Những chữ ký của lương tâm

TT - Đúng 30 năm sau khi chiến tranh VN kết thúc, các cựu binh Mỹ đã cởi lòng mình trên bản kiến nghị trực tuyến do cựu binh Suel Jones lập nên.

Mở đầu thông điệp tại địa chỉ http://www.petitiononline.com/EOWVN/petition.html, cựu binh Suel viết: “Là những công dân của nước Mỹ - nhiều người trong số chúng tôi là các cựu binh trong chiến tranh VN - chúng tôi có ước nguyện chuyển tải sự quí trọng nhất và lời chúc mừng đến nhân dân VN nhân dịp kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh”.

Cựu binh Suel thay mặt những người Mỹ có lương tâm bày tỏ sự chia sẻ đến tất cả các gia đình VN đã mất người thân trong cuộc chiến và những người sống sót nhưng mang những vết thương suốt đời. Đến tận ngày nay, những hiểm họa vẫn chưa dứt với những kíp nổ, bãi mìn tồn tại đâu đó trên những mảnh đất của VN. Và một lần nữa, nỗi đau chất độc da cam được những người Mỹ có trách nhiệm thừa nhận.

Thông điệp viết: “Đã có hàng triệu người bị tật nguyền vì chất độc da cam được Mỹ sử dụng tại VN. Nhiều trẻ em và người lớn vẫn còn chịu tác hại mỗi ngày vì chất độc da cam lưu lại”. Với những hậu quả như thế, một cựu binh tên Jim Gibson cho rằng nước Mỹ nên bồi thường VN vì tất cả sự tàn phá đã gây ra trong suốt “cuộc chiến không cần thiết, bất hợp pháp”.

Một số cựu binh cảm ơn về lòng vị tha và cởi mở của người dân VN. Cựu binh Robert D. Fitch kể trong một chuyến trở lại VN, ông được chào đón và đối xử với sự tôn trọng. Ông nói mình cảm thấy rất may mắn được đến giữa những người VN. Trong khi đó cựu binh Chuck Searcy cho rằng: “Nước Mỹ có thể học hỏi nhiều thứ từ người dân VN khôn ngoan và hòa nhã”.

Với hơn 240 chữ ký vào bản kiến nghị tính đến ngày 22-3, những người Mỹ chúc VN có một tương lai thật đẹp đẽ. Một phụ nữ tên Cindy Brown viết: “VN luôn trong suy nghĩ của tôi và tôi ước có một tương lai hòa bình và thịnh vượng cho tất cả người dân VN”.

Với lòng chân thành, cựu binh Carl R. Stancil viết: “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng chúng ta có thể thay đổi tương lai”. Quả thật, những người Mỹ hôm nay không thể thay đổi quá khứ và xóa đi thảm kịch của chiến tranh nhưng họ có thể hành động vì một cuộc sống tốt đẹp hơn các thế hệ kế tiếp.

Thông điệp của bản kiến nghị nhìn nhận trong lúc VN chưa bao giờ yêu cầu một lời xin lỗi từ Mỹ vì sự can thiệp vũ trang tàn bạo vào chuyện nội bộ của VN, “chúng tôi dù vậy vẫn nhân cơ hội này để bày tỏ sự thừa nhận về vai trò của nước Mỹ gây nên sự tàn phá ghê gớm thiên nhiên, kinh tế, nhân mạng và gây nên khổ đau cho hàng triệu người”. Cùng ý nghĩ này, cựu binh Toby Pomeroy viết: “Bạn luôn là những anh chị em của chúng tôi và tôi xin lỗi vì sự mù quáng và tham lam của chúng tôi. Tôi rất cảm động vì sự vị tha của các bạn”.

Ông Suel Jones đến vùng Quảng Trị năm 1968 làm lính bộ binh. Năm 2000, ông trở lại VN với tư cách là đại diện của Ủy ban quốc tế làng Hữu Nghị tại Hà Nội.

Ở tuổi 62, người cựu binh này tìm thấy niềm vui trong việc giúp đỡ các trẻ em VN bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Tại Mỹ, ông thường xuyên đến các trường đại học và các thành phố để nói chuyện về chất độc da cam ở VN.

Hiện nay ông và các bạn cựu binh đang có nhiều kế hoạch làm từ thiện ở VN, đặc biệt là việc xây dựng các trạm xá nhỏ trên toàn quốc để giúp chăm sóc các em nhỏ bị tật nguyền.

Tuổi trẻ, 22/3/2005