Doanh Nghiệp Mỹ Kỳ Vọng Rất Nhiều Ở Việt Nam
Kết thúc chuyến thăm 4 ngày tại Hà Nội và TP.HCM của phái đoàn thương mại Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN Matthew Daley đã đưa ra những nhận xét rất tích cực về các buổi làm việc với chính phủ Việt Nam đồng thời bày tỏ hy vọng Việt Nam có thể hoàn tất thủ tục gia nhập WTO trước tháng 11 năm nay. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Daley về kết quả đạt được sau chuyến đi.
- Ông đánh giá ra sao về chuyến làm việc tại Việt Nam lần này?
- Trong chuyến đi này, các doanh nghiệp Mỹ đã đề cập những vấn đề gì với phía Việt Nam?
Mục đích chính chúng tôi là nêu những quan ngại về chính sách trước chính phủ Việt Nam. Chúng tôi không tới đây để hoàn tất thoả thuận. Trong các buổi làm việc, đã có cuộc đối thoại về chính sách trong đó chúng tôi khuyến khích Việt Nam nhanh chóng hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập WTO, đồng thời đề cập tới một số điểm trong chính sách mà theo chúng tôi, Việt Nam có thể thay đổi để tăng cường hơn nữa đầu tư nước ngoài.
Lấy ví dụ, Việt Nam đang rất quan tâm tới khả năng phát hành trái phiếu, tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Nếu các bạn nhìn ra các nền kinh tế trên thế giới, một trong những biện pháp thiết thực nhất để thực hiện điều này là thông qua việc đầu tư tiền bảo hiểm
Ở Mỹ, một nơi nắm giữ nhiều trái phiếu của nước Mỹ nhất chính là công ty bảo hiểm. Họ thu phí bảo hiểm và tái đầu tư bằng số tiền đó. Và thứ mà chúng tôi tìm kiếm chính là những nguồn đầu tư dài hạn, đáng tin cậy giúp họ bù đắp lại những khoản nợ có thể vướng phải. Tiến trình tương tự cũng sẽ diễn ra tại Việt Nam.
Tóm lại, chúng tôi đã đề cập tới tất cả những lĩnh vực mà chúng tôi nghĩ rằng có thể thay đổi chính sách ở đó... Sự thay đổi mang tính điều tiết như vậy sẽ giúp các bạn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giúp các doanh nghiệp thành công.
TP.HCM có thể là vùng kinh tế tiên phong "theo chuẩn WTO"
- Vừa qua, các ông đã có chuyến thăm và làm việc tại TP.HCM. Xin ông nêu một vài đánh giá riêng về môi trường kinh doanh nơi đây?
- Một điều tôi thấy từ chuyến làm việc tại TP.HCM là: đây là một nơi phát triển kinh tế năng động, với nhiều hoạt động kinh tế đa dạng. Và tôi cho rằng sẽ còn nhiều hoạt động kinh tế diễn ra ở nơi này, thậm chí lớn hơn cả quy mô dân số. Song một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là phải đảm bảo rằng các vùng miền khác trong nước đều sẽ được hưởng lợi từ quá trình gia nhập thị trường kinh tế thế giới. TP.HCM chính là nơi chính phủ có thể áp dụng những sáng kiến phát triển kinh tế phù hợp với nguyên tắc của WTO, rồi chờ xem sự phát triển ấy sẽ lan rộng ra cả nước
Lấy ví dụ, chính phủ có thể quyết định nơi xây dựng cảng biển mới. Đây là một trong những biện pháp mà chính phủ có thể sử dụng để tạo động lực cho các công ty tư nhân chuyển tới những vùng đó. Gần như tất cả các công ty tư nhân đều cần một hình thức tiếp cận thiết thực nào đó với thế giới bên ngoài, có thể thông qua cảng biển, cũng có thể nhờ một sân bay.
Một công ty tư nhân thường ít khi nói: Các ông có thể đặt cảng biển mới, hay sân bay mới ở bất kì thành phố nào. Họ sẽ đến nếu như "bàn ăn" đã được bày. Nhưng chính phủ phải là người quyết định những gì họ muốn và cách điều phối. Chính phủ phải là người quyết định nơi nào nên trở thành vùng tiên phong, để từ đó áp dụng ra các khu vực khác.
