Đại sứ VN tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn RFA

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese

Nguyễn Khanh: Trước hết xin thay mặt quý thính giả cám ơn ông Đại sứ đã có nhã ý dành cho chúng tôi cuộc gặp gỡ ngày hôm nay. Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin phép được đặt ra là ông Đại sứ nhận xét như thế nào về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa rồi ?

Đại sứ Lê Công Phụng: Tôi cũng như nhân dân Việt Nam chia sẻ vui mừng về sự thành công trong cuộc bầu cử vừa rồi với nhân dân Mỹ. Chúng tôi cho rằng cuộc bầu cử vừa rồi là thắng lợi, tạo nên một nội các mới với vị Tổng thống mới. Chắc chắn là nội các đó, chính quyền đó sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu mà các đời Tổng thống đã làm vì lợi ích nước Mỹ, vì lợi ích cho nhân dân Mỹ.
Trong mối quan hệ với Việt Nam thì tôi cũng rất tin tưởng là chính quyền mới của ông Obama sẽ cùng với chúng tôi thực hiện những thỏa thuận mà 2 bên cần thiết phục vụ cho lợi ích của mỗi bên.

Nguyễn Khanh: Một Tổng thống mới, một nội các mới như Đại sứ vừa mới trình bày liệu có gì thay đổi chính sách đối với Việt Nam mà ông Đại sứ có thể nghĩ đến trong giờ phút này không?

Đại sứ Lê Công Phụng: Tôi chưa hỏi ý kiến ông Obama xem ông có định thay đổi gì không (cười). Nhưng theo phát biểu của bà Hillary - ngọai trưởng sắp tới, thì tôi tự tin là chắc chính quyền Mỹ hiện nay cũng như chính quyền Mỹ sắp tới của ông Obama sẽ tiếp tục những việc đã làm, những thỏa thuận đã đạt được với phía Việt Nam.
Ở đây, theo chúng tôi nghĩ là dù chính quyền nào cũng đều là sự kế tục, tiếp tục của chính quyền trước. Không phải là vì chính quyền Dân Chủ hay chính quyền Cộng Hòa.
Các vị cần lưu ý là năm 1995, Tổng Thống Clinton là người đứng đầu chính quyền dân chủ đã bỏ cấm vận Việt Nam, và đã bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Chính Tổng thống Clinton cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên sang thăm Việt Nam trong năm 2000.
Như vậy nếu nói là quan hệ Việt Nam với Mỹ có từ lâu đời, nhưng bắt đầu khai thông là bắt đầu từ chính quyền dân chủ Clinton, thì tiếp theo đó 8 năm trời, chính quyền Cộng hòa của ông Bush đã thúc đẩy rất mạnh.
Ở đây nói lên một điều là sự liên tục trong chính sách đối ngọai của Mỹ, đặc biệt là trong mối quan hệ với VN vì Dân Chủ hay Cộng Hòa cũng vì lợi ích của Mỹ, của nhân dân Mỹ, mà làm.
Chính quyền Dân Chủ mới này, tôi cho rằng, chính sách về chiến lực trong quan hệ với Việt Nam cũng sẽ không thay đổi. Có chăng là có thể những thay đổi về bước đi, về tốc độ nhanh hay chậm, tùy thuộc vào những điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế của từng nước, và tùy cuộc diện thế giới thay đổi.
Nhưng vì lợi ích của nhân dân Mỹ, nên tôi vẫn cho rằng Hoa Kỳ cần thiết phai thúc đẩy quan hệ với Việt Nam về nhiều mặt và có hiệu quả.
Chúng tôi không có nghi ngờ gì về chính quyền Obama có sự thay đổi về chính sách đối với Việt Nam. Trái lại, chính quyền này cũng sẽ tiếp tục định hướng những chính sách đã có, và cũng sẽ tiếp tục thực hiện những cam kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà hai nước đã đạt được.

Gia Minh: Đại sứ vừa mới nói đến những điều mà 2 nước đã cam kết được, và trong năm qua, ông Đại sứ cũng đã có mặt tại đây hơn 12 tháng rồi. Vậy ông có thể đánh giá trong thời gian làm việc vừa qua, có những điều gì đạt được, thưa ông ?

