Hoa Kỳ - Nhà Đầu Tư Nước Ngoài Lớn Nhất Tại Việt Nam
Sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực tháng 12.2001, quan hệ thương mại giữa hai nước đã tăng ngoạn mục. Hoa Kỳ hiện đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thì trước đây Hoa Kỳ chưa từng lọt vào danh sách 10 nhà đầu tư trực tiếp vào Việt Nam lớn nhất. Tuy nhiên, theo báo cáo về tác động của BTA đối với đầu tư trực tiếp Hoa Kỳ vào Việt Nam do Bộ KH-ĐT và Dự án Star-Việt Nam (*) thực hiện vừa công bố ngày 20.2, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Nếu tính cả việc đầu tư qua một nước thứ 3 thì vốn thực hiện của đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cao hơn gấp 3,5 lần so với cách tính hiện nay của ta. Điều đó cho thấy tác động của BTA là rất thực tế". Theo Bộ KH-ĐT, tính đến hết năm 2004, Hoa Kỳ xếp thứ 11 trong tổng số 75 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; với 215 dự án, 1,3 tỉ USD vốn đăng ký. Tuy nhiên, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu tác động của BTA đối với đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam thực hiện trong năm 2005, công bố vào ngày 20.2, tổng vốn thực hiện đầu tư trực tiếp Hoa Kỳ vào Việt Nam, kể cả đầu tư qua nước thứ ba giai đoạn 1998-2004 là 2,6 tỉ USD, cao hơn nhiều so với con số thống kê của Bộ KH-ĐT là 730 triệu USD. Cũng theo nghiên cứu này thì Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam năm 2004 với số vốn thực hiện là 531 triệu USD, chứ không phải là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore.
Các chuyên gia cho rằng đánh giá đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam mà không tính đến khoản đầu tư qua nước thứ 3 là chưa đầy đủ. Ông Steve Parker - Giám đốc dự án Star - Việt Nam nhận xét: "Các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam chủ yếu thông qua các công ty con của họ đặt tại Singapore hoặc Hồng kông vì một số lý do. Trong đó, lý do quan trọng là luật thuế Hoa Kỳ khuyến khích các công ty Hoa Kỳ đầu tư từ các công ty con ở nước ngoài. Hơn nữa, việc quản lý và điều hành thông qua một chi nhánh khu vực sẽ thuận lợi hơn...". Những thương hiệu quen thuộc của Mỹ như Coca Cola hay Procter & Gamble lại đầu tư từ Singapore, hay Exxonmobil lại đầu tư từ Hồng kông... Thống kê cho thấy, lượng vốn đầu tư của các công ty Hoa Kỳ theo diện này cao hơn nhiều so với đầu tư trực tiếp từ chính quốc.
Theo cách tính này, từ năm 1988 đến năm 2004, tổng vốn đăng ký ban đầu của các công ty Hoa Kỳ vào Việt Nam là 2,6 tỉ USD, gấp đôi so với cách tính không kể đến đầu tư qua nước thứ 3. Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh từ năm 2001 đến 2004, vốn đầu tư thực hiện của các công ty Hoa Kỳ, kể cả qua nước thứ 3, tăng bình quân 27%/năm. Riêng trong 2 năm 2003 và 2004, lượng vốn này đã tăng gấp 2 lần những năm trước. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy năm 2003, đầu tư của Hoa Kỳ, kể cả qua nước thứ 3, vọt lên đứng thứ 2 sau Nhật Bản và đến năm 2004 vọt lên đứng đầu bảng xếp hạng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Đây là đánh giá đầu tiên về tác động của BTA đối với đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam và cho chúng ta một cách nhìn khác hơn về đầu tư của nước này. Nhưng có thể nói đây chỉ là giai đoạn đầu của đầu tư từ Hoa Kỳ vào nước ta. Tôi tin rằng đầu tư trực tiếp từ quốc gia này vào Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn ở giai đoạn sau, khi mà những cam kết mở cửa thị trường theo lộ trình BTA đi vào thực tế. Chẳng hạn, lĩnh vực dịch vụ chúng ta sẽ mở theo đúng lộ trình. Dự đoán, đầu tư của Hoa Kỳ cũng sẽ tăng mạnh vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin trong giai đoạn tới".
Vốn đầu tư thực hiện của Hoa Kỳ giai đoạn 2000 - 2004:
Năm 2000: 196 triệu USD; 2001: 258 triệu USD; 2002: 169 triệu USD; 2003: 449 triệu USD; 2004: 531 triệu USD.
Nguồn: Báo Thanh Niên - 20/2/2006
(*) Thuộc chương trình phát triển kinh tế của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ giúp Việt Nam thực hiện BTA và gia nhập WTO