- Theo quan sát của ông, trong chuyến thăm TP.HCM các doanh nghiệp Mỹ đã có ý tưởng khái quát nào về hình thức kinh doanh tại đây chưa? Ví dụ, giữa hai hình thức đầu tư 100% vốn và thành lập liên doanh với một công ty trong nước, liệu họ sẽ chọn loại nào?
- Về điểm này, cách tiếp cận của các công ty Mỹ khác nhau. Lấy ví dụ trong dịch vụ chuyển phát nhanh. Họ có những ràng buộc nhất định, những trách nhiệm với khách hàng. Họ phải cam kết làm theo hợp đồng để bảo đảm hàng hoá, bưu kiện đến đúng giờ. Chính vì những nghĩa vụ đó, ngành này ưu tiên hơn cho loại hình 100% vốn đầu tư nước ngoài. Họ không muốn hình thức liên doanh. Còn nếu có sự bắt buộc họ phải chọn hình thức liên doanh, có thể những công ty này sẽ quyết định không đầu tư.
Tóm lại, vấn đề cần phải được thảo luận trên cơ sở giữa các công ty với nhau.
GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 10 năm!
- Cách đây khoảng 6-7 năm, bằng những chiến dịch lobby rầm rộ, các doanh nghiệp Mỹ đã đóng góp phần đáng kể trong việc thuyết phục Chính phủ và Quốc hội Mỹ giành Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Trung Quốc - một bước quan trọng để Trung Quốc gia nhập WTO. Theo đánh giá của ông, liệu doanh nghiệp Mỹ có những nỗ lực tương tự để giúp Việt Nam không?
- Nếu như những điều khoản trong thoả thuận với Việt Nam khả dĩ, tôi chắc rằng các tập đoàn Mỹ sẽ ủng hộ.
- Theo quan điểm của ông, cụ thể Việt Nam cần làm gì để các doanh nghiệp Mỹ dành sự chú ý cho Việt Nam?
Thành thật mà nói, tôi không muốn đảm nhiệm vai trò thương lượng thoả thuận bằng cách đề cập tới những vấn đề cụ thể như: cần làm gì đối với thuế quan, cần làm gì với quyền sở hữu nước ngoài trong các khối kinh tế. Đó là trách nhiệm của các nhà thương thuyết.
Quan điểm chung của chúng tôi là hết sức ủng hộ tự do hoá thương mại và đầu tư. Các bạn có thể tin rằng nếu phải chọn giữa hạn chế và mở rộng, chúng tôi sẽ chọn mở rộng. Nhưng nếu nói về các lĩnh vực cụ thể, con số cụ thể thì có lẽ tôi không tiện nói ở đây.
- Nếu như Việt Nam có thể gia nhập WTO trong năm nay, liệu các tập đoàn Mỹ có kế hoạch gì để bước chân vào thị trường này?
Chúng tôi là một hiệp hội gồm hơn 130 doanh nghiệp Mỹ. Hiện tại rất nhiều công ty đang làm việc chặt chẽ để mở rộng hoạt động tại Việt Nam, hoặc bằng cách đầu tư trực tiếp, hoặc liên doanh với các công ty đối tác tại Việt Nam. Và mỗi công ty Mỹ lại có cách tiếp cận khác nhau. Song thành thật mà nói, có rất nhiều mối quan tâm và chúng ta hãy chờ xem họ làm thế nào.
- Ông có dự đoán gì về tương lai của Việt Nam sau khi gia nhập WTO?
- Một khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, các bạn sẽ được chứng kiến những dòng đầu tư mới khổng lồ trị giá tới hàng tỉ USD. Các bạn sẽ chứng kiến một lượng đầu tư khổng lồ. Cùng với nó là sự gia tăng đột biến về việc làm, các hoạt động kinh tế sẽ mở rộng. Rồi các bạn sẽ chứng kiến sự gia tăng nguồn thu nhập, GDP bình quân đầu người. Và hy vọng, trong vòng chưa đầy một thập niên nữa, GDP của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi mức hiện nay.
