Minh Bạch Đã Đem Lại Thành Công

Tại khu nghỉ mát Furama Đà Nẵng, Hội nghị cấp Bộ trưởng đầu tiên trong khuôn khổ APEC 2006 sẽ nhóm họp với sự tham dự của 30 Bộ trưởng Nông Nghiệp và Y tế của 21 nền kinh tế thành viên, đại diện 3 tập đoàn quan sát và ban Thư ký APEC.

Ngoài ra, còn có đại diện của các tổ chức quốc tế như WHO, OIE, FAO và nhiều cơ quan thông tấn quốc tế và Việt Nam. Theo chương trình, hội nghị sẽ xác định những chính sách chung về kiểm soát dịch bệnh của khu vực, xây dựng kế hoạch hành động APEC với sự cam kết của từng nền kinh tế… Trước thềm hội nghị, dư luận chung đã đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu về phòng chống cúm gia cầm của nước chủ nhà Việt Nam. PV Thanh Niên đã ghi nhận những thông tin ban đầu sau đây.

Ngày 17/3/2006, Thủ tướng Phan Văn Khải một lần nữa đã tiếp tục yêu cầu các Bộ, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm nói chung và cúm tip A (H5N1) ở người. Nhưng nét mới trong chỉ đạo là ở chỗ không tổ chức tiêu diệt gia cầm hàng loạt như các năm trước, mà là: “khử trùng triệt để nhằm tiêu diệt mầm bệnh, không để tái phát, tổ chức tiêm phòng vắc-xin trên phạm vi cả nước, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, vận chuyển, đặc biệt ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu qua biên giới; theo dõi chặt chẽ, giám sát dịch tễ cả trước và sau khi tiêm phòng... bảo đảm sức khoẻ cho cả gia cầm và cho cộng đồng…”.

Cũng tại buổi họp báo ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam cần khoảng 400 triệu USD để phòng chống dịch cúm gia cầm, trong đó mong đợi từ sự hỗ trợ của các cộng đồng quốc tế khoảng 50%. Ông Phát khẳng định, sự thành công trong phòng chống dịch cúm gia cầm ở Việt Nam mới là bước đầu và cần phải tiếp tục nỗ lực hơn trong việc phòng chống dịch này.

Ngay sau đó tại Na Sầm, Lạng Sơn gần biên giới Việt-Trung, chỉ thị này đã có hiệu lực mang tính đồng thuận cao và có sự tham dự của cả các tổ chức Chữ thập đỏ, Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hoa Kỳ và tỉnh Quảng Tây ( Trung Quốc). Gần 1.000 hội viên Chữ thập đỏ dã mở màn chiến dịch tuyên truyền đã đến từng gia đình và cả cửa khẩu Tân Thanh phổ biến các cách thức phòng chống, hướng dẫn vệ sinh diệt khuẩn chuồng trại, cảnh báo ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm và trứng không an toàn qua biên giới. Đó là một điển hình trong toàn bộ chiến dịch kéo dài đến giữa năm 2006 trên cả 64 tỉnh thành trên toàn quốc.

Ngày 8/4 vừa qua, Điều phối viên của Liên hợp quốc về dịch cúm gia cầm, ông David Nabarro đã đánh giá cao nỗ lực kiểm soát dịch cúm gia cầm ở Việt Nam. Cùng ngày, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới ở Hà Nội, Hans Troedsson, nói rằng Việt Nam đang thực hiện các phương án tiếp cận trung hạn và dài hạn trong chiến dịch dập tắt căn bệnh nguy hiểm này. Theo ông Troedsson, để có thể ngăn chặn bệnh cúm bùng phát thành một đại dịch, điều quan trọng là phải nâng cao năng lực phòng chống cúm không chỉ ở cấp toàn cầu hoặc cấp quốc gia mà còn cả cấp tỉnh. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng kết hợp nhiều biện pháp phòng chống cúm gia cầm như tiêm chủng đồng loạt cho gia cầm, cách ly khoanh vùng, tiêu hủy hàng chục triệu con gia cầm ở những nơi nhiễm dịch trong 2 năm 2004 và 2005, tuyên truyền giáo dục và cấm mua bán gia cầm sống ở đô thị.

