18 "đại gia" hàng đầu Mỹ đến Việt Nam tìm cơ hội
Phái đoàn 18 doanh nghiệp (DN) hàng đầu của Mỹ do Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN tổ chức sẽ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ngày 3 và 4/5 tới. "Đại gia" Mỹ đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư Khoảng 35 lãnh đạo cao cấp của 18 tập đoàn hàng đầu nước Mỹ như Boeing, Chevron, Exxon Mobil, IBM, Time Warner, Abbott, Ford Motor, General Electric... sẽ đến Hà Nội để dự Diễn đàn "Việt Nam - Một tương lai tươi sáng cho doanh nghiệp Mỹ" do Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN và Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức. Đây là đoàn DN lớn nhất của Mỹ đến Việt Nam, tính từ thời điểm Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) được thông qua và Việt Nam chính thức gia nhập WTO tháng 1/2007.
Bà Frances A. Zwenig - Cao ủy Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN cho biết: Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN đã hoạt động nhiều năm tại VN, với hoạt động chính là xúc tiến đầu tư của các công ty Mỹ tới VN, tập hợp các công ty đã đầu tư hoặc đang có ý định đầu tư tại VN. Vị thế và uy tín của VN đã tăng lên rất cao sau khi gia nhập WTO và tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC. Các DN Mỹ đang rất hào hứng muốn đầu tư vào VN. Bà Zwenig nói: "Chúng tôi mong muốn là cầu nối mang các DN Mỹ đến VN. Tháng vừa qua chúng tôi cũng tham gia hỗ trợ tổ chức chuyến thăm Hoa Kỳ của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Trong khuôn khổ chuyến thăm đó, chúng tôi đã tổ chức một hội nghị bàn tròn tìm hiểu thương mại giữa DN 2 nước. Và Hội nghị bàn tròn đó đã làm tiền đề cho chuyến thăm lần này của phái đoàn 18 DN Mỹ. FDI chất lượng cao
Trả lời câu hỏi của VietNamNet về kỳ vọng đạt được của các DN Mỹ đến VN lần này, bà Zwenig cho biết: Một số DN trong danh sách này đã hoạt động ở VN rồi và muốn tìm kiếm thêm những cơ hội để phát triển mạnh hơn. Những DN khác thì muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Cái họ quan tâm nhất là VN đã có những cam kết khi gia nhập WTO và sẽ thực thi những cam kết này như thế nào. Ví dụ, tập đoàn DELL rất nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất máy tính. Họ đã có nhà máy sản xuất ở Malaysia. Hai tuần trước đây họ đã sang gặp một số cơ quan Chính phủ VN và tập đoàn Intel đang đầu tư ở VN, để tìm hiểu xem VN có là một ứng cử viên tiềm năng cho việc đầu tư không. Những DN khác như tập đoàn IBM, HP thì rất quan tâm đến một số Nghị định của Chính phủ gần đây về đấu thầu và cung ứng, đã được đưa ra 3 lần kể từ tháng 9 năm ngoái đến nay. Trong Nghị định về việc mua bán các sản phẩm IT, trong đó có yêu cầu các sản phẩm IT nước ngoài khi tham gia đấu thầu phải có tỷ lệ phần trăm sản xuất từ các công ty VN. Hiện tại VN hầu như chưa có DN nào tham gia sản xuất phần mềm, nên yêy cầu trên rất khó thực hiện. Tuy nhiên các công ty Mỹ lại nhìn thấy đây là một cơ hội, họ muốn tìm hiểu và hợp tác với các công ty VN để đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất phần mềm. Dự kiến, các DN Mỹ sẽ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Bộ Bưu chính - Viễn thông để tìm hiểu năng lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của các DN VN đến đâu để có thể thực hiện yêu cầu của chính phủ VN. Theo bà Zwenig, ngoài khả năng đáp ứng được yêu cầu của các DN VN, thì xét riêng dân số VN cũng đã là một nhu