"Mùa hè Việt Nam” Của Bốn Cô Gái Mỹ Gốc Việt

Bốn cô gái tuổi hai mươi: Vũ Đình Cẩm Tú, Nguyễn Ngọc Mai Trâm, Hồ Thị Oanh và Carol Kim Dương thuộc thế hệ người Mỹ gốc Việt thứ hai. Mỗi người một vẻ: sôi nổi, thẳng thắn, hồn nhiên, giàu nghị lực nhưng cùng có một điểm chung lớn nhất: muốn hiểu nguồn gốc của mình, muốn hiểu về nơi cha mẹ mình đã lớn lên. Một trong hai cô gái trẻ nhất nhóm là Carol chỉ có thể nghe và hiểu được tiếng Việt nhưng không nói được nhiều. Tú thì khá hơn chút đỉnh và sau hai tháng sống ở VN, cô đã tiến bộ rất nhiều, đã có thể nói đùa, trả giá ở chợ. Tú tâm sự: “Không hiểu về đất nước cội nguồn của mình khiến mấy bạn như Tú day dứt lắm. Cho nên chính Tú phải về VN trước hết để hiểu nơi cha mẹ mình đã sinh ra và lớn lên”.viet_kieu.bmp

Không hẹn mà bốn cô gái đã chọn một “Mùa hè VN” để tìm những trải nghiệm qua việc cùng sinh hoạt và gắn bó với người dân. Đây không phải là một chuyến đi chơi mà là đi làm việc tình nguyện, đi xuống từng gia đình bà con nông dân, ngồi vào lớp học của các sinh viên để hiểu đồng bào mình đang sống, làm việc như thế nào.

Oanh cố gắng diễn tả suy nghĩ của mình bằng tiếng Việt ngọng nghịu: “Bên Mỹ cũng có nhiều người Việt cần giúp đỡ lắm. Cuối tuần, Oanh thường vào những xóm người Việt mời những bà con không có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh (miễn phí). Nhưng về VN, làm việc tình nguyện trên quê hương xúc động lắm”. Oanh sẽ học tiếp ngành bác sĩ, sẽ mất sáu năm mới tốt nghiệp nên Oanh muốn dành mùa hè này để tìm hiểu quê hương sớm. 22 tuổi, Oanh vừa tốt nghiệp ngành sinh lý học.

“Sau mùa hè tình nguyện của bốn cô gái trẻ yêu quê hương này, sẽ còn rất nhiều người Mỹ gốc Việt trở về sống giữa cộng đồng như thế này”, giám đốc chương trình tại VN của Tổ chức VIA (Volunteers in Asia - Tình nguyện cho châu Á) - chị Christine Trần khẳng định.

Bốn cô gái đã đặt dấu chân đến nhiều vùng nông thôn ở ĐBSCL. Hai tuần dạy tiếng Anh cho các sinh viên Trường đại học An Giang, hai tuần dạy tiếng Anh cho gần 100 học trò từ lớp 6-9 ở huyện Châu Phú. Những ngày cuối tuần, các bạn đi thăm bà con nông dân, phát học bổng cho nữ sinh cùng với Tổ chức Vòng tay thái bình - một dự án hoạt động nhằm phòng chống nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.

Các lớp học được tổ chức liên tục trong hai tuần, đều đặn sáng, chiều nên cả bốn rất tất bật trong việc soạn giáo án, tổ chức bài học. Đêm nào cả nhóm cũng chong đèn tới quá nửa đêm tìm tài liệu.

Tú tâm sự: “Tụi mình nói chuyện bằng tiếng Anh về những vấn đề gần gũi hoặc đang thời sự với các bạn sinh viên để họ nói tiếng Anh tốt hơn. Qua việc soạn giảng, tụi mình cũng ôn lại được nhiều kiến thức, biết thêm những chương trình xã hội. Trong lúc lắng nghe các bạn sinh viên trình bày, tụi mình hiểu thêm về văn hóa quê hương dân tộc VN”.

Với các học trò cấp II, thách thức của việc đứng lớp không phải ở độ khó của bài học mà làm sao cho luôn vui nhộn và sinh động, HS bớt bỏ lớp. Theo yêu cầu của các học sinh, bốn cô gái nghĩ ra các trò chơi xếp hình, xếp màu, dạy hát, dạy những từ vựng gắn với cuộc sống của các em như: bộ phận cơ thể, vật nuôi trong nhà, các loại phương tiện giao thông, màu sắc... suốt trong hai tuần.

Tú tâm sự: “Tú thích sau này về VN để dạy mấy học trò nhỏ. Các bạn nhỏ thật hồn nhiên”.

Ngân - sinh viên chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, là người phụ bốn cô bạn Việt kiều đứng lớp - cho biết: “Lớp học tụi mình giống như một buổi ngoại khóa, tụi mình chỉ các bạn tiếng Việt, các bạn chỉ lại chúng mình tiếng Anh”.

Quê Hương