Đại sứ Lê Công Phụng: Năm 2008 là năm thành công trong quan hệ Việt-Mỹ, không những là mở rộng hợp tác giữa 2 bên trong nhiều lãnh vực, mà theo chúng tôi, năm 2008 làm cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn và quan trọng hơn.
Theo chúng tôi nghĩ trong mối quan hệ Việt-Mỹ có sự thăng trầm như vậy, thì sự tin cậy giữa Việt Nam và Mỹ trong suốt 13 năm bình thường quan hệ, đặc biệt là năm 2008, được nâng lên một cách đáng khích lệ. Nó thể hiện rõ nhất qua việc 2 bên nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược về vấn đề chính trị, an ninh và quốc phòng. Đồng thời cũng có những cuộc đối thọai song phương giữa 2 lực lượng quốc phòng với nhau.
Về kinh tế, đầu tư, văn hóa, giáo dục, vì nhu cầu, nên 2 bên đều phát triển. Nhưng khi đã tăng được nhu cầu hợp tác về đối thọai chiến lược, tức là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau. Chúng tôi cho rằng nếu sự tin cậy lẫn nhau thiết lập và củng cố được sẽ là cơ sở hết sức vững chắc và quan trọng cho 2 bên thúc đẩy hợp tác.
Năm 2008 không những là năm đạt được thành công lớn sự hợp tác ở nhiều lãnh vực, mà tôi cho là năm 2008 còn có nút quan trọng với chuyến thăm của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm cuối cùng của Tổng Thống Bush. Nó khẳng định một điều mà 2 bên có nhu cầu phải gặp nhau trước khi ông Bush mãn nhiệm kỳ; gặp nhau để bàn xem, nhìn lại xem là đã hợp tác được những gì, và sắp tới chuyển giao chính quyền cho một chính quyền mới.
Hồi tháng 6 thì chúng ta chưa biết Dân Chủ hay Cộng Hòa lên, nhưng đã bàn được chuyện là thế nào 2009 cũng thay đổi chinh quyền ở Mỹ. Thế thì chính quyền của ông Bush cùng chính quyền Việt Nam phải bàn xem 2009 làm những gì, và 4 năm sau đó làm những gì.
Cho nên tôi nghĩ là năm 2008 quan trọng không những ở chỗ đạt được hiệu quả thực tế mà nó còn là bước chuẩn bị cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và chính quyền mới trong 4 năm tới.

Nguyễn Khanh: Những điều đã được thảo luận giữa chính phủ VN và chính phủ Hoa Kỳ George W. Bush cho năm 2009 và 4 năm sắp đến mà ông Đại sứ vừa nói, ông có thể chia sẻ chúng tôi một phần nào chi tiết được không?

Đại sứ Lê Công Phụng: Tôi không nghĩ là chúng ta có nhiều chi tiết trong chuyện này. Nhưng điều quan trọng khi các vị lãnh đạo cấp cao hai bên gặp nhau, cái người ta bàn là thể hiện quyết tâm và cam kết với nhau rằng trong những năm tới, Việt-Mỹ cần phải tiếp tục mối quan hệ.
Thứ hai, về lãnh vực kinh tế thương mại, thì 2 bên cam kết với nhau rằng sẽ hết sức tôn trọng những luật lệ của các tổ chức, cơ chế kinh tế mà Việt Nam và Mỹ đã tham gia, và tôn trọng các thỏa thuận song phương, đồng thời đề ra một số bước đi mới, thí dụ như tiến hành khởi động và bắt đầu đàm phán về hiệp định thương mại song phương, rồi tính toan để Việt Mỹ cùng với Mỹ tham gia về việc tổ chức gọi là Thuế Quan Tự do. Hai bên cùng cam kết với nhau là sẽ hỗ trợ và động viên các doanh nhân hai bên làm ăn với nhau, buôn bán thương mại cũng được đẩy mạnh lên.
Về vấn đề giáo dục đào tạo, thì phía Mỹ không những cam kết hỗ trợ Việt Nam mà còn chủ động cùng Việt Nam lập nhóm làm việc hợp tác giáo dục. Đã đạt được những bước ban đầu và năm 2009 cũng sẽ làm như vậy.
Chúng tôi nghĩ rằng ngòai phương hướng lớn thì quyết tầm của hai chính phủ cần phải thúc đẩy quan hệ do yêu cầu của nhân dân Việt Nam và yêu cầu nhân dân Mỹ, đồng thời cũng đi vào một số thỏa thuận cụ thể. Có những cái đã làm rồi, cũng có những cái đang làm dở dang và sẽ tiếp tục. Sắp tới thì hai bên cũng cam kết để tiến hành thương thảo, trao đổi về đi đến triển khai các bước mà hai bên thấy cần thiết phải tăng cường.

