Tình hình kinh tế tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2009 của Việt Nam
1 - Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 ước đạt 58,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so với tháng 1 và tăng 14,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 10,7%, khu vực ngoài nhà nước tăng 17,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,4%.
Giá trị sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm đạt 106,1 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2008 (cùng kỳ tăng 16,3%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 4,4%, khu vực ngoài nhà nước tăng 6,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%.
Về các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 2 tháng đầu năm, trừ dầu thô khai thác tăng 14,2%; xi măng tăng 10%; một số mặt hàng như: đường kính, vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc nhân tạo, sữa bột, giày thể thao tăng khoảng 4,5 – 6,5%; các mặt hàng khác đều giảm so với cùng kỳ.
2 - Sản xuất nông nghiệp tuy có khó khăn nhưng vẫn phát triển ổn định. Tính đến ngày 15/2/2009, cả nước đã gieo cấy được 2,6 triệu ha, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Khai thác thuỷ sản tháng 2 đạt 195 nghìn tấn;
Ngành nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp.
3 – Khu vực dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Tính chung 2 tháng đầu năm 2009, tổng mức lưu chuyển hàng hoá cả nước ước đạt 179,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2008.
Du lịch: Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 ước đạt khoảng 343,6 nghìn lượt khách, giảm 0,7% so với tháng 1/2009. Tính chung 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 689,4 nghìn lượt khách, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2008.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 84,52 triệu máy, trong đó di động chiếm 85,9%, đạt mật độ 98,16 máy/100 dân.
Trong tháng 2, phát triển mới 60 nghìn thuê bao Internet băng rộng, nâng tổng số thuê bao Internet băng rộng trên toàn mạng là 2,1 triệu thuê bao; số người sử dụng dịch vụ Internet đạt 20,9 triệu người, đạt mật độ 24,47%
4 - Hoạt động xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng 1. Luỹ kế hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2008 (cùng kỳ tăng 29,2%); trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 2,8 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2008.
Đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm 2008.
Bên cạnh các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao như: gạo tăng hơn 2 lần cả về lượng và về giá trị; hạt tiêu tăng 63% về lượng và tăng 6,5% về giá trị; hạt điều tăng 20% về lượng và tăng 2,1% về giá trị,…
Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 32,2% so với tháng 1. Tính chung 2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 7,73 tỷ USD, giảm 43,1% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,8 tỷ USD, giảm 29,8%.
Trong 2 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu tất cả các mặt hàng đều giảm so với cùng kỳ năm 2008. Nhập khẩu từ các đối tác lớn như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan,…đều giảm mạnh, khoảng trên dưới 40%.
Xuất siêu 2 tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 290 triệu USD, bằng 3,6% kim ngạch xuất khẩu.
5 – Tài chính, thị trường, giá cả
Thu Ngân sách Nhà nước: tháng 2 đạt 24 nghìn tỷ đồng; luỹ kế 2 tháng đạt 52,9 nghìn tỷ đồng, đạt 13,6% dự toán năm, giảm 28,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chi Ngân sách nhà nước tháng 2 ước đạt 29,58 nghìn tỷ đồng; luỹ kế 2 tháng đạt 63,33 nghìn tỷ đồng, bằng 12,9 dự toán năm.
Giá tiêu dùng: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,17% so với tháng 1/2009, so với tháng 12/2008 tăng 1,49%; so với cùng kỳ năm trước tăng 16,13%.
Chỉ số giá vàng tháng 2 tăng 5,74% so với tháng 1 và tăng 9,59% so với tháng 12/2008; chỉ số giá đôla Mỹ tăng 0,91% so với tháng 1 và tăng 2,4% so với tháng 12/2008.
6 - Đầu tư phát triển
Về vốn đầu tư nguồn ngân sách tập trung: ước thực hiện 2 tháng đạt 13.080 tỷ đồng
Thu hút vốn ODA: Trong 2 tháng đầu năm 2009, có 2 chương trình, dự án ODA được ký kết thông qua các hiệp định với các nhà tài trợ đạt tổng giá trị 25 triệu USD, trong đó vốn vay đạt 21 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 4,15 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm giải ngân ODA đạt 125 triệu USD, trong đó vốn vay khoảng 95 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 30 triệu USD. Mức giải ngân 2 tháng đầu năm đạt khoảng 5,7 so với kế hoạch giải ngân năm 2009.
Ngày 23/2/2009, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo nối lại viện trợ cho Việt Nam với trị giá 900 triệu USD cho 4 dự án cơ sở hạ tầng là: Hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, Hệ thống thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, Dự án thoát nước và cải tạo môi trường Thành phố Hải Phòng, Dự án nâng cấp hệ thống các cầu và tuyến tỉnh lộ, nâng tổng mức ODA cam kết năm 2009 lên 6 tỷ USD, là mức cam kết cao nhất từ trước tới nay (năm 2008 là 5,4 tỷ USD).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: trong 2 tháng đầu năm 2009, cả nước có 67 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.513 triệu USD, bằng 35% về số dự án và tăng 31% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2008. Hai tháng đầu năm 2009, có 10 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm là 3.815 triệu USD, bằng 18% về số dự án, nhưng tăng 142% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn đạt 5,3 tỷ USD, bằng 70% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam.