Một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế, xã hội năm 2008

I. BỐI CẢNH
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 của nước ta được triển khai trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Giá dầu thô và giá nhiều loại nguyên liệu, hàng hoá trên thị trường thế giới 7 tháng đầu năm liên tục tăng với tốc độ cao, sau đó đồng loạt giảm mạnh vào những tháng cuối năm. Sự lên xuống thất thường của giá cả và khủng hoảng tài chính nhanh chóng dẫn tới suy giảm kinh tế toàn cầu. Những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế nước ta đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế-xã hội trong năm 2008 và những năm tiếp theo.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã khẩn trương, nghiêm túc xem xét tình hình và kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đồng bộ, đề ra các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Vào những tháng cuối năm, trước diễn biến nhanh của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-NĐ ngày 11/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhờ sự tập trung chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn của các Bộ, Ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp và sự đồng thuận cao độ của toàn dân nên kinh tế-xã hội nước ta từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt mức tăng trưởng khá, lạm phát được kiềm chế và đẩy lùi, an sinh xã hội được bảo đảm, nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được giải quyết. Thể hiện trên một số lĩnh vực chủ yếu sau:
II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
2.1. Kết quả thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
a. Tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2008 tăng 6,23% so với năm 2007, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,33%; khu vực dịch vụ tăng 7,2%. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước năm nay tuy thấp hơn tốc độ tăng 8,48% của năm 2007 và mục tiêu kế hoạch điều chỉnh là tăng 7%, nhưng trong bối cảnh tài chính thế giới khủng hoảng, kinh tế của nhiều nước suy giảm mà nền kinh tế nước ta vẫn đạt tốc độ tăng tương đối cao như trên là một thành tựu lớn, tạo điều kiện thuận lợi để giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
b. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2008 ước tính tăng 5,6% so với năm 2007, bao gồm giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 2,2%; thuỷ sản tăng 6,7%.
Sản lượng lúa cả năm 2008 ước tính đạt 38,6 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn (tăng 7,5%) so với năm 2007. Nếu tính cả 4,5 triệu tấn ngô thì tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2008 đạt 43,2 triệu tấn, tăng 7,5% so với năm trước.
Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm: Sản lượng cà phê 996,3 nghìn tấn, tăng 3,6%; sản lượng cao su 662,9 nghìn tấn, tăng 8,7%; sản lượng chè đạt 759,8 nghìn tấn, tăng 7,5%; sản lượng hồ tiêu 104,5 nghìn tấn, tăng 17%. Chăn nuôi gia súc, gia cầm đang từng bước được khôi phục sau những thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh. Theo kết quả điều tra tại thời điểm 01/10/2008, đàn lợn cả nước có 26702 nghìn con, tăng 0,5%; đàn gia cầm 247,3 triệu con, tăng 9,4%.
c. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn lớn do giá cả đầu vào tăng nhanh, đặc biệt giá dầu không ổn định và giảm thấp vào các tháng cuối năm nhưng giá trị sản xuất năm 2008 ước tính vẫn tăng 14,6% so với năm 2007, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 4%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,6%, trong đó dầu khí giảm 4,3%.
d. Hoạt động dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế năm 2008 ước tính tăng 31% so với năm 2007. Xét theo ngành kinh doanh, thương nghiệp tăng 31,5%; khách sạn, nhà hàng tăng 26,2%; dịch vụ tăng 31,3% và du lịch tăng 41,8%.
Vận chuyển hành khách năm 2008 ước tính đạt 1932,3 triệu lượt hành khách với 81,7 tỷ lượt hành khách.km, tăng 8,1% về khối lượng vận chuyển và tăng 7,6% về khối lượng luân chuyển so với năm 2007. Vận chuyển hàng hoá năm 2008 ước tính đạt 604 triệu tấn với 174,3 tỷ tấn.km, tăng 8,9% về tấn và tăng 40,5% về tấn.km so với năm 2007.
Hoạt động bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển trong năm 2008. Tổng số điện thoại cố định của cả nước tính đến hết tháng 12 năm 2008 là 13,1 triệu thuê bao, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Số thuê bao Internet mới trong năm 2008 ước tính đạt 1,5 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao Internet có đến cuối tháng 12 năm 2008 lên 6,7 triệu thuê bao, tăng 28,4% so với thời điểm cuối năm trước.
Số khách quốc tế đến nước ta năm 2008 ước tính đạt 4,3 triệu lượt người, tăng 0,6% so với năm trước.