Nguyễn Khanh: Ông Đại sứ dùng chữ “hai bên” khi nói chuyện đối thoại chiến lược, “tức là 2 bên bắt đầu tin tưởng ở nhau hơn”. Mức độ tin tưởng đó, thưa ông Đại sứ, đang ở mức độ nào ?

Đại sứ Lê Công Phụng: Sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một quá trình, vì thực tế, sự quan hệ của chúng ta có những lúc thăng trầm. Có những lúc chúng ta là kẻ thù với nhau. Có những lúc chúng ta là đối tác của nhau. Và như là Tổng thống Bush đã nói với Chủ Tịch Nước chúng tôi trước đây Việt Nam là kẻ thù, còn bây giờ là đối tác.
Thế thì chuyện từ kẻ thù sang đối tác là cả một quá trình, chuyển từ không tin cậy lẫn nhau, nghi kỵ lẫn nhau sang tin cậy lẫn nhau cũng là một qua trình dài.
Không phải qua một đêm mà chúng ta xây dựng được sự tin cậy lẫn nhau. Nhưng với việc 2 bên ngồi lại với nhau ban thảo nhựng vấn đề mang tính rất chiến lược cần có sự tin cậy lẫn nhau như là chiến lược về hợp tác chính trị, chiến lược hợp tác quân sự, chiến lược hợp tác an ninh, thì chúng tôi thấy rằng sự tin cậy lẫn nhau bắt đầu đã được xây dựng.
Còn nói đến mức nào thì điều này rất khó đong, đo, đếm. Nhưng chúng tôi thấy mừng là đã đến lúc Việt Nam và Mỹ cần phải thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Không có lý do gì mà hai bên lại không thể tin cậy lẫn nhau được.
Có điều xin quý vị kiên trì, vì là sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Mỹ cần có thời gian. Cũng như tôi với quý vị, không phải nói hôm nay rồi ngày mai có được. Phai đi từng bước một.

Gia Minh: Chúng tôi cũng đồng ý với ông Đại Sứ như vậy, nhưng cũng còn những trở lực. Thưa ông Đại Sứ trở lực lớn nhất hiện giờ là những gì?

Đại sứ Lê Công Phụng: Trở lực thì nhiều. Trước đây chúng ta không đi được vì trở lực, nhưng bây giờ đã đi được rồi vì trở lực hôm nay ít hơn hôm qua, trở lực ngày mai sẽ ít hơn ngày hôm nay.
Có nhiều trở lực như là gốc rễ lịch sử trong quan hệ, những thăng trầm trong quan hệ quá khứ, cách tiếp cận, cách suy nghĩ khác nhau về một vấn đề, ví dụ như vấn đề dân chủ, nhân quyền, có những cái khác nhau. Hoặc là khác biệt về địa lý, khác biệt về đồng minh, bạn bè của Hoa Kỳ ở chỗ này chỗ khác, đồng minh, bạn bè của chúng tôi ở chỗ này chỗ khác, cũng có lúc là thuận lợi nhưng cũng có lúc lại là trở lực.
Cái trở lực lớn nhất theo tôi là vì xưa nay chúng ta chưa tin cậy lẫn nhau nhiều lắm, cho nên trong suy nghĩ của mỗi một bên vẫn còn những cái vướng mắc, cản trở. Cũng có người hoài cổ, nhưng cũng có người muốn thúc đẩy cho nhanh hơn. Theo tôi nghĩ trở lực chính khiến chưa thể đi nhanh được là cái suy nghĩ, điều kiện của mỗi bên chưa cho phép chúng ta đi nhanh như chúng ta mong muốn.

Nguyễn Khanh: Ông Đại Sứ có tiếp xúc với bên Bà Clinton, Bà Tân Ngoại Trưởng Mỹ hay chưa?

Đại sứ Lê Công Phụng: Trước hết là chúng tôi có. Trong quá trình bàu cử Tổng Thống Mỹ, chúng tôi cũng có cơ hội này hoặc cơ hội khác để tiếp xúc, nhưng từ ngày Bà Cliton được dự kiến sẽ là Ngoại Trưởng của chính quyền mới, thì lãnh đạo chúng tôi, phía Bộ Ngoại Giao chúng tôi đã có những lời chúc mừng, những lời nhắn gửi. Chắc chắn là khi Bà được thông qua, Phó Thủ Tướng Bộ Trưởng Ngoại Giao của chúng tôi sẽ gửi thư chúc mừng, bày tỏ mong muốn hai bên hợp tác với nhau để thúc đẩy quan hệ.

Nguyễn Khanh: Hồi năm 2000, Bà Clitnon có sang thăm Việt Nam. Đó là chuyến đi Việt Nam đầu tiên của Bà, lúc đó Bà là Đệ Nhất Phu Nhân Mỹ. Trong chuyến viếng thăm đó có nhiều chuyện cả Tổng Thống Clinton lẫn bà Cliton rất vui, rất hài lòng, nhưng có một chuyện mà những giới chức làm việc với ông và cả những viên chức thân cận với Bà Clinton cho chúng tôi biết cả 2 ông bà không được vui. Chắc ông Đại Sứ cũng rõ câu chuyện như thế. Tây Phương có câu “phụ nữ thường hay nhớ dai”, ông Đại Sứ có e ngại chuyên đó sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ hay không?

Đại sứ Lê Công Phụng: Trước hết tôi khẳng định chuyến thăm của ông Thổng Thống Mỹ đầu tiên sang Việt Nam là một chuyến viếng thăm rất thành công, góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Tiếp theo đó là những chuyến thăm cấp cao của các lãnh đạo Việt Nam đến Mỹ. Trong cái thành công lớn thì cũng không thể nào hoàn thiện hết cả. Nhân vô thập toàn, con người vô thập toàn, không có cái gì mỹ mãn được 100% như chúng ta muốn. Tôi cũng nghe qua có những chuyện như thế, nhưng tôi nghĩ rằng từ đó đến nay ông Clinton đã trở lại Việt Nam rất nhiều lần, ông có những dự án, đóng góp ý kiến rất quan trọng cho Việt Nam, ông hợp tác hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều. Tôi cũng nghĩ rằng các vị có trọng trách lớn như vậy, họ tính đến những chuyện lớn hơn.
Bà Clinton cũng là phụ nữ, nhưng bà là Đệ Nhất Phu Nhân, là Ngoại Trưởng, chứ không phải nửa dân số thế giới giống bà ấy được. Nên tôi tin rằng với chính quyền mới, với vị trí mới là Ngoại Trưởng của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, bà Clitnton sẽ coi đại cuộc là quan trọng, lấy cái lớn là lợi ích của nước Mỹ, lợi ích chiến lược của nước Mỹ ở khu vực và cái lợi ích hơp tác giữa Việt Nam và Mỹ, để bà đong đo cân đếm trong quá trình hoạt động của bà. Cũng phải nói thật là tôi không lo lắng gì, vì chính quyền mới, chính sách của chính quyền, của Đảng, tất cả đều dựa vào lợi ích của nước Mỹ. Bà Clinton không đi ngược lại lợi ích đó đâu.
Tôi cũng tin rằng với những kinh nghiệm, những thành công, những kinh nghiệm bà có với Việt Nam, những hiểu biết bà có với Việt Nam, thì với tư cách là Ngoại Trưởng bà Clinton sẽ làm tốt hơn.