4 tháng không có dịch cụm gia cầm

Theo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, từ ngày 15/12/2005 đến 26/4/2006 toàn quốc không phát sinh thêm ổ dịch gia cầm mới và từ 14/11/2005 đến nay cũng không có trường hợp mắc bệnh cúm A H5N1 ở người. Toàn quốc có 7 tỉnh hoàn thành tiêm phòng đợt I/2006 cho hơn 43 triệu con gia cầm và 25 tỉnh đang triển khai. Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh triển khai tháng chiến dịch vệ sinh môi trường vệ sinh chuồng trại, đưa việc VSMT thành hoạt động thường xuyên tại hộ gia đình và cộng đồng.

Đài Phát thanh Australia cũng ca ngợi thành tích của VN: “Từ tháng 12/2005, Việt Nam đã không xảy ra trường hợp nào về cúm gia cầm”.

Trước đó, trong số báo ra cuối tháng 2, tờ Independent của Anh đã đăng bài ca ngợi thành công của Việt Nam trong việc dập tắt dịch cúm gia cầm xuất hiện lại hồi cuối năm 2005. Bài báo trích dẫn kết luận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Việt Nam không phát hiện thêm trường hợp nhiễm bệnh trên người từ tháng 11/2005 và trên gia cầm từ tháng 12/2005, trong khi dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu lan rộng trên toàn cầu. Với các món ăn có thịt gà đã xuất hiện lại, phóng viên của báo này nói: “Ngành chăn nuôi gia cầm đã thật sự hồi sinh mang lại niềm tin cho những người nông dân Việt Nam”.

Trở lại với nét mới trong nỗ lực phòng chống dịch cúm gia cầm của chính phủ Việt Nam,Tiến sỹ Troedsson, Giám đốc WHO, cho biết sự kết hợp hợp lý giữa việc sử dụng vắcxin phòng bệnh và các biện pháp thông tin tuyên truyền hiệu quả chứng minh khả năng đẩy lùi dịch bệnh và Việt Nam là ví dụ điển hình. Chính phủ Việt Nam đã tiêm vắcxin phòng bệnh cho gần 200 triệu gia cầm và tiêu hủy gần 5 triệu gia cầm. Bên cạnh đó Chính phủ cũng ban hành qui định mọi gia cầm bán trên thị trường phải được kiểm dịch và đóng dấu chứng nhận thực phẩm an toàn. Trong khi đó, trước khi diễn ra hội nghị cấp Bộ trưởng APEC lần này, hôm 28/4, trong một buổi họp báo tổ chức sáng 28/4, tại Hà Nội, ông Laurent Msellati, Điều phối viên của Ban nông nghiệp và Môi trường của Ngân hàng Thế giới, nhận xét thời gian gần đây, người dân Việt Nam có ý thức cao hơn trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Ông Hans Troedsson, đại diện tổ chức Y tế Thế giới nói, thành công bước đầu của Việt Nam trong việc khống chế dịch cúm gia cầm đã thể hiện rõ cam kết quyết tâm phòng chống dịch bệnh này của Việt Nam.

Theo TTXVN, Ông Ger Steenbergen, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ngăn chặn đại dịch cúm gia cầm trong thời gian qua. Bên lề một hội nghị tổng kết dự án hợp tác y tế Việt Nam-Hà Lan vừa qua, ông Steenbergen nói một trong những bài học rút ra từ thành công của Việt Nam trong ngăn chặn cúm gia cầm là sự chân thực, minh bạch, không che giấu vấn đề. Ông Steenbergen nhấn mạnh là để việc ngăn chặn cúm gia cầm thành công thì đây không chỉ là công việc của riêng Chính phủ, Bộ Y tế, ngành thú y, mà của cả các chính trị gia và các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Steenbergen cũng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Quỹ chung phòng chống cúm gia cầm giữa Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Chương trình Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), trong đó Chính phủ Hà Lan đóng góp một triệu euro. "Đây là một ví dụ điển hình về việc các bên có thể phối hợp làm việc cùng nhau", ông nói.

Nguồn: Báo Thanh Niên - Phóng viên Trương Điện Thắng