Những đứa trẻ "babylift" trở về đất mẹ
Buổi lễ đón 21 bạn trẻ người Mỹ, gốc Việt trở về quê cha đất tổ diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 15/6 đầy nước mắt và nụ cười. Cách đây 30 năm, khi đất nước chuẩn bị thống nhất thì họ, những đứa bé chưa tròn tuổi phải ra đi theo một chương trình mang tên "Babylift"...
Bà Lê Thị Bạch Thúy, từng làm việc cho Tổ chức Friends of Children Việt Nam thời đó tại Sài Gòn kể: "Lúc đó là chiến tranh mà. Chúng tôi thấy lo sợ cho những đứa bé mồ côi này nên khi đại diện của Hãng hàng không World Airway đề nghị chở các bé đi Mỹ, chúng tôi đã đồng ý ngay. Hôm đó là ngày 2/4/1975, chúng tôi chỉ gom được 57 trẻ, đi vội vã đến mức nhiều bé vẫn còn đang mặc tã hoặc đồ ngủ".
Hầu hết các bạn trẻ đều tỏ ra xúc động khi được trở lại quê mẹ dù lúc ra đi còn chưa thể nói tiếng bập bẹ. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chung một cảm xúc vui đến trào nước mắt và khao khát tìm được người thân của mình. Như bạn Dương Thị Mỹ Chi (hay Tiffany Goodson), lúc rời Việt Nam mới chỉ ba tháng rưỡi, nhưng giờ đây vẫn cảm thấy nao nao như người đi xa trở về nhà. Chi biết tên người mẹ sinh ra mình, bố mẹ nuôi của cô cũng đã từng tìm kiếm giúp nhưng vẫn chưa có kết quả. Sang năm cô sẽ quay lại Việt Nam tìm mẹ. Oxelson có tên Việt Nam là Trần Văn Cảnh không có thông tin gì nhiều về người thân tại Việt Nam. Dù vậy, Cảnh vẫn nói: "Tôi vẫn nghĩ là mẹ tôi còn sống. Tháng 7 này tôi sẽ lại về Việt Nam ở dài ngày hơn và tôi sẽ đi Đà Nẵng, nơi tôi sinh ra và tôi sẽ tìm mẹ...".
Với Richard Silver, ký ức lờ mờ khi mới 2 tuổi rưỡi là anh đã bị bỏ rơi ở Sa Đéc rồi được "nhặt" về một trung tâm trẻ mồ côi ở Cần Thơ. Richard Silver nói: "Đôi khi trong giấc mơ tôi thấy mình cứ chạy miết, chạy miết như sợ hãi, trốn tránh điều gì đó. Tôi không biết đó có phải là ký ức chiến tranh mà tôi chịu đựng hay không. Khi ấy tôi còn nhỏ lắm". Anh Nguyễn Bá Thạnh (Jeff Gahr) có vẻ may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác thời ấy vì lúc ra đi anh đã 12 tuổi. Thạnh vẫn còn nhớ hình ảnh bờ tre, cánh đồng lúa ở gần Quy Nhơn, nơi anh sinh ra, trước khi được đưa vào một trung tâm mồ côi ở Sài Gòn. Bây giờ anh đã có vợ và được 2 con, cuộc sống ổn định. Nhưng trong tâm tưởng của mình Thạnh vẫn canh cánh nỗi nhớ về đất Việt. "Tôi không thể nào quên được nơi mình sinh ra dù được cha mẹ nuôi người Mỹ cho mình một cuộc sống sung túc. Nhưng họ hầu như không biết gì về Việt Nam. Lớn lên tôi quyết tâm học tiếng Việt để tìm hiểu về đất mẹ. Trong gia đình, tôi và vợ tôi vẫn dạy con mình nói tiếng Việt, học cách xưng hô, kính trọng người lớn theo phong cách người Việt của mình mà người Mỹ ở đây không có. Tôi nghĩ đó là cách để giữ gìn gốc gác của mình...".
Trong bài phát biểu đầy xúc động, Randy Martinz - Tổng giám đốc Hãng World Airway - đơn vị đứng ra tổ chức chuyến đi này - nói: "Tôi biết chắc là họ không thể quên quê cha đất tổ của mình. Chúng tôi thực hiện chuyến bay đặc biệt này để góp phần giúp họ hiểu được, cảm nhận được một đất nước Việt Nam đang ngày càng phát triển". Bà Cheryl Livingston Markson - Giám đốc Tổ chức Friends of Children of variuos Nations cũng xúc động không kém: "Thật là vui khi thấy những gương mặt rạng rỡ của những đứa con mình nuôi nấng. Từ năm 1967 đến 1975 chúng tôi nuôi gần 2.000 trẻ em mồ côi Việt Nam. Bây giờ tất cả đã lớn khôn và thành tài. Một nửa trong số đó vẫn mong mỏi tìm lại người thân ở Việt Nam". Bà Cheryl tỏ ra rất vui khi biết chúng tôi sẵn sàng giúp bà thông tin địa chỉ e-mail của tổ chức này để những người thân của những đứa trẻ mồ côi này ở Việt Nam có thể tìm kiếm con mình: fcvnadoption@aol.com.
Thanh Niên, 16/6/2005