Nhật ký Thùy Trâm và trường hợp của thượng sĩ Hiếu

Thanh Niên điện tử, 00:27:37, 28/08/2005

Cuốn hồi ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm - hy sinh ở chiến trường Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi do Frederic Whitehurst giữ gìn sau 30 năm cuộc chiến Việt Nam kết thúc và đã trao lại cho gia đình bác sĩ Thùy Trâm. Khi tìm ra được gia đình Trâm, Frederic Whitehurst (tên thường gọi là Fred, một cựu sĩ quan quân báo Mỹ) đã bật khóc. Bật khóc vì khó có một nơi nào trên trái đất này, một người nữ bác sĩ 26 tuổi phải chịu đựng những nỗi đau thương, phân ly và mất mát lớn như Thùy Trâm.

Suốt cuộc chiến tranh đó ở Việt Nam, có hàng triệu con người dũng cảm và chịu đựng như Thùy Trâm trong nhà tù và trên các vùng oanh kích tự do. Khi nhận được cuốn nhật ký của con gái mình, bà mẹ của Trâm đã không đủ can đảm để đọc lại lần thứ hai. Tin về ông Fred trao cuốn nhật ký cho gia đình Thùy Trâm thì báo Thanh Niên đã đăng rất sớm trên số báo ngày 4/5/2005, nhưng phải cảm ơn đồng nghiệp Tuổi Trẻ và nhà báo Đặng Vương Hưng đã rất có công phổ biến nó, làm cho nhân vật Thùy Trâm sống lại trong sự ngưỡng mộ, thương yêu, trân trọng của mọi người và trao thêm cho giới trẻ hiện tại một lẽ sống mới, cao thượng và biết sống cho người khác và cho Tổ quốc.

Từ cuốn nhật ký của Thùy Trâm, tôi muốn nhắc tới một nhân vật khác ở phía đối phương: thượng sĩ thông dịch viên tiếng Anh Nguyễn Trung Hiếu, thông dịch cho đơn vị tình báo quân sự số 635 của quân đội Mỹ. Tôi nghĩ rằng Hiếu đã cản Fred không cho đốt cuốn nhật ký của Thùy Trâm với lý do là: "Trong cuốn nhật ký đó đã có nhiều lửa rồi, không phải dùng lửa để đốt". Tôi hiểu khi đọc cuốn nhật ký của nữ bác sĩ "Việt cộng" Thùy Trâm, Hiếu đã dậy lên trong lòng một sự cảm phục, kính trọng đối với cô gái đó, đối với những người trong trạm xá huyện Đức Phổ, đối với những du kích và cán bộ chiến đấu chống lại quân đội Mỹ mà anh là một người Việt Nam phục vụ trong quân đội ấy. Cái chính nghĩa, tinh thần dân tộc và lẽ sống dân tộc, lúc đó đã bừng lên và thôi thúc trong tâm hồn người thượng sĩ phiên dịch có tên là Hiếu, nên anh đã góp phần lưu giữ cuốn nhật ký cho đến ngày hôm nay để chúng ta cùng đọc những dòng chân thật của một người con gái Hà Nội, chiến đấu ở Đức Phổ, có tên là Thùy Trâm.

Tôi nghĩ có thể Hiếu đã chết ở một nơi nào trên chiến trường hoặc có thể Hiếu đã ra nước ngoài. Nhưng ta rất biết ơn những người như Hiếu. Anh buộc phải tham gia, đứng về phía đối phương trong cuộc chiến tranh, nhưng tinh thần yêu nước và tấm lòng dành sự cảm phục cho những người yêu nước như Trâm là cái phần "hồn dân tộc" mạnh mẽ nhất trong mỗi con người Việt Nam.

Nêu ra những con người như vậy, để chúng ta thấy rằng trên con đường đi đến sự giàu mạnh, văn minh dân chủ và hạnh phúc cho đất nước, cho nhân dân ngày hôm nay, có biết bao người như Hiếu dù họ thuộc bất cứ thành phần và giai cấp nào ở khắp mọi nơi trên đất nước và cả những người xa xứ đang ở khắp Bắc Mỹ và các châu lục đang muốn tìm về cội nguồn dân tộc, để cùng góp sức, góp tài với cả khát vọng và tấm lòng của con dân Việt để cùng đưa đất nước đến bến bờ của vinh quang và thịnh vượng.

Nguyễn Công Khế
Tổng Biên tập