Doanh nghiệp Mỹ cần môi trường kinh doanh ổn định
- Như ông đã biết tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có chuyến thăm tốt đẹp tới Mỹ. Phải chăng kết quả của chuyến đi ấy là một động lực cho chuyến thăm và làm việc của đoàn doanh nghiệp Mỹ lần này?
- Thủ tướng Phan Văn Khải đã có một chuyến đi rất thành công tới Mỹ. Và tôi cho rằng thành công của chuyến đi ấy phần lớn là giải quyết những tồn tại của lịch sử giữa hai nước. Chuyến đi đã tạo ra một cơ sở tốt đẹp cho mối quan hệ chính trị giữa hai nước.
Bản thân cách doanh nghiệp vẫn sẵn sàng đầu tư, kể cả trong một môi trường chính trị không mấy tốt đẹp. Song điều họ cần là sự minh bạch và dễ phán đoán. Họ cần phải hiệu quy tắc là gì. Doanh nhân Mỹ không thích kinh doanh trong một môi trường có nhiều tham nhũng. Họ cần được đảm bảo rằng những quy tắc được áp dụng ngày hôm nay sẽ không thay đổi trong vòng 2-3 năm sau để họ không bị rơi vào thế bất lợi. Bởi lẽ rất nhiều khoản đầu tư cần tới vài năm mới sinh lợi, cần vài năm trước khi có thể thu hồi khoản đã bỏ ra.
Đó là lý do các doanh nghiệp Mỹ cần phải nghĩ tới tương lai xa hơn. Họ cần có niềm tin rằng những quy tắc được áp dụng khi họ bắt đầu bỏ tiền vào đây sẽ vẫn luôn ổn định, và sẽ không bị đảo ngược gây ra những tổn thất cho công ty họ.
Tóm lại, quan hệ chính trị rộng mở là quan trọng, song chỉ như vậy thì chưa đủ. Để thu hút đầu tư nước ngoài, cần phải có một môi trường đầu tư tốt bên cạnh một mối quan hệ chính trị tốt. Và đó là những gì đang được thoả luận tại các cuộc đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO.
- Vậy sau những buổi làm việc với các bộ ngành Việt Nam, những mối quan ngại của doanh nghiệp Mỹ có được giải quyết phần nào không thưa ông?
Trong nhiều trường hợp thì chưa. Tôi xin giải thích rõ hơn. Một điểm mà tôi đã nói đó là chúng tôi không phải là nhà đàm phán thương mại. Song rất nhiều câu hỏi mà chúng tôi nêu ra liên quan đến các cuộc đàm phán. Nếu chính phủ Việt Nam tiến một bước gần hơn với phía Mỹ, họ sẽ phải cân nhắc thêm một số lĩnh vực, ý tôi là trong một cuộc đàm phán phức tạp thì cần phải cân nhắc rất nhiều. Và họ có thể sẽ duy trì lập trường tới khi các cuộc đàm phán kết thúc. Đến lúc đó, có thể sẽ có một số điều chỉnh trong lập trường.
Do vậy, chúng tôi không hy vọng sẽ nghe những câu như: "Vâng, chúng tôi đồng ý rằng chính sách về quyền sở hữu nước ngoài hay quy tắc về nhập khẩu ô tô sẽ thay đổi....". Điều chúng tôi thực sự hy vọng và điều mà chúng tôi đã được đảm bảo là những ý kiến của chúng tôi đưa ra sẽ được cân nhắc. Chúng tôi đã có cơ hội đối thoại để thảo luận các ý kiến. Và chúng tôi coi đó là thành công.
Một lần nữa, tôi muốn nói, đây không phải là chuyến đi hoàn tất thoả thuận, và cũng không phải là chuyến đi thương lượng về việc gia nhập WTO. Tại thời điểm này, tất cả những gì chúng tôi muốn là điều quan ngại của chúng tôi được chính phủ Việt Nam tích cực xem xét.
- Xin cảm ơn ông
Nguồn: Vietnam Net
Tân Huyền - (thực hiện)