Gặp Gỡ Các Nhà Kinh Tế Người Việt Nam ở Nước Ngoài

Chiều 5/8, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài- Bộ Ngoại giao đã tổ chức gặp mặt các nhà khoa học kinh tế người Việt Nam ở nước ngoài trở về dự Hội thảo quốc tế về kinh tế và quản lý công PET 2006 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tại buổi gặp gỡ các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, nêu lên những khó khăn mà người làm khoa học, nghiên cứu ở nước ngoài hay gặp phải, kiến nghị giải pháp để phát triển nền kinh tế, giáo dục, nước nhà.

Nói về những khó khăn của sinh viên Việt Nam đang theo học tại nước ngoài một số ý kiến cho rằng sinh viên Việt Nam khó theo kịp chương trình học của quốc tế vì giáo trình trong nước không phù hợp, mặt khác chưa có sự chuẩn bị tốt về ngôn ngữ nên gặp rất nhiều khó khăn. Họ cũng đề xuất ý kiến nên soạn thảo một cuốn từ điển thuật ngữ chung về kinh tế vì các thuật ngữ kinh tế của Việt Nam không thống nhất với nhau và với thuật ngữ quốc tế dẫn đến nhiều khó khăn khi chuyển sang các ngôn ngữ khác.

Anh Nguyễn Văn Phú, Tiến sĩ kinh tế môi trường và kinh tế lượng hiện đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Ngoài việc nghiên cứu anh còn tham gia giảng dạy cho các đối tượng thạc sĩ ở Pháp cho biết trong thời gian tham gia giảng dạy anh thấy sinh viên Việt Nam bị hổng kiến thức rất nhiều nhất là môn kinh tế lượng vì muốn học môn này phải có kiến thức của 4 năm đại học ở Pháp, sinh viên Việt Nam thiếu hẳn kiến thức đó nên hầu hết không theo được. Anh kiến nghị nếu các trường đại học muốn cử sinh viên sang nghiên cứu ở nước ngoài cần phải thay đổi giáo trình cho phù hợp với giáo trình quốc tế hoặc cử sinh viên sang học ngay từ năm đầu tiên đại học.

Về mặt nghiên cứu, anh Phú cho rằng tất cả các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đều có khả năng nghiên cứu khoa học không thua kém so với các nhà khoa học quốc tế. Các nhà khoa học Việt Nam được bạn bè quốc tế rất nể trọng vì họ thấy người Việt Nam thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó và có tính bền bỉ cao. Anh cũng cho rằng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp với trong nước bằng cách về Việt Nam giảng dạy mang những kiến thức sẵn có trong quá trình học tập, giảng dạy ở nước ngoài, đó là những kiến thức mới nhất để đưa về Việt Nam. Ngoài ra các nhà khoa học đã quen với công tác nghiên cứu nên có thể hợp tác vừa giảng dạy vừa kết hợp nghiên cứu với đội ngũ khoa học Việt Nam có như vậy mới tạo ra lớp sinh viên mới có khả năng theo đuổi các lớp đào tạo ở nước ngoài.

Giáo sư Lê Văn Cường, kiến trúc sư trưởng của hội thảo PET 2006, phó chủ tịch hiệp hội kinh tế công hiện đang làm việc tại trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp; Anh Đặng Hải Anh, nghiên cứu sinh tại Đại học Mỹ, anh Lương Thái Bảo, nghiên cứu sinh tại Pháp thì cho rằng để các nhà khoa học ở nước ngoài có sự đóng góp hiệu quả với đất nước nên có một trang web chung để mọi người cùng liên hệ trao đổi các vấn đề nghiên cứu, ngoài ra việc thành lập một Tạp chí khoa học về kinh tế với nội dung như một tạp chí quốc tế cũng rất cần thiết để mọi người dân đều có cái nhìn tổng quan về nền kinh tế thế giới. Giáo sư Lê Văn Cường cho rằng muốn phát triển đất nước cần phải đầu tư cho giáo dục. Trong tình hình hiện nay việc thành lập một số trường đại học đẳng cấp quốc tế là rất cần thiết để tạo ra một tầng lớp trí thức giỏi có khả năng hội nhập nền kinh tế quốc tế. Hầu hết các đại biểu đều bày tỏ mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong từng lĩnh vực của mỗi người.

Thay mặt lãnh đạo Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình cám ơn các nhà khoa học đã về dự và đóng góp ý kiến quý báu cho đất nước, ông cũng mong rằng con số 300 ngàn trí thức Việt Nam trên khắp thế giới có thể nói nên sức mạnh của người Việt Nam. Ông cho rằng mỗi người Việt Nam ở nước ngoài đều phải chứng tỏ được vai trò đối với địa bàn mình sinh sống, học tập, nghiên cứu và có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp nước sở tại lúc đó mới có điều kiện và mối quan hệ để giúp đất nước. Trong bối cảnh đất nước đang có nhiều đổi mới, rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ của những nhà khoa học giúp đất nước tận dụng được thời cơ, vượt qua thách thức, sớm hội nhập với nền kinh tế quốc tế. Ông mong rằng mỗi nhà khoa học Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài hãy luôn gắn bó hỗ trợ lẫn nhau giúp cho đất nước ngày càng phát triển.

Nguồn: Tạp chí Quê Hương