Sắc Màu Tây Nguyên Trong Tranh Y Nhi Ksor

Y Nhi Ksor người Ê Đê, sinh năm 1960 tại buôn Sek, huyện Yea Haleo. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế năm 1988, anh về làm giảng viên Trường Văn hoá Nghệ thuật (nay là Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật) tỉnh Đác Lắc, sau đó tiếp tục theo học khoá cao học tại Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, trở thành thạc sĩ mỹ thuật người dân tộc thiểu số đầu tiên và duy nhất ở khu vực phía nam và Tây Nguyên.

ynhiksor.bmp

Y Nhi Ksor

Cha của Y Nhi là một nghệ nhân đa tài, giỏi cả âm nhạc, vẽ, điêu khắc. Có lẽ vì thế mà từ khi lên sáu, lên bảy, cậu bé Y Nhi đã bắt đầu dùng que nguệch ngoạc trên đất những hình vẽ đầu tiên bằng trí tưởng tượng ngây thơ, ngộ nghĩnh. Mặc dù chuyên về công tác giảng dạy, nhưng vẽ là niềm say mê lớn lao đối với Y Nhi. Số lượng tác phẩm của anh dẫu khiêm tốn (tất cả khoảng chừng 30 bức tranh), nhưng giải thưởng lại khá nhiều. Sau bức tranh Mùa tra hạt lần đầu tiên giúp anh đoạt giải khuyến khích tại Triển lãm mỹ thuật các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất năm 1993, là liên tiếp các giải thưởng: Giải khuyến khích Triển lãm mỹ thuật khu vực V (nam miền trung và Tây Nguyên) với tác phẩm Rượu mừng (năm 1998), giải C Triển lãm mỹ thuật khu vực V với tác phẩm Mùa tra hạt (năm 2004), Giải A Triển lãm mỹ thuật tỉnh Đác Lắc với tác phẩm Lễ trao vòng (năm 2004)... Đặc biệt, tác phẩm Đi dự hội từng đoạt Giải A Triển lãm mỹ thuật khu vực V(năm 2000), giải khuyến khích của Quỹ Văn hoá Việt Nam- Thuỵ Điển (năm 2001), hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1994, anh trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Y Nhi từng tâm sự: "Tây Nguyên là nơi tôi sinh ra, lớn lên và gắn bó ruột thịt. Vì vậy dẫu còn những nghèo nàn, lạc hậu, nhưng tôi vẫn yêu thương nhất và mãi mãi muốn khám phá, thể hiện trong tác phẩm của mình". tranh_cua_ynhiksor.bmp

Y Nhi chọn chất liệu sơn dầu với các gam màu nóng, chủ đạo là đỏ và đen. Đường nét đơn giản, khoẻ khoắn, khoáng đạt. Từng mảng sáng, tối rành mạch với độ nóng, lạnh đầy ấn tượng, biểu cảm. Anh cho rằng nó phù hợp với mảnh đất và con người Tây Nguyên, cả ở sự khắc nghiệt, dữ dội lẫn sức sống mãnh liệt, dẻo dai. Trong bức Đi dự hội, anh bộc lộ cảm hứng sáng tạo": Tôi cảm nhận được một cách sâu sắc thực tại cuộc sống, sự hoà nhập giữa con người với thiên nhiên. Tất cả gợi lên cảm giác bình yên, tĩnh lặng giữa núi đồi mênh mông trong buổi sáng trong lành. Dường như trên mỗi gương mặt đều sáng lên nỗi khát khao, chờ đón lễ hội đang đến trong niềm vui phấn chấn, hồn nhiên. Trong tranh tôi dùng gam màu đỏ chủ đạo ở phần nền đất, còn màu áo của các nhân vật là màu xanh đen và cuối cùng màu lam tím là phần không gian trời cao rộng mở...".

Song vẫn chưa thực sự hài lòng với những tác phẩm mang lối biểu hiện tự nhiên, bình dị như một hình thức kể chuyện về phong cảnh, cuộc sống, sinh hoạt của dân tộc mình, Y Nhi đang tiếp tục tìm tòi một phương pháp mới thiên về biểu hiện, dùng hình tượng để chuyển tải những ý tưởng sâu sắc, dữ dội hơn.

Bức tranh Sự nổi giận của Nữ thần Mặt trời anh vừa hoàn thành đã bước đầu phá cách ở đường nét, màu sắc và hình ảnh giàu biểu tượng, gửi gắm ý tưởng về sự phản kháng quyết liệt trước những tàn phá của con người đối với môi trường thiên nhiên, văn hoá dân tộc.

Miệt mài với công tác giảng dạy mỹ thuật, niềm hạnh phúc bình dị của Y Nhi Ksor là có không ít thế hệ học trò đỗ đạt, thành danh từ các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài nước. Nhưng với ý thức lớn lao về trách nhiệm phải tiếp tục đào tạo mỹ thuật cho con em người dân tộc thiểu số của quê hương, anh vẫn mang một cảm giác hẫng hụt khi học trò mình hầu hết là người Kinh.

Vì thế, anh luôn tha thiết mong muốn nhà nước có những chính sách động viên, khuyến khích học sinh người dân tộc thiểu số theo học các ngành nghệ thuật. Điều đó đang trở thành một đòi hỏi cấp thiết khi nhìn lại thực tế, những tên tuổi hoạ sĩ Tây Nguyên chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay với con số cực kỳ khiêm tốn: trước Y Nhi có lão hoạ sĩ Xu Man (Siêu Dơn) người Ba Na ở Gia Lai đã cao tuổi (sinh năm 1925); sau anh có hoạ sĩ trẻ Y Kô Niê người Ê Đê ở tuổi 40, nhưng rất ít vẽ. Và chính bản thân anh, mải mốt giảng dạy, cũng không có nhiều thời gian cầm cọ. "Tôi vẫn luôn đam mê và sẽ cố gắng dành thời gian để sáng tác. Vốn sống về quê hương, về đồng bào dân tộc thật nhiều, mình không thể dừng lại được". Người hoạ sĩ của núi rừng Tây Nguyên ấy vẫn âm thầm ủ lửa niềm khát vọng lớn lao của đời mình.

Nguồn: Báo Nhân Dân