Trước nỗi đau da cam

Reuters ngày 1-10 đăng bài của tác giả Grant McCool ghi lại thực tế về di chứng chiến tranh tại Việt Nam, cũng như thái độ tích cực của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ trước nỗi đau da cam/dioxin của người dân Việt Nam.

Tác giả mở đầu bài viết bằng lời các bác sĩ cảnh báo người dân sống gần khu vực sân bay quân sự Biên Hoà không uống nước và ăn cá, hay trồng hoa quả và rau vì lý do môi trường nhiễm độc chất dioxin từ thời chiến tranh. Bốn thập kỷ sau khi quân đội Hoa Kỳ rải chất khai quang có độ độc cao xuống lãnh thổ Việt Nam, người ta vẫn tiếp tục đưa đến bệnh viện những đứa trẻ bị tổn thương não và dị tật bẩm sinh để được chăm sóc đặc biệt.

Bài báo viết: "Cuộc chiến tranh đã kết thúc vào ngày 30 - 4 - 1975. Hà Nội và Washington lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995 và hai bên đang củng cố mối quan hệ hữu nghị được thiết lập trên các quan hệ kinh tế và thương mại. Nhưng những hậu quả của chiến tranh hoá học vẫn còn là một vết thương nhức nhối trong quan hệ mà cả hai chính phủ và các tổ chức phi chính phủ thật sự muốn chữa lành”.

Trong vài tháng gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu vượt qua những năm tháng của bất đồng giữa hai chính phủ về phương thức xử lý những hậu quả đối với sức khỏe con người và môi trường do chất độc có mật mã “Chất da cam” gây ra. Cả hai phía cho biết vài tháng nữa sẽ có kế hoạch làm sạch môi trường và hạn chế chất dioxin, bắt đầu từ căn cứ không quân cũ của Hoa Kỳ tại trung tâm thành phố Đà Nẵng".

Tác giả cho biết, các nhà khoa học xác định Đà Nẵng, thị trấn Phú Cát thuộc tỉnh Bình Định và thành phố Biên Hoà thuộc tỉnh Đồng Nai là những “điểm nóng”, do đây là những căn cứ quân sự của Mỹ, nơi các chất hoá học được cất giữ và bị rò rỉ. Một nghiên cứu do những nhà khoa học Việt Nam và Canada thuộc hãng tư vấn môi trường Hatfield đã đo được hàm lượng chất dioxin trong đất ở mức cao hơn hàng trăm lần so với giới hạn chấp nhận được ở các nước khác.

Một nhóm nạn nhân Việt Nam đang kiện 37 công ty hoá chất Hoa Kỳ tại một toà án liên bang Hoa Kỳ. Đơn kiện đã được nộp từ tháng 3 năm 2005 và nhóm nạn nhân đang chờ kết quả phúc thẩm. Trong khi đó, các binh sĩ Hoa Kỳ, Australia và New Zealand từng phục vụ trong chiến tranh cũng bị phơi nhiễm chất dioxin và tất cả họ đều đã thành công phần nào trong việc đòi được hưởng các dịch vụ và chăm sóc cho bản thân.

Bình luận về việc các công ty hóa chất Hoa Kỳ từ chối bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tác giả nhấn mạnh “hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này sẽ giúp gột rửa lương tâm của chính phủ Hoa Kỳ”, Washington cần sẵn sàng chia sẻ cố vấn kỹ thuật với các đối tác Việt Nam.

Tác giả dẫn lời ông Michael Marine, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết: “Còn rất nhiều việc phải làm trong vấn đề này. Đây là vấn đề rất phức tạp”. Một nhà khoa học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện là thành viên nhóm phối hợp Việt Nam - Hoa Kỳ gồm các chuyên gia kỹ thuật cho biết: “Ước mơ của tôi là hoàn thành công việc tại các điểm nóng này trong năm năm tới”.

Phóng viên Reuters nhận xét, cùng với sự thịnh vượng kinh tế đang gia tăng, Việt Nam đã tăng mức hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam. Con cái của những người bị phơi nhiễm chất dioxin trong suốt chiến tranh cũng bị bệnh tật và dị dạng, nhưng những nhà nghiên cứu cho biết chưa ai có thể định lượng chính xác tổng số những nạn nhân da cam. Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho biết 4,8 triệu người “có thể đã hiện diện” trong đợt rải chất độc.

Trong một diễn biến mới nhất, lần đầu tiên tổ chức LHQ cũng đã tham dự vào công tác này. Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Hà Nội đề xuất việc thành lập một quỹ hỗ trợ được điều hành một cách minh bạch để các nhà tài trợ quốc tế, các công ty và chính phủ có thể đóng góp tiền cho công tác sức khoẻ và môi trường liên quan đến chất dioxin. Ông Koos Neefjes, giám sát cao cấp của UNDP tại Việt Nam nói: “Các bên đang thực sự hợp tác chặt chẽ. Tôi nghĩ chúng ta đang tiến tới đích”.

Quỹ Cựu binh Việt Nam hỗ trợ chuyên môn và Quỹ Ford tài trợ cho các nghiên cứu về sức khoẻ và môi trường. Ông Charles Bailey, đại diện Quỹ Ford tại Việt Nam cho biết: “Một phần của lý do khiến chúng tôi cấp tài trợ là các kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp một quan điểm chính xác hơn về bản chất của hiểm hoạ này”.

Nhìn từ thái độ của phía Việt Nam trước vấn đề này, tác giả nhận xét, những bác sĩ làm việc hàng ngày với những nạn nhân hoặc chịu các ảnh hưởng về môi trường và sức khoẻ hoan nghênh những tiến triển trong việc giảm bớt mức độ ô nhiễm và cuối cùng là gột sạch chất dioxin.

Tác giả dẫn lời Bà Nguyễn Thị Phương Tân, giám đốc “Làng Hòa Bình” tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong 12 cơ sở dành cho người tàn tật trong cả nước, cho biết: “Tôi không giữ trong lòng sự đố kỵ hay hận thù. Quan điểm của tôi là khép lại quá khứ, nếu có thể làm gì đó bây giờ thì chúng ta nên làm để giúp đỡ mọi người.

Tác giả bình luận: Thái độ “gác lại quá khứ” của người bác sĩ nói trên cũng là thái độ chung của người Việt Nam vốn nổi tiếng nhân hậu.