Hội nghị APEC 14 - đóng góp to lớn vì sự phát triển và thịnh vượng của cộng đồng APEC

apec_group_photo.bmpHội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14 (AELM 14) diễn ra tại Hà Nội dưới chủ đề Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng, đã thành công tốt đẹp.

Tuyên bố Hà Nội của AELM 14 khẳng định sự nhất trí cao của các nhà lãnh đạo APEC thực hiện mục tiêu Bô-go hướng tới cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương năng động và hài hòa vì sự phồn vinh của các dân tộc. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch AELM 14 khẳng định với đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế: AELM 14 thành công rực rỡ đã khép lại một cách đáng nhớ Tuần cấp cao APEC 2006 và Năm APEC Việt Nam 2006.

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại của APEC là nội dung được các nhà lãnh đạo APEC đặc biệt quan tâm. APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên với 2, 6 tỷ người (chiếm 40% số dân thế giới) làm ra 56 % GDP và 48% thương mại toàn cầu, là khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. APEC đã triển khai các Kế hoạch Hành động quốc gia (IAP) và Kế hoạch Hành động tập thể (CAP).

Lộ trình Bu-san được vạch ra năm 2005 khẳng định quyết tâm của APEC thực hiện mục tiêu Bô-go (được đề ra năm 1994) là mở cửa và tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2010 tại các nền kinh tế thành viên phát triển và năm 2020 tại các nền kinh tế thành viên đang phát triển. Hội nghị APEC 14 diễn ra giữa lúc Vòng đàm phán Doha bế tắc, nền kinh tế thế giới đang bị tác động bởi một loạt yếu tố bất lợi như giá dầu mỏ biến động khó lường, xung đột khu vực, bạo lực, nguy cơ khủng bố gia tăng, thiên tai nghiêm trọng, dịch cúm gia cầm lan rộng...

Chính vì thế, các diễn đàn như Hội nghị quan chức cấp cao APEC kỳ tổng kết (CSOM), Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 18 (AMM 18), kỳ họp của ABAC, Diễn đàn đầu tư APEC 2006, Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam, Hội nghị cấp cao các Tổng giám đốc doanh nghiệp APEC (CEO Summit), v.v. thu hút sự tham gia của hàng nghìn đại biểu, đều thảo luận sâu các vấn đề đang nổi lên nóng bỏng. Ðó là hợp tác kinh tế, đầu tư; xây dựng môi trường kinh doanh giữa các nền kinh tế; cơ hội và thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển; thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực; tương lai của APEC và châu Á -Thái Bình Dương...

Tuyên bố của AELM 14 hoan nghênh các sáng kiến thực hiện Lộ trình Bu-san, các chương trình mở rộng về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư được thực hiện cùng ABAC và các tổ chức quốc tế khác; tái khẳng định ủng hộ tiến trình đàm phán Doha là ưu tiên hàng đầu của APEC. Phát huy vai trò đầu tàu của APEC trong WTO, Tuyên bố về Chương trình nghị sự phát triển Doha đưa ra những biện pháp thiết thực thúc đẩy sớm nối lại Vòng đàm phán Doha, nhấn mạnh cam kết đi xa hơn trong các lĩnh vực chủ chốt của vòng đàm phán nhằm đạt kết quả phù hợp tất cả các thành viên trong tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này.

Tuyên bố của AELM 14 khẳng định lại cam kết của APEC thúc đẩy phát triển bền vững vì phồn vinh của khu vực và bảo đảm an ninh của các dân tộc. APEC ủng hộ tăng cường hợp tác nhằm giảm thiểu thiệt hại thiên tai, ngăn chặn bệnh dịch HIV/AIDS, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch, cũng như những đề xuất của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật, dịch vụ, văn hóa, du lịch, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống tham nhũng, bảo đảm quyền của người dân, v.v. thể hiện quan tâm tạo nhiều cơ hội cho mỗi cộng đồng, từng con người phát triển phù hợp luật pháp quốc gia và công ước quốc tế, góp phần vào phồn vinh của mỗi nền kinh tế và của cộng đồng APEC.

Tuần cấp cao APEC 2006 ghi nhận bước phát triển mới của các mối quan hệ hợp tác, đối tác giữa các nền kinh tế thành viên. Kết quả tốt đẹp của các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, Hoa Kỳ, Chi-lê, Nhật Bản, Nga; các cuộc gặp cấp cao giữa Việt Nam với Malaysia, Brunei, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Canada, Singapore... đánh dấu bước phát triển mới cả chiều rộng lẫn bề sâu trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác, đáp ứng lợi ích của mỗi nước, góp phần tăng cường hợp tác trong APEC.

Hàng chục cuộc tiếp xúc song phương giữa các nền kinh tế thành viên bên lề hội nghị; sự tham gia của Tổng Giám đốc WTO Pascan Lamy và đại diện nhiều tổ chức quốc tế khác vào một số hội nghị làm cho hoạt động của Tuần cấp cao APEC đa dạng hơn, phong phú hơn, đáp ứng lợi ích của các nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của cộng đồng.