Nguyễn Khanh: Và với tư cách Đại Sứ của Việt Nam tại Washington, nếu cần thiết phải thể hiện một cử chỉ để chuyện trở thành hoàn thiện, để hai bên có thể đến gần với nhau hơn, với tất cả sự trân trọng, xin hỏi ông Đại Sứ có sẵn sàng hay không?

Đại sứ Lê Công Phụng: Tôi rất sẵn sàng và không những sẵn sàng, tôi còn mong muốn có cơ hội chào Bà Ngoại Trưởng, được tiếp xúc với bà Ngoại Trưởng. Tôi cũng nhận được chỉ thị của chính phủ chúng tôi chính thức mời Bà Ngoại Trưởng sang thăm Việt Nam, để chúng tôi cùng bà Clinton trao đổi là làm sao thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.
Năm 2009, có lẽ sẽ không có những cuộc trao đổi cấp cao giữa các nhà lãnh đạo, nhưng theo thông thường thì Việt Nam sẽ là Chủ Tịch ASEAN bắt đầu từ cuối năm 2009, và cuộc họp Ngoại Trưởng ASEAN sẽ diễn ra ở Việt Nam vào tháng Năm 2009. Thông thường thì Ngoại Trưởng Mỹ tham gia, chúng tôi cũng mong muốn nhân dịp đó có cơ hội để bà Clinton sang dự họp, sang thăm Việt Nam, tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao chúng tôi để cùng bàn chuyện.

Gia Minh: Thưa ông Đại Sứ, ở chính phủ vừa rồi Hoa Kỳ cũng có một nữ Ngoại Trưởng là Bà Condoleeza Rice. Qua kinh nghiệm làm việc với Bà Rice, ông Đại Sứ rút được những kinh nghiệm gì cho thời gian tới khi ông làm việc với một Bà Ngoại Trưởng khác là Bà Hillary Clinton?

Đại sứ Lê Công Phụng: Với phụ nữ thì chúng tôi kính trọng hơn một chút, các anh đừng buồn (cười). Tôi đã có nhiều cơ hội làm việc với Bà Rice lúc tôi làm ở ASEAN, hay lúc tôi làm Chủ Tịch Uỷ Ban Tổ Chức Hội Nghị Cấp Cao APEC. Chúng tôi thấy rằng nữ hay nam, khi triển khai chính sách của một quốc gia thì đều giống nhau. Có điều là nữ thì có thể uyển chuyển hơn một chút, nhẹ nhàng hơn một chút, nhưng không có nghĩa là phụ nữ bao giờ cũng mềm dẻo hơn nam giới.
Bà Thủ Tướng Anh ngày xưa, các anh cũng biết rồi, người ta gọi Bà là “người phụ nữ sắt”, các Bà Ngoại Trưởng của nhiều nước không phải ai cũng được gọi là “sắt”. Bà Rice, chúng tôi nghĩ rằng bà đã làm việc rất hiệu quả cho Việt Nam, chúng tôi cũng tin rằng Bà Hillary Clinton cũng sẽ tiép tục truyền thống của Hoa Kỳ khi triển khai chính sách. Quý vị yên tâm, làm việc với phụ nữ thì nhẹ nhàng hơn.

Nguyễn Khanh: Có nhiều yếu tố Washington phải cân nhắc khi hoạch định chính sách ngoại giao, và có lẽ ông Đại Sứ cũng rõ có cả yếu tố Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại. Ông Đại Sứ nghĩ gì về điều đó?

