Vụ ABN - Amro Bank Không Bị Hình Sự Hóa
Liên quan đến ngân hàng ABN - Amro Bank của Hà Lan, ngày 8/9, Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khẳng định với báo điện tử VnExpress rằng vụ việc đã không bị hình sự hóa. Xin trích đăng nội dung trả lời phỏng vấn:
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng cơ quan điều tra đã hình sự hóa giao dịch kinh tế của hoạt động ngân hàng ở ABN -Amro Bank. Quan điểm của ông về vụ việc này như thế nào?
Tôi xin khẳng định ngay là cơ quan điều tra đã làm đúng quy định pháp luật, không hình sự hóa hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp.
Tài liệu điều tra cho thấy, Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Hải Phòng và Ngân hàng ABN - Amro chi nhánh Hà Nội đã thực hiện thanh toán trái phép cho nhau gần 600 hợp đồng mua bán ngoại tệ. Có ngày, hai bên ký hợp đồng giá trị lên tới 45 triệu USD, một con số không tưởng đối với thực lực của ngân hàng Việt Nam hiện nay.
Trong số 600 hợp đồng giao dịch, chỉ có 85 trường hợp là thanh toán thật. Hơn 500 hợp đồng còn lại không có giao dịch chuyển tiền mà chỉ thanh toán chênh lệch lỗ lãi. Có những hợp đồng mua bán ngoại tệ chưa có chữ ký của phía Ngân hàng Công thương Hải Phòng nhưng hai bên vẫn thanh toán cho nhau. Thậm chí, nhiều giao dịch có tỷ giá vượt ngoài biên độ. Điều này cho thấy việc mua bán ngoại tệ chỉ là hình thức để rút tiền nhà nước.
- Như vậy có thể hiểu những giao dịch này khiến Nhà nước Việt Nam bị rút ruột chứ không chỉ đơn thuần là số lỗ lãi trong phạm vi một doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ?
Đúng vậy. Với hơn 500 hợp đồng giao dịch bất hợp pháp trên, phía Việt Nam đã bị chiếm đoạt gần 3,8 triệu USD và hơn 12 tỷ đồng. Những hành vi của một số cán bộ ngân hàng đã cấu thành tội danh cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan điều tra đánh giá, đây là loại hình tội phạm mới, phát sinh trong các hoạt động của ngân hàng.
Nhưng theo Bộ luật tố tụng hình sự, một vụ việc không thể có 2 cơ quan tố tụng cùng thụ lý. Ông lý giải thế nào việc hiện Tòa kinh tế Hà Nội đang thụ lý vụ việc ABN - Amro bị Ngân hàng Công thương Hải Phòng khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại?
Ngân hàng Công thương Hải Phòng chưa hiểu quy định pháp luật nên mới có đơn khởi kiện ra Tòa kinh tế TAND Hà Nội, vào cuối tháng 7. Trong khi, chúng tôi đã khởi tố vụ án hình sự từ tháng 3. Theo quy định, thẩm quyền giải quyết phần hình sự và dân sự trong một vụ án thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Thiệt hại vật chất là một phần tang vật của vụ án hình sự. Việc tách phần dân sự, giải quyết sau là do cơ quan điều tra quyết định.
Chính vì vậy, Tòa kinh tế TAND Hà Nội sẽ phải tạm dừng thụ lý vụ việc, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
-Hiện, có 4 người của ABN - Amro đã bị khởi tố. Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động giao dịch tiền tệ gây thiệt hại lớn như vậy không thể chỉ do một nhóm cán bộ ngân hàng thao túng. Ông đánh giá thế nào về vai trò của bà De.T. Phạm (nguyên tổng giám đốc ABN - Amro Hà Nội)?
- Bà De.T. Phạm là người Mỹ gốc Việt làm Tổng giám đốc từ năm 2002 đến tháng 5/2006, là người phải chịu trách nhiệm về những sai phạm trên của ABN - Amro Hà Nội. Việc kinh doanh ngoại tệ là hình thức kinh doanh có điều kiện. Bà Phạm phải đăng ký tên giao dịch viên với Ngân hàng nhà nước. Nhưng tổng giám đốc này không thực hiện nhằm trốn tránh sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong các giao dịch mua bán ngoại tệ với Ngân hàng Công thương Hải Phòng. Bà đã không làm việc mà luật pháp VN bắt phải tuân theo. Hành vi này là đồng phạm với những sai phạm của cấp dưới, đủ cơ sở cấu thành tội danh cố ý làm trái.
- Vậy, tại sao cơ quan điều tra không không khởi tố bị can đối với bà Phạm, thậm chí còn cho xuất cảnh?
Khi vụ án khởi tố, bà Phạm đang mang thai đứa con thứ hai. Thời gian này, bà liên tục có đơn xin được xuất cảnh sang Singapore để khám thai và điều trị. Vì chính sách nhân đạo, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã đồng ý và cơ quan điều tra đã chấp nhận cho phép bà Phạm xuất cảnh.
Ngày 20/8, trước khi xuất cảnh, bà Phạm có thư gửi Bộ trưởng Công an, và đại sứ Mỹ cam kết sẽ trở lại Việt Nam sau khi sức khỏe của bà và con ổn định. Đồng thời bà cũng tự nguyện nộp 10.000 USD cho cơ quan điều tra. Khoản này sẽ được hoàn trả khi bà trả về.
- Thưa ông, trong trường hợp bà Phạm không trở về, tiến trình điều tra sẽ bị ảnh hưởng thế nào?Chúng tôi đánh giá, việc này sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến vụ án. Những người có hành vi trực tiếp liên quan đã bị bắt. Người chiếm hưởng số tiền gần 3,8 triệu USD và hơn 12 tỷ đồng được xác định là ABN - Amro. Nếu ngân hàng này hoàn trả lại số tiền trên, nhiều khả năng, bà Phạm sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện, cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng vụ án để xác minh làm rõ trách nhiệm của nhiều người khác liên quan vụ án.
Nguồn: VNExpress