huyện xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững trong tháng 2/2009; Uỷ ban nhân dân các huyện căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, định mức và tiêu chuẩn của Nhà nước để xây dựng Đề án hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn; chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm; tổng hợp nhu cầu từ dưới lên, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.