Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Từ năm 2004, ngày 10/8 hằng năm được đề nghị trở thành Ngày cả nước hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Cũng cần nhắc lại, lần đầu tiên vào ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ tiến hành đợt rải chất độc hoá học xuống miền Nam Việt Nam.
Theo số liệu của các nhà khoa học Mỹ (Giáo sư J.M.Xten-men và cộng sự - Trường đại học Colombia), từ các năm 1961 – 1971, đã có khoảng 80 triệu lít hoá chất độc, 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin rải xuống khoảng 17% diện tích toàn miền Nam Việt Nam (30.000/170.000 km2). Dioxin là loại hoá chất độc hại nhất mà loài người đã tìm ra được cho đến nay. Với liều lượng 1 nanôgram (một phần tỷ gram) đã có thể gây nên bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người và di truyền tới đời con, cháu; vài chục nanôgram, có thể lập tức gây chết người. Chính vì vậy, đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc, trong đó khoảng ba triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em.
Với trách nhiệm của mình, Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ủy ban 10 – 80 để điều tra về những hậu quả của chiến tranh hoá học và lập Ban Chỉ đạo 33 để khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh đó. Tháng 2/2000, Chính phủ có chính sách hỗ trợ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (CĐDC/D) trong chiến tranh. Chính phủ còn cấp thêm kinh phí cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị khuyết tật; ngày 24/7-1998 lập Quỹ bảo trợ nạn nhân CĐDC (thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) với mục đích huy động sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho các nạn nhân CĐDC.
Tuy nhiên, sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội còn hạn chế so với nhu cầu của các nạn nhân. Nạn nhân CĐDC vẫn là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Trong bối cảnh như vậy, ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động, có chức năng bảo vệ quyền lợi các nạn nhân CĐDC và là đại diện pháp lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam quan hệ với các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước.
Một trong những việc làm đầu tiên của Hội là lập đề án “Giúp đỡ các nạn nhân CĐDC trong cuộc sống”, đồng thời “Tổ chức thu thập hồ sơ, chứng cứ, tiến hành khởi kiện dân sự các công ty Mỹ sản xuất CĐDC để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam”.
Ngày 30/1/2004, Hội cùng với một số nạn nhân CĐDC đã đứng nguyên đơn khởi kiện 37 công ty Mỹ sản xuất hoá chất độc sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, tại Toà án quận Brooklyn, bang New York – Hoa Kỳ.
Ngày 25/2/2004, Hội ra Tuyên bố kêu gọi nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ủng hộ Hội và các nạn nhân trong các hoạt động vì hoà bình, công bằng, công lý.
Ngày 25/6/2004, đại diện 32 tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam họp Hội nghị “Vì các nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam”, nhất trí đề nghị lấy ngày 10/8 hằng năm (ngày đầu tiên quân đội Mỹ rải hoá chất độc xuống miền Nam Việt Nam – năm 1961) là Ngày cả nước hành động Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam.
Từ năm 2004 đến nay, sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân cả nước ta và bạn bè quốc tế đối với nạn nhân CĐDC/D Việt Nam diễn ra thường xuyên, đặc biệt trong “Ngày vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” 10/8, trong các dịp lễ, Tết… Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự các cuôc gặp mặt nạn nhân, thăm hỏi các gia đình và Trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân CĐDC.
Sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng trong nước và quốc tế
Cho đến nay, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nhận được 12,5 triệu chữ ký của nhân dân ở khắp mọi miền đất nước và của nhiều bạn bè quốc tế. Quỹ của Trung ương Hội đã nhận được hơn 8,7 tỷ đồng từ những người hảo tâm ở trong nước và ngoài nước. Cùng với sự đóng góp ở 34 tỉnh, thành phố đã thành lập hội, đã có hàng trăm căn nhà của gia đình nạn nhân được sửa chữa và làm mới, hàng trăm nghìn suất quà tặng các nạn nhân nhân dịp lễ, Tết.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ các hội hữu nghị với Việt Nam của các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Thuỵ Sĩ… Hội đồng Hoà bình thế giới, Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Uỷ ban Thuỵ Điển đoàn kết với Việt Nam – Lào – Campuchia, Uỷ ban Hoà bình Brazil, Hội CCB Hàn Quốc, Hội CCB Mỹ vì hoà bình… Bà A.Uê-in (Hội Thuỵ Sĩ – Việt Nam), các nghệ sĩ Ku-mi-kô Y-ô-koi (Nhật Bản), P. Y-a-râu (Mỹ)… nhiều lần đến thăm Việt Nam, biểu diễn âm nhạc quyên góp tiền ủng hộ nạn nhân CĐDC.
Từ 12 – 11 đến 13/12/2005, được sự tài trợ của tổ chức Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân CĐDC Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Mỹ vì hoà bình, Đoàn nạn nhân CĐDC Việt Nam do GS Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch Hội dẫn đầu, cùng hai nạn nhân là Đặng Hồng Nhựt (TP Hồ Chí Minh) và Hồ Sĩ Hải (tỉnh Thái Bình) đã có chuyến đi qua mười thành phố lớn của nước Mỹ, tiếp xúc với khoảng nửa triệu người dân Mỹ để thông báo về tình hình nạn nhân CĐDC Việt Nam, về vụ kiện đang đưa lên Toà án Phúc thẩm Hoa Kỳ. Đoàn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân ngay trong lòng nước Mỹ.
Không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều cựu chiến binh Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zeland… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây, cũng đã mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm CĐDC/D. Những người Canada ở Gatetown và ở nhiều nơi khác cũng liên hệ thấy những bệnh tật của mình là từ CĐDC/D do các công ty hoá chất Mỹ đã cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng tại đó.
Cũng vì vậy, ngày 21 – 22/2/2006, các luật gia quốc tế đã họp Hội nghị ở Hà Nội nhất trí lên tiếng ủng hộ Vụ kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam, Mỹ, Hàn Quốc, Australia, nhiều nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học đến từ New Zeland, Canada, Anh, Đức, Pháp, Nga, Thuỵ Sĩ…) đã ra lời kêu gọi khẳng định một số công ty hoá chất Mỹ do chạy theo siêu lợi nhuận, đã gây nên nhiều thảm hoạ và dứt khoát họ phải đền bù thiệt hại cho các nạn nhân…
Cũng vì vậy, ngày 20/4/2006, 28 nghị sĩ Anh đã trình lên Quốc hội nước này một kiến nghị đòi Mỹ phải bồi thường cho các nạn nhân CĐDC Việt Nam; tạp chí Nhà sinh thái học (Anh) số 5/2006 vận động mọi người ủng hộ lời kêu gọi đề nghị Liên hiệp quốc lấy ngày 10/8 hàng năm là “Ngày quốc tế vì các nạn nhân của vũ khí hoá học”; tại Hội nghị quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân hoá học và sinh học (từ 6 đến 8/5/2006) tại thành phố Xanh-tê thuộc vùng Poi-tu Sa-vanh-tê (Pháp), ông A.Bu-ni- Chủ tịch Uỷ ban quốc tế ủng hộ Vụ kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam, tuyên bố rằng: “Ủng hộ nạn nhân Việt Nam chính là ủng hộ hoà bình”.../.
Nguồn: Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam.