Phát hành 500-700 triệu đô la trái phiếu chính phủ
Cuối năm 2005, trình QH Luật Hối phiếu
Theo đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, hiện các chuyên gia ngành luật, tài chính, ngân hàng, tư pháp đang đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật hối phiếu để trình Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 8 vào cuối năm nay. Theo dự thảo Luật hối phiếu, hối phiếu là một loại giấy tờ có giá, một công cụ thanh toán, dùng để nhận nợ, thanh toán, đòi nợ…; trong những giao dịch hàng hoá, cho tặng tài sản, có thể sử dụng hối phiếu thay cho tiền mặt. Dự thảo còn quy định về nguyên tắc phát hành, chuyển nhượng, chiết khấu hối phiếu, quyền hạn của người thụ hưởng hối phiếu. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Luật hối phiếu và luật có hiệu lực thi hành từ 01/6/2006 (TBKTVN 26/8).
110 triệu USD ngân sách đào tạo Sau đại học
Đây là tổng kinh phí dành cho giai đoạn 2 của Đề án đào tạo sau đại học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước bắt đầu từ năm 2006-2014. Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Trần Văn Nhung cho biết, năm 2005, đã có hơn 400 thí sinh tham dự thi tuyển đào tạo sau đại học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước tại 18 hội đồng thi tuyển sinh trong cả nước, có 213 thí sinh đã được chọn. Trong đó có 100 người được cử đi đào tạo bậc tiến sĩ, 90 người đi học thạc sĩ và 23 người đi thực tập sinh khoa học. Đây là năm thứ sáu Bộ GD-ĐT triển khai đề án này và là năm cuối cùng của giai đoạn 1 (TBKTVN 26/8).
Chuẩn bị phát hành Trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ bản Đề án phát hành Trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế sau vài năm dự định. Bản đề án bao gồm những bước đi cụ thể cho trái phiếu quốc tế do Chính phủ Việt Nam phát hành trên một vài thị trường vốn lớn thế giới. Dự kiến, một phần số vốn sau khi huy động được sẽ đầu tư cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin). Theo Bộ Tài chính, đề án phát hành trái phiếu quốc tế dự kiến trước mắt sẽ huy động khoảng 500 triệu USD đến 700 triệu USD.
Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4404 yêu cầu các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học công nghệ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước thẩm định bằng văn bản Đề án phát hành Trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế của Bộ Tài chính. Hiện các bộ đang hoàn tất những ý kiến về phương án phát hành trái phiếu quốc tế và phương án sử dụng số vốn này của Vinashin.
Ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc Vinashin cho hay, doanh nghiệp này đã có kế hoạch phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu trong quý III năm 2005, sau khi 300 tỷ đồng trái phiếu đầu năm đã bán hết. Vinashin đã đề nghị được phát hành trái phiếu quốc tế bởi họ nhận được nhiều đơn đặt hàng của các hãng tàu trên thế giới do đóng tàu hiện vẫn đang là ngành thâm dụng lao động mà Việt Nam lại có lợi thế về nhân công giá rẻ. Từ nay đến cuối năm, Tổng công ty này sẽ cổ phần hoá thêm 21 đơn vị. Ngoài Vinashin, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã gần 2 năm nay đang rất muốn triển khai phát hành trái phiếu quốc tế.
Hiện nay được xem là thời điểm thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu chính phủ ra nước ngoài do định mức tín nhiệm của Việt Nam đang được nâng cao. Giữa tháng 7/2005, sau khi tổ chức Moody’s nâng định mức tín nhiệm của Việt Nam lên thêm một bậc, giá giao dịch trái phiếu Brady của Việt Nam đã tăng bốn điểm từ 78 lên 82 - giá giao dịch cao nhất được ghi nhận của trái phiếu này từ trước đến nay trên thị trường tài chính quốc tế (nợ nước ngoài của Việt Nam được chuyển thành trái phiếu Brady’s bond năm 1998; đây hiện là trái phiếu duy nhất của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.).
Bản "Định hướng quản lý nợ nước ngoài đến năm 2010 của Việt Nam" xác định, Việt Nam đang chuẩn bị các bước đi cuối cùng để tiến hành phát hành trái phiếu quốc tế với một số loại ngoại tệ mạnh trên thế giới. Đồng thời, Chính phủ sẽ tạo cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính, các tập đoàn kinh tế, chính quyền các địa phương phát hành chứng khoán vay nợ quốc tế bằng các ngoại tệ mạnh, trong đó thị trường tài chính châu Âu và Mỹ sẽ là tâm điểm của các công cụ vay nợ này (TBKTVN, Thời báo kinh tế Sài Gòn 26/8).