Việt Nam trở thành thành viên APEC cách đây tám năm. Với mục tiêu phấn đấu sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, Việt Nam phát huy mạnh mẽ thế mạnh là nguồn lực trong nước, đồng thời luôn nỗ lực đẩy mạnh tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Ðến nay, nước ta có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và nền kinh tế; có hơn 8.000 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) từ 76 quốc gia và nền kinh tế với tổng vốn hơn 70 tỷ USD. APEC chiếm hơn 70% thị trường xuất khẩu và hơn 73% vốn FDI vào Việt Nam. Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác của APEC trên nhiều lĩnh vực, được các nền kinh tế thành viên ủng hộ và thực hiện.

Là chủ nhà Năm APEC 2006, Việt Nam đã chuẩn bị tốt về mọi mặt. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia APEC, sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự hợp tác của bạn bè quốc tế, Năm APEC 2006 đã diễn ra sôi động khắp mọi miền đất nước, góp phần vào thành công của hội nghị.

AELM 14 phê chuẩn Kế hoạch hành động Hà Nội, coi đây là cơ sở định hướng hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại của APEC trong 15 năm tới và góp phần hoàn thiện các cơ chế hợp tác của diễn đàn; nhấn mạnh tầm quan trọng của "Tuyên bố Hà Nội về tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thương mại và đầu tư", thông qua "Báo cáo cải cách năm 2006" về cải cách APEC năng động và hiệu quả do Việt Nam đề xuất thể hiện APEC đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với tiến trình hợp tác APEC.

Các nhà lãnh đạo nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu đổi mới, đặc biệt khâm phục sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng của Việt Nam thời gian gần đây; đánh giá cao việc Việt Nam gia nhập WTO và được Nhóm nước châu Á chọn là ứng cử viên duy nhất đại diện châu lục này vào chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khóa 2008 - 2009, khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Sự tham gia nhiệt tình của hàng nghìn nhà doanh nghiệp các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư với Việt Nam, Diễn đàn thương mại và đầu tư APEC, các triển lãm, hội chợ; nhiều hợp đồng kinh doanh trị giá hàng tỷ USD được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài là bằng chứng sinh động về một Việt Nam mở cửa, hội nhập mạnh mẽ nền kinh tế toàn cầu, một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.

Thành công tốt đẹp của AELM 14 nói riêng và Tuần cấp cao APEC 2006 nói chung là một đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của APEC, đồng thời nêu bật chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ của Ðảng và Nhà nước ta với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới cùng phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào nhiệt liệt chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công AELM 14, tin tưởng, "với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Trung - Việt sẽ được củng cố và tăng cường hơn nữa; sự hợp tác giữa hai nước nhất định sẽ không ngừng được nâng lên tầm cao mới".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, "chính sách nhất quán của Nhật Bản coi trọng quan hệ với Việt Nam, tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam cả song phương và đa phương, tiếp tục hỗ trợ tích cực Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu CNH, HÐH đất nước".

Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush bày tỏ ấn tượng "vì sự thân thiện của người dân Việt Nam", vui mừng "thấy hàng nghìn công dân với nụ cười trên môi" và "đã tận mắt thấy sức sống và sự phấn khởi đang diễn ra ở Việt Nam"; hoan nghênh vai trò và sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào các vấn đề quốc tế nhằm duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới; khẳng định "sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục củng cố quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam ngày càng phát triển".

Tổng thống Chi-lê M. Bachelet khẳng định, "nhân dân Chi-lê khâm phục nhân dân Việt Nam, coi Việt Nam là biểu tượng cho các dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và hòa bình; bày tỏ "khâm phục trước những thành tựu mà công cuộc đổi mới đã mang lại" và "tin tưởng quan hệ giữa hai nước sẽ được tăng cường mạnh mẽ".

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh, "các công ty Singapore rất quan tâm việc mở rộng giao lưu thương mại, đầu tư với Việt Nam, một đất nước hiện đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định"; khẳng định, " Singapore sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thành công với các đối tác Việt Nam". Nhiều nhà lãnh đạo khác cũng đánh giá cao đóng góp của Việt Nam vào thành công của AELM 14 và Năm APEC 2006 ghi đậm dấu ấn Việt Nam, hòa bình, hữu nghị, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện, chân thành với bạn bè, với đối tác, với các nhà đầu tư, với các dân tộc cùng mong muốn hợp tác hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển.

Tuần cấp cao APEC 2006 thành công tốt đẹp khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của APEC tiếp tục những nỗ lực vì một cộng đồng phát triển bền vững và thịnh vượng. Tự hào đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ nhà, phấn khởi trước bước phát triển mới đầy ấn tượng của APEC, Việt Nam cam kết cùng tất cả các nền kinh tế thành viên làm hết sức mình thực hiện Tuyên bố Hà Nội của AELM 14 vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của mỗi nền kinh tế thành viên và cộng đồng APEC, vì tương lai phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Nguồn: Báo Nhân Dân