Intel Đầu Tư 300 Triệu USD Xây Nhà Máy Sản xuất Vi mạch Điện tử Tại Việt Nam
Ngày 28-2, tại TP Hồ Chí Minh, Intel - tập đoàn sản xuất chíp máy tính số một thế giới - đã chính thức làm lễ đón nhận giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và hoàn thiện chip bán dẫn (ATM) tại khu công nghệ cao (KCNC) TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại lễ trao giấy phép đầu tư, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Quyết định đầu tư của Intel vào KCNC TP Hồ Chí Minh là một quyết định đúng đắn, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn thể hiện kết quả tốt đẹp của tiến trình thực hiện Hiệp định thương mại Việt-Mỹ”.
Theo công bố của Intel, tổng vốn đầu tư cho dự án nhà máy tại KCNC TP Hồ Chí Minh sẽ lên đến 605 triệu USD. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, Intel sẽ đầu tư 300 triệu USD để xây dựng nhà máy ATM. Và nhà máy này sẽ được tiến hành xây dựng ngay sau khi dự án được công bố trên diện tích 22 ha (tổng diện tích 46,7 ha) và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào nửa cuối của năm 2007. Đây là nhà máy mới nhất của Intel trên toàn cầu về chip bán dẫn. Nhà máy này sẽ góp phần hỗ trợ cho các hoạt động của Intel đang tiến hành tại khu vực ĐNÁ.
Vì sao Intel chọn Việt Nam? "Chúng tôi lựa chọn địa điểm này trong số 150 quốc gia khảo sát. Chúng tôi có một nhóm chuyên tìm hiểu điều kiện, cơ hội đầu tư trên khắp thế giới. Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi chọn Việt Nam vì ở đây hội đủ tất cả những yếu tố thuận lợi cho việc đầu tư của chúng tôi. Đó là nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, sự cam kết và sẵn sàng hỗ trợ của chính quyền tại đây. Chúng tôi xem xét tất cả các điều kiện và kết quả là rất tích cực...". (Chủ tịch Intel, ông Craig Barrett)
Nhà máy mới này cũng là một phần trong kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất toàn thế giới của Intel. Từ nay đến cuối năm 2006, tập đoàn này có kế hoạch đầu tư hơn 6 tỷ USD trên toàn cầu. Khi hoàn tất việc xây dựng, nhà máy tại Việt Nam sẽ là nhà máy lắp ráp chip thứ 7 trong mạng lưới các nhà máy của Intel trên toàn cầu và dự kiến sẽ tuyển dụng khoảng 1.200 nhân viên.
Theo ông Craig Barrett, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intel, lý do Intel quyết định đầu tư vào Việt Nam, thay vì chỉ mở rộng thêm hoạt động của các nhà máy hiện có của mình là do Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, chính trị ổn định. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nền tảng giáo dục tốt, lực lượng lao động năng động, chi phí sản xuất thấp và quan trọng nhất đó là Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của ngành CNTT.
Về phần mình, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cũng nhấn mạnh rằng chính quyền TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo Ban quản lý KCNC cũng như các ban ngành của TP tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi đáp ứng những thỏa thuận giữa hai bên để dự án đầu tư vào KCNC của Intel sớm triển khai đúng tiến độ, đi vào hoạt động và đạt được mục tiêu đã đề ra.
Theo nhận định của các doanh nghiệp ngành CNTT, sự kiện Intel đầu tư vào KCNC TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng. Ông Hoàng Minh Châu, Giám đốc FPT TP Hồ Chí Minh, bình luận: “Việc có một nhà máy lớn của công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới đã tạo cho Việt Nam một hình ảnh, thương hiệu tốt trên thị trường thế giới. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, muốn ngành công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển mạnh mẽ thì cần thiết phải có sự tham gia của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Intel. Và nếu như không có những công ty này làm xương sống, trụ cột, làm động lực thì sự phát triển của chúng ta sẽ rất chậm”.
Theo các chuyên gia thì sự đầu tư của Intel vào Việt Nam sẽ lôi kéo các công ty vệ tinh khác, những nhà thầu phụ có hợp tác sản xuất với Intel vào Việt Nam, hình thành hệ thống các ngành công nghiệp hỗ trợ, các loại hình dịch vụ cao cấp phục vụ. Ông Kunihiko Nishihara - TGĐ Tập đoàn Nidec Tosok - một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào thị trường Việt Nam - cho biết công ty sẽ theo dõi dự án của Intel thật sít sao để bảo đảm kịp thời cung cấp các dịch vụ liên quan. Công ty này cũng đang gián tiếp cung cấp một số sản phẩm cho Intel qua những nhà thầu phụ của Intel.
Tuy nhiên, theo ông Thân Trọng Phúc - TGĐ Intel Việt Nam, không phải khi Intel đầu tư vào một nước nào thì tất yếu sẽ kéo theo các công ty vệ tinh khác. Điều này phụ thuộc nhiều vào sự thu hút đầu tư của Chính phủ nước đó. Cụ thể, tại Việt Nam, nếu Chính phủ Việt Nam thực hiện lời cam kết đối với Intel, dùng Intel như là tấm gương thu hút các nhà đầu tư khác thì hy vọng Việt Nam sẽ có thể lôi kéo thêm nhiều công ty đa quốc gia khác.
Vì sao Intel chọn Việt Nam?
Hiếm có dự án đầu tư nước ngoài nào ở Việt Nam được dư luận đón chờ như dự án của Intel. Không chỉ báo giới Việt Nam quan tâm, những ngày này, chỉ cần gõ vào các trang tìm kiếm Yahoo hay Google, hàng "núi" thông tin về dự án của Intel ở Việt Nam lập tức đổ về. AFP (Pháp), BBC (Anh), AP, ABC (Mỹ), Nikkei (Nhật), Bloomberg (Đức) và nhiều hãng thông tấn khác trong khu vực châu Á đều đưa tin về sự kiện này. Buổi lễ công bố ngày 28-2 cũng thu hút hàng chục nhà báo từ các hãng thông tấn lớn trên thế giới như Reuters, Times, AP, AFP, Bloomberg...
Vì sao Intel chọn Việt Nam? Trả lời câu hỏi này trong buổi họp báo, Chủ tịch Intel, ông Craig Barrett cho biết: "Chúng tôi lựa chọn địa điểm này trong số 150 quốc gia khảo sát. Chúng tôi có một nhóm chuyên tìm hiểu điều kiện, cơ hội đầu tư trên khắp thế giới. Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi chọn Việt Nam vì ở đây hội đủ tất cả những yếu tố thuận lợi cho việc đầu tư của chúng tôi. Đó là nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, sự cam kết và sẵn sàng hỗ trợ của chính quyền tại đây. Chúng tôi xem xét tất cả các điều kiện và kết quả là rất tích cực...".
Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn (ATM) là khâu rất quan trọng trong quá trình sản xuất của Intel. Đây là khâu cuối cùng trước khi sản phẩm của Intel đến với người tiêu dùng và cần đến công nghệ cao. Intel hiện có những nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Costa Rica và nay là Việt Nam.
Các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài cũng đánh giá, việc mời được Intel vào đầu tư là thành công lớn của Việt Nam trong việc cải thiện cách nhìn của thế giới về môi trường kinh doanh tại đây.
Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam