Ở hai xứ đạo Bùi Chu - Phát Diệm: Lương - Giáo nay đã hòa làm một
Thanh Niên, 13/4/2005
Là những xứ đạo Công giáo nổi tiếng của cả nước, Phát Diệm (Ninh Bình) và Bùi Chu (Nam Định) hôm nay đang cho thấy một bức tranh đời sống kinh tế -xã hội ngày càng khởi sắc. Ông Đỗ Hùng Sơn - Trưởng ban Dân vận huyện Kim Sơn (Ninh Bình) nói với chúng tôi: "Đất Kim Sơn bây giờ đắt không kém gì đất thành phố vì rất nhiều bà con ra đi trước năm 1954 nay đang trở về mua đất và có ý định định cư lâu dài tại đây".
Tiếp chúng tôi trong một căn nhà khang trang vào bậc nhất ở huyện Hải Hậu (Nam Định), linh mục Phan Văn Tứ - Chánh xứ Phương Chính, xã Hải Triều, khoe: "Tôi mới về đây được hơn một năm nhưng nhờ có sự hỗ trợ tối đa của chính quyền, chúng tôi đã làm được rất nhiều việc cho bà con giáo dân". Ông kể: "Chúng tôi đã được lập quỹ khuyến học 6 triệu đồng/tháng cho khoảng 70 học sinh, tháng tới chúng tôi sẽ tiếp tục cấp học bổng cho 150 em, ngoài ra chúng tôi cùng chính quyền giúp đỡ lương thực quanh năm cho người già cả, những người không nơi nương tựa. Làm được điều đó là nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền". Ba nhà thờ nằm ngoài đê trước kia đã được chính quyền giúp di chuyển vào khu vực an toàn, chấm dứt nỗi âu lo của giáo dân trước sự xâm lấn của nước biển. Không những thế, các xã có nhiều đồng bào Công giáo còn được quan tâm đầu tư. Riêng xã Hải Lý (có tới trên 80% dân số là người Công giáo), hai năm qua đã được đầu tư trên 3 tỉ đồng để giúp người dân ổn định nhà ở. Con đường đất dẫn vào xóm 8, xóm 9 trước kia nay đã được đổ bê tông sạch sẽ. Nhìn thấy chúng tôi chỉ tay lên chiếc bóng điện treo lơ lửng trên những cây cột, mấy đứa trẻ đang vui đùa ở khoảnh sân trước nhà đồng thanh: "Tối nó mới sáng !". Tuy còn thiếu thốn nhiều nhưng ánh điện đã phần nào kéo cuộc sống của người dân nơi đây gần với phố phường hơn.
Cũng giống như Hải Hậu, đạo Công giáo đến Kim Sơn (Ninh Bình) từ rất sớm (1865) và địa phận Phát Diệm nổi tiếng thành lập từ năm 1901. Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: "Về du lịch, Kim Sơn chẳng có gì, ngoài nhà thờ đá Phát Diệm". Mỗi năm Kim Sơn đón hàng nghìn khách đến tham quan. Tính bài toán kinh tế, nếu bán vé tham quan, chắc chắn cũng thu được khá nhiều tiền. Nhưng Kim Sơn không làm thế, những người lãnh đạo ở đây cho rằng: "Tuy thu hút đông khách đến nhưng nhà thờ đá Phát Diệm có ý nghĩa tinh thần quan trọng đối với người Công giáo, vì thế không thể đặt vấn đề lợi ích kinh tế ở đây được". Để tạo ra được 1.000 tỉ đồng mỗi năm (năm 2004, tổng giá trị sản xuất của Kim Sơn đạt 1.070 tỉ đồng), Kim Sơn đã phải tìm mọi cách để phát triển các ngành nghề thủ công, sản xuất nông nghiệp.
Kinh tế phát triển đồng nghĩa với đời sống của người dân được nâng lên. Linh mục Nguyễn Hồng Phúc - Chánh xứ Phát Diệm chia sẻ với chúng tôi: "Những năm gần đây, con em Công giáo được học hành ngày một cao hơn. Có được điều này là xuất phát từ cả hai phía. Nhà nước quan tâm, Công giáo khuyến khích, vận động". Năm 2004, huyện Kim Sơn đã hỗ trợ, xây dựng được 97 ngôi nhà đại đoàn kết cho các gia đình Công giáo.
Đề cập đến mối quan hệ giữa chính quyền với nhà thờ, linh mục Phúc thẳng thắn nhận xét: "Năm 2004, Kim Sơn có 5 người được phong linh mục. Không biết chỗ khác như thế nào, chứ ở đây quan hệ giữa chúng tôi với chính quyền rất tốt. Tất nhiên có chỗ này, chỗ kia nhưng theo tôi nếu từ đó mà khẳng định trên diện rộng thì không đúng. Chúng ta phải nhìn nhận ở góc độ lớn hơn, ở cấp độ quốc gia, quốc tế".
Linh mục Lê Văn Luật - Chánh xứ Văn Lý (Hải Hậu) cho biết: "So với trước, đời sống của người Công giáo đã ổn định hơn rất nhiều. Các khu dân cư có nhiều đồng bào Công giáo đều có điện - đường - trường - trạm". Ông khẳng định: "Trong chính sách phát triển kinh tế của địa phương hoàn toàn không có sự phân biệt giữa người Công giáo và người lương... Ở chỗ chúng tôi tất cả mọi việc đạo - đời đều tốt đẹp cả. Chính quyền làm được nhiều việc cho giáo dân lắm, lương - giáo nay đã hòa làm một rồi".