2.2. Kết quả thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
Trước tình hình lạm phát tăng cao, trong năm 2008, Chính phủ đã điều chỉnh và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ như: Thắt chặt tiền tệ, tín dụng và điều chỉnh cơ chế lãi suất, tỷ giá; tiết kiệm chi tiêu ngân sách, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư và cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả; điều chỉnh thuế quan, khuyến khích xuất khẩu và tăng cường quản lý nhập khẩu, giảm nhập siêu; chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp giảm chi phí sản xuất, chống đầu cơ, tăng cường quản lý thị trường giá cả; tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cân đối cung cầu. Nhờ vậy, tình hình thị trường và giá cả đang từng bước ổn định trở lại. Tốc độ tăng giá tiêu dùng so với tháng trước của những tháng đầu năm liên tục tăng 2-3% mỗi tháng, nhưng tháng 7 chỉ còn tăng 1,13%; tháng 8 tăng 1,56%; tháng 9 tăng 0,18%; tháng 10 giảm 0,19%; tháng 11 giảm 0,76%, tháng 12 giảm 0,68%. Nhờ kiềm chế và bước đầu đẩy lùi được lạm phát nên đã duy trì được sự ổn định các cân đối vĩ mô như: Cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, cân đối vốn cho đầu tư phát triển và cân đối cán cân thương mại...
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2008 ước tính tăng 26,3% so với năm 2007 và bằng 123,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa bằng 110,9%. Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2008 ước tính tăng 22,3% so với năm 2007 và bằng 118,9% dự toán năm. Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2008 bằng 97,5% mức bội chi dự toán năm đã được Quốc hội thông qua đầu năm.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2008 theo giá thực tế ước tính đạt 637,3 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% GDP và tăng 22,2% so với năm 2007, bao gồm vốn khu vực Nhà nước 184,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,9% tổng vốn và giảm 11,4%; khu vực ngoài Nhà nước 263 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,3% và tăng 42,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 189,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,8% và tăng 46,9%.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đạt kết quả cao. Tính đến 19/12/2008, cả nước đã thu hút được 64 tỷ USD vốn đăng ký, gấp gần 3 lần năm 2007, bao gồm 60,3 tỷ USD của 1171 dự án đầu tư mới, gấp 3,2 lần và 3,7 tỷ USD vốn đăng ký tăng thêm của 311 dự án được cấp phép từ các năm trước, tăng 42,3%. Thu hút vốn ODA có chuyển biến tích cực. Tại Hội nghị tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 12/2008, các nhà tài trợ quốc tế cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên 5 tỷ USD. Giải ngân ODA cả năm 2008 ước tính đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2007, trong đó vốn vay đạt 1,95 tỷ USD; viện trợ 250 triệu USD.
Cán cân thương mại được cải thiện vào những tháng cuối năm. Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu năm 2008 ước tính đạt 62,9 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 28 tỷ USD, tăng 34,7%, đóng góp 50,3% vào mức tăng chung; khu vực kinh tế nước ngoài không kể dầu thô 24,5 tỷ USD, tăng 26,8% và dầu thô 10,5 tỷ USD, tăng 23,1%. Có 8 nhóm hàng/mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Dầu thô 10,5 tỷ USD, dệt may đạt 9,1 tỷ USD, giày dép đạt 4,7 tỷ USD, thủy sản 4,6 tỷ USD, gạo 2,9 tỷ USD, sản phẩm gỗ 2,8 tỷ USD, điện tử máy tính đạt 2,7 tỷ USD và cà phê 2 tỷ USD (trong đó tăng 2 mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD so với năm trước là gạo và cà phê). Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam năm 2008 là Hoa Kỳ đạt 11,6 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2007; ASEAN đạt 10,2 tỷ USD, tăng 31%; EU 10 tỷ USD, tăng 15%; Nhật Bản 8,8 tỷ USD, tăng 45%.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu năm 2008 ước tính đạt 80,4 tỷ USD, tăng 28,3% so với năm 2007, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 51,8 tỷ USD, tăng 26,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 28,6 tỷ USD, tăng 31,7%. Trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam năm 2008, ASEAN đạt 19,5 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2007; Trung Quốc 15,4 tỷ USD, tăng 23,2%; EU 5,2 tỷ USD, tăng 1,7%; Đài Loan 8,4 tỷ USD, tăng 21,8 %; Nhật Bản 8,3 tỷ USD, tăng 37,7%.