cầu rất lớn về IT và là một thị trường rất đáng quan tâm. Intel đầu tư vào VN là một bước khởi đầu rất quan trọng và tới đây các DN Mỹ sẽ noi theo gương Intel. "Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng có dự định đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 6 tới. Chúng tôi rất quan tâm trong chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sẽ có những hợp đồng nào được ký kết. Về phía các công ty của Mỹ thì chúng tôi được biết là đã có ít nhất 6 hợp đồng sẵn sàng để ký kết" - bà Zwenig nói. Một trong những vấn đề quan trọng mà các DN Mỹ quan tâm hàng đầu là vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ. Vừa qua, VN đã có tín hiệu rất mạnh mẽ đến các tập đoàn công nghệ thông tin Mỹ thông qua chuyến thăm của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đến Hoa Kỳ. Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Vũ Đức Đam đã ký một cam kết về mặt nguyên tắc với tập đoàn Microsoft, về việc các cơ quan của Nhà nước và Chính phủ sẽ chỉ sử dụng các phần mềm có bản quyền. Còn về mặt giá cả thì tập đoàn Microsoft sẽ tiếp tục làm việc với phía VN. Theo bà Zwenig, các DN Mỹ coi đây là một tín hiệu rất mạnh mẽ và rất đáng khích lệ từ phía VN. PNTR - Điểm mới trong những chuyến thăm của DN Mỹ đến Việt Nam Năm 2006, Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN cũng đã tổ chức một phái đoàn các DN Mỹ đến VN, trong đó có nhiều gương mặt cũng sẽ quay trở lại VN trong lần này. Đâu là sự khác biệt của những chuyến đến thăm? Bà Frances chỉ ra rằng, đó chính là PNTR. Bà Zwenig cho biết: "điều chúng tôi muốn nhấn mạnh nhất đến sự thay đổi của 2 chuyến thăm VN của các DN Mỹ chính là PNTR đã được ký vào năm qua." Chúng tôi muốn đến VN để tìm hiểu rõ hơn việc thực hiện những hướng đi và hành động cụ thể của VN sau WTO và PNTR là gì. VN sẽ làm gì sau khi xóa bỏ rào cản thương mại và để bảo vệ các DN trong nước. Ở thời điểm hiện tại VN đang là vùng "đất hứa" đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng vị trí tốt này sẽ được duy trì trong bao lâu? Vấn đề là VN tận dụng những cơ hội này như thế nào để tiếp tục trở thành vùng đất hứa cho các nhà đầu tư. "Theo tôi, VN đang có những lỗ hổng về giáo dục. Chính phủ VN cần làm gì để bịt những lỗ hổng này? Ví dụ như ở VN chưa có những trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, VN cần làm gì để thu hút các trường đại học quốc tế đến VN và xây dựng trường đại học tiêu chuẩn quốc tế ở VN? Về việc gửi sinh viên du học ở nước ngoài, Chính phủ VN có những chính sách như thế nào để thu hút nhân tài trở về làm việc. VN có rất nhiều sinh viên ưu tú, nhưng cần phải có những chính sách ưu đãi để thu hút lực lượng nhân tài này trở về…" - bà Zwenig chia sẻ.
Trong khối ASEAN, VN luôn nằm trong những ưu tiên hàng đầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư Mỹ. Theo bà Zwenig, xét về toàn diện mục đích để thành lập ra khối ASEAN là để đưa ra một cơ hội đầu tư thay thế cho Trung Quốc. Thay vì đầu tư vào vào Trung Quốc thì các nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư vào một trong các nước trong ASEAN. "Tôi nghĩ rằng quyền lợi của các nước trong khối ASEAN có ràng buộc rất chặt chẽ với nhau. Việc đầu tư vào một nước trong khối ASEAN cũng sẽ đem lại lợi ích nhất định cho các thành viên trong khối. Đây cũng là cơ hội quan trọng để VN nắm được vai trò dẫn dắt, vai trò ảnh hưởng trong khối ASEAN" - bà Frances Zwenig kết luận. VNN |