Đại sứ Lê Công Phụng: Chúng tôi không hề tham gia vào cái quá trình hoạch định chính sách của một quốc gia, mỗi quốc gia đều có cách nhìn nhận và các biện pháp hoạch định chính sách và tự định chính sách riêng của mình.
Với cộng đồng người Việt ở Mỹ, phải nói là chúng tôi rất đáng mừng. Cộng đồng người Việt ở Mỹ đây là cộng đồng lớn nhất trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Trong mấy chục năm vừa qua, cộng đồng này ngày càng thịnh vượng, ngày càng ổn định. Điều mà chúng tôi cũng quan tâm là bây giờ cộng đồng hết sức tôn trọng luật lệ địa phương nơi mình sống, và cũng xin tỏ lòng bày tỏ sự cám ơn với đất nước đã nuôi bà con. Đấy là điều mà đồng bào trong nước mong muốn.
Nếu như chính quyền Mỹ trong quá trình hoạch định chính sách phải tính đến nhân tố cộng đồng người Việt ở đây thì đó cũng là lẽ bình thường. Có điều là tính toán của họ làm sao khi chính sách với Việt Nam được triển khai thì phù hợp với quyền lợi của Mỹ, nói chung, và phù hợp với lợi ích, hoà bình, ổn định với khu vực và được sự đáp ứng tích cực của Việt Nam.
Đối với cộng đồng ở đây thì chúng tôi cũng hết sức quan tâm. Chúng tôi đang cố gắng mọi cách để tiếp cận với bà con, nghe bà con phản ánh về cuộc sống, về công ăn việc làm, nghe bà con nói về tâm tư, nguyện vọng, và như tôi đã từng nói, nghe bà con nói gì về những cái sơ sai, chỉ trích đối với chính phủ trong nước, để chúng tôi còn rút kinh nghiệm.
Cái lớn nhất của chính quyền và đồng bào trong nước là làm sao thực hiện được đúng cái mong muốn của mình, coi cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại là một bộ phận không thể tách rời với dân tộc Việt Nam. Bà con chúng ta dù có đi đâu, ở đâu, làm gì, thì cuối cùng vẫn là người Việt Nam. Mang quốc tịch gì, giấy tờ gì, thì cũng thế thôi. Đã là người Việt Nam thì luôn là con cháu của Vua Hùng ngày xưa. Chúng tôi cũng là con cháu, bà con cũng là con cháu. Chúng ta phải như là câu ca dao đã nói: “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Mỗi một bước đi thăng tiến của bà con ở nước ngoài, mỗi một cơ hội để bà con có thể làm giàu, hành phúc ấm no, là mỗi điều trong nước mong muốn.

Nguyễn Khanh: Chắc chắn sớm muộn gì ông Đại Sứ cũng gặp Tổng Thống Obama. Ngoại trừ những điều ông Đại Sứ đã trình bày cho chúng tôi biết, có một điểm nào đó mà ông Đại Sứ nghĩ sẽ nói khi gặp ông Obama?

Đại sứ Lê Công Phụng: Ông Obama là Tổng Thống Mỹ khác với những vị tổng thống trước đây. Ông Obama da không trắng, nhưng được công dân Mỹ ủng hộ, được công nhận là con người có tài, có khả năng. Thứ Ba này tôi sẽ đi dự Lễ Nhậm Chức, chắc cũng không thể ngồi gần, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ có cơ hội để gặp.
Điều mong muốn của tôi khi gặp ông Obama sẽ nói, trước hết chuyển lời chúc mừng trực diện đến ông Obama của lãnh đạo chúng tôi, của đất nước Việt Nam, của nhân dân Việt Nam đến ông Tổng Thống Mỹ, mong muốn ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, mạnh hơn trong những năm tới.
Điểm thứ hai là tôi sẽ đề nghị ông Tổng Thống, đề nghị chính quyền Mỹ quan tâm hơn đến khu vực Đông Á và Đông Nam Á, vì phải nói rằng lâu nay Mỹ chưa quan tâm đến ASEAN như các nước ASEAN mong muốn. Vị trí Châu Á, vị trí Đông Á ngày càng quan trọng.
Hoa Kỳ có rất nhiều ưu tiên, nhưng các nước trong khu vực cùng chúng tôi cho rằng Mỹ cũng có nhiều ưu tiên về Đông Nam Á, có nhiều lợi ích ở Đông Nam Á.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Đại Sứ.

Nguyễn Khanh - Gia Minh - RFA - 19/1/2009