Nhập siêu hàng hoá đã được kiềm chế và giảm dần từ mức gần 2,2 tỷ USD tháng 1; 2,8 tỷ USD tháng 2; 3,2 tỷ USD tháng 3 và tháng 4 đã giảm xuống 662 triệu USD tháng 10; 433 triệu USD tháng 11 và khoảng 500 triệu USD tháng 12. Tổng nhập siêu năm 2008 ước tính 17,5 tỷ USD, bằng 27,8% trị giá xuất khẩu.
2.3. Kết quả thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội
Năm 2008, mặc dù giá cả tiêu dùng tăng chậm lại và giảm trong 3 tháng cuối năm nhưng nhìn chung giá cả hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng vẫn đứng ở mức cao, sản xuất kinh doanh của một số ngành tăng chậm lại, thiên tai lại xảy ra nghiêm trọng hơn so với các năm trước và tình hình dịch bệnh chưa được chấm dứt hẳn nên đời sống dân cư gặp khó khăn. Để đảm bảo an sinh xã hội, ngân sách Nhà nước đã kịp thời chi 42,3 nghìn tỷ đồng, gồm các khoản chính sau: Chi trợ giá dầu hoả cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng chưa có điện thắp sáng; trợ giá dầu cho ngư dân đánh bắt xa bờ; chi bảo trợ xã hội; mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo; cấp học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt; thực hiện miễn giảm các khoản đóng góp của người dân; miễn thủy lợi phí, không thu phí dự thi, dự tuyển vào các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; miễn lệ phí trước bạ đối với nhà ở, đất ở của các hộ nghèo; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào thiểu số đặc biệt khó khăn, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với lao động khu vực Nhà nước, đã được nâng mức lương tối thiểu từ 450 nghìn đồng/tháng lên 540 nghìn đồng/tháng vào thời điểm đầu năm 2008 và lương của người hưu trí, người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người có công với cách mạng cũng được trợ cấp thêm 15% nên thu nhập bình quân một tháng năm 2008 của lao động khu vực này đạt 2,7 triệu đồng, tăng 28,6% so với năm trước, trong đó thu nhập của lao động khu vực Nhà nước do Trung ương quản lý đạt 3,4 triệu đồng, tăng 36%; thu nhập của lao động khu vực Nhà nước địa phương quản lý đạt 2,2 triệu đồng, tăng 22,2%. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước năm 2008 ước tính 13,5%, thấp hơn mức 14,8% của năm 2007.
Để khắc phục tình trạng thiếu việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, nhằm củng cố thị trường lao động thông qua hệ thống 31 Trung tâm giới thiệu việc làm của cả nước, phát triển thành sàn giao dịch việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động. Đồng thời mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, các thị trường mới ở Mỹ, Italia.v.v. Nhờ vậy, tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2008 ước tính 45 triệu người, tăng 2% so với năm 2007. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ước tính 4,65%.
Về bảo vệ môi trường sinh thái, tỷ lệ che phủ rừng năm 2008 ước tính khoảng 39%, tăng 0,5% so với năm 2007. Quá trình xử lý 4,3 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang được tiến hành theo kế hoạch đề ra trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác thu gom và xử lý chất thải rắn đang được quan tâm và tích cực triển khai.
Để tăng cường nước sạch cho các hộ dân, nhiều địa phương đã tập trung đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng 136,6 nghìn công trình cấp nước; xây dựng 3,7 nghìn công trình cấp nước và vệ sinh công cộng cho 600 nhà trẻ, mẫu giáo, 2,3 nghìn trường học, 610 trạm y tế, 200 UBND xã. Nguồn vốn sử dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2008 đạt 3975 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2007. Vì vậy, tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch năm 2008 ước tính đạt 75%, đặc biệt một số đô thị lớn đạt tỷ lệ cao là: Huế 90%; thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội đạt 85%; Hải Phòng 86%; Cần Thơ 80%.
Về giáo dục và đào tạo, kết thúc năm học 2007-2008, cả nước có 1356,1 nghìn học sinh hoàn thành cấp tiểu học; 1381,3 nghìn học sinh được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; 886,7 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ tốt nghiệp 86,6% và 103,6 nghìn học sinh tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông, tỷ lệ tốt nghiệp 67,4%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được triển khai trên phạm vi cả nước. Tính đến tháng 12/2008 cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2008, cả nước có 181 trường đại học, học viện và 130 trường cao đẳng tổ chức tuyển sinh. Tổng số thí sinh dự thi là 1,7 triệu lượt người, tăng 21,3% so với kỳ thi năm trước, bao gồm 1,3 triệu lượt người dự thi vào hệ đại học, tăng 17% và 0,4 triệu lượt người dự thi vào hệ cao đẳng, tăng 30,8%. Trong năm học 2007-2008, số trường đại học trên toàn quốc tăng 15,1% so với năm học 2006-2007; số trường cao đẳng tăng 14,2%; số sinh viên đại học và cao đẳng tăng 4,1%; số học sinh trung cấp chuyên nghiệp tăng 19%.
Công tác đào tạo nghề cũng đạt kết quả khá. Năm 2008, cả nước đã tuyển mới được 1538 nghìn học sinh vào các hệ học nghề, tăng 17% so với năm 2007, trong đó cao đẳng nghề 60 nghìn học sinh, tăng 103%; trung cấp nghề 198 nghìn học sinh, tăng 31%. Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo đã dành kinh phí 1 nghìn tỷ đồng cho Dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề, trong đó 723,5 tỷ đồng tập trung đầu tư cho các cơ sở dạy nghề; hỗ trợ 157 tỷ đồng dạy nghề cho các đối tượng gồm lao động nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số và người tàn tật. Thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, tính đến hết tháng 11 năm 2008, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 9,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2007.
Về văn hóa thông tin, trong năm 2008 đã tổ chức tốt nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và kỷ niệm các ngày lễ, hội lớn của dân tộc, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân như: Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương; mít tinh trọng thể kỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Festival Huế 2008.v.v. Công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội tiếp tục triển khai tích cực và thường xuyên.
Về hoạt động thể dục, thể thao, trong năm 2008 đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao quần chúng lớn như: Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VII tại Phú Thọ; giải Vô địch Vovinam tại Cần Thơ; hội thi thể thao dân tộc Chăm tại Bình Thuận.v.v. Bên cạnh đó, các đoàn thể thao quần chúng còn tham dự nhiều giải thể thao quốc tế khác như: Paralympic Bắc Kinh; giải vô địch kéo co Châu Á... Tổng cộng trong năm nay, Đoàn thể thao Việt Nam đã giành được 460 huy chương các loại, bao gồm 177 huy chương vàng, 133 huy chương bạc và 150 huy chương đồng, đặc biệt có cúp vàng giải vô địch Đông Nam Á của Đội tuyển bóng đá nam ngày 28/12/2008 vừa qua.
Khái quát lại, mặc dù năm 2008 là năm kinh tế-xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng, Chính phủ đã kịp thời đề ra 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; đồng thời chỉ đạo, điều hành quyết liệt; cùng với sự phấn đấu tích cực, sự sáng tạo của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc thực hiện nghiêm và đồng bộ các nhóm giải pháp đã được đề ra nên nền kinh tế tăng trưởng khá; lạm phát đã được kiềm chế; thu ngân sách nhà nước tiếp tục tăng; đời sống dân cư ổn định. Chúng ta đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của Quốc hội; tạo đà cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục vượt qua khó khăn thách thức trong năm 2009.
III. NHỮNG HẠN CHẾ VÀ YẾU KÉM
Bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, tình hình kinh tế-xã hội năm 2008 vẫn còn những hạn chế và yếu kém, nếu không tích cực tìm các biện pháp khắc phục có hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 và các năm tiếp theo. Những hạn chế và yếu kém này bao gồm:
- Thứ nhất: Tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Tổng sản phẩm trong nước quý III năm 2007 tăng 8,62% và quý IV tăng 9,24%, nhưng hai quý tương ứng của năm 2008 chỉ tăng 6,18% và 6,13%. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 12/2008 tăng 11,8%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 20,7% của tháng 12 năm 2007.
- Thứ hai: Kết quả kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Giá tiêu dùng tuy đã được kiềm chế và đẩy lùi, nhưng so với tháng 12 năm trước đã tăng 19,89%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 1992 đến nay và bình quân năm 2008 tăng 22,97% so với năm 2007, cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 1993 đến nay. Nhập siêu hàng hoá vẫn còn lớn với 17,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2007 và bằng 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Thứ ba: Một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được khắc phục. Đời sống nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và vùng bị thiên tai vẫn còn hết sức khó khăn. Tình trạng thiếu đói tập trung nhiều ở các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.
Tình hình dịch bệnh năm 2008 diễn biến phức tạp, dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp bùng phát mạnh tại nhiều địa phương.
Tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã xuất hiện trên các khâu từ sản xuất, bảo quản, giết mổ gia súc, gia cầm, thủy sản; và chế biến thực phẩm.
Tình hình tai nạn giao thông đã có xu hướng giảm. Đây là kết quả của việc quyết tâm thực hiện chủ trương đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy và triển khai thực hiện các biện pháp an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, trong 11 tháng năm 2008, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 11,5 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 10,4 nghìn người và làm bị thương 7,4 nghìn người. So với 11 tháng của năm 2007, số vụ tai nạn giao thông giảm 13,3%; số người chết giảm 12,7%; số người bị thương giảm 24,8%.
Tình hình học sinh bỏ học là vấn đề đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Trong năm học 2007-2008, cả nước có 215,1 nghìn học sinh bỏ học, chiếm gần 1,4% tổng số học sinh, bao gồm 32 nghìn học sinh tiểu học, chiếm 0,5% tổng số học sinh tiểu học; 105,2 nghìn học sinh trung học cơ sở, chiếm 1,8% số học sinh trung học cơ sở; 77,9 nghìn học sinh trung học phổ thông, chiếm 2,6% số học sinh trung học phổ thông.
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn cả nước ước tính khoảng 12,8 triệu tấn/năm, trong đó của khu vực đô thị (từ loại 4 trở lên) là 6,9 triệu tấn/năm (khoảng 19 nghìn tấn/ngày). Trong tổng số chất thải rắn của đô thị, lượng chất thải rắn sinh hoạt chiếm 80%, chất thải rắn công nghiệp chiếm 17%; chất thải rắn y tế khoảng 3%. Lượng chất thải rắn có khả năng tái chế và tái sử dụng chiếm khoảng 20-30% lượng được thu gom. Tuy nhiên, công nghệ xử lý và số lượng cơ sở xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế.
IV. KẾT LUẬN
Nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 sẽ hết sức nặng nề do kinh tế thế giới còn ẩn chứa nhiều rủi ro, khó lường và kinh tế trong nước đang xuất hiện một số khó khăn mới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra cho năm 2009 là “Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010” cần tập trung vào những vấn đề quan trọng sau:
- Một là: Các cấp, các ngành cần khẩn trương tập trung mọi nỗ lực, chủ động thực hiện đồng bộ và có hiệu quả 5 nhóm giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự suy giảm và duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
- Hai là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; có chiến lược và giải pháp để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh thắng lợi trên thị trường trong nước; củng cố hệ thống phân phối, khắc phục các điểm yếu của hệ thống này để đối phó với việc mở cửa dịch vụ phân phối cho các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu từ 01/01/2009.
- Ba là: Tiếp tục phát triển mở rộng thị trường ngoài nước, đặc biệt là các nước quan hệ truyền thống, các nước có nhu cầu tiêu dùng phù hợp với mặt hàng và lĩnh vực sản xuất của nước ta. Nghiên cứu, tận dụng các yếu tố thuận lợi trong suy thoái kinh tế toàn cầu để tăng năng lực phát triển kinh tế trong nước (như: nhập thiết bị công nghệ với giá rẻ, thuê chuyên gia kỹ thuật nước ngoài bị thất nghiệp mà trong nước chưa có v.v.). Tận dụng cơ hội giá vật tư, thiết bị đang giảm xuống mức thấp để cơ cấu lại sản xuất, đổi mới công nghệ và đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội. Thực hiện khẩn trương, có hiệu quả chủ trương và nguồn lực kích cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước.
- Bốn là: Tăng cường khả năng dự báo, đánh giá tình hình để đối phó kịp thời với những diễn biến phức tạp của thời tiết, của thị trường thế giới nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho nền kinh tế nói chung và người sản xuất, kinh doanh nói riêng.
- Năm là: Công tác an sinh xã hội phải được các cấp, các ngành và cả xã hội đặc biệt quan tâm; tổ chức triển khai thực hiện các chế độ, chính sách kịp thời, đúng đối tượng. Triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Đề án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, Khoá X phê duyệt tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008.
Những kết quả đạt được về phát triển kinh tế-xã hội cùng với những kinh nghiệm tích luỹ được trong quá trình chỉ đạo, quản lý, điều hành nền kinh tế năm 2008 nêu trên sẽ là bài học quý báu giúp chúng ta phát huy tiềm năng và lợi thế, khắc phục hạn chế, yếu kém, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 theo tinh thần Nghị quyết số 23/2008/QH12 ngày 6/11/2008 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009./.