Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Tại Hội nghị toàn quốc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (CPH DNNN), Ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương ( ĐMDN) cho biết, năm 2005 cả nước sẽ phải CPH 724 DN (trong đó có 340 DN từ năm 2003 và 2004 chuyển sang). Ngay trong quý 1/2005, Ban chỉ đạo ĐMDN trình Chính phủ bổ sung phương án tổng thể đổi mới sắp xếp doanh nghiệp theo hướng gắn trách nhiệm hành chính của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo DN với kết quả sắp xếp và CPH ở đơn vị mình theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt…

Ban Chỉ đạo ĐMDN đánh giá: kết quả sau hơn 10 năm thực hiện CPH DNNN (từ 1992, trọng tâm từ 2001 đến nay), công tác CPH được triển khai từng bước vững chắc theo các mục tiêu đã đặt ra tại Hội nghị Trung ương 3 khoá IX. Đến nay cả nước đã CPH được 2.242 DNNN và bộ phận DNNN.

Qua cổ phần, DN được cơ cấu theo hướng tập trung quy mô lớn, hướng vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; quy mô vốn của DNNN được tăng lên đáng kể năm 2001, vốn bình quân của DNNN khoảng 24 tỷ đồng, nay tăng lên đến 63,6 tỷ đồng. Tài chính DN được lành mạnh hoá thông qua việc cơ cấu lại các khoản nợ; xử lý tài sản là vật tư, hàng hoá ứ đọng, tồn kho, máy móc thiết bị cũ…

Qua thực tế hoạt động hơn 1 năm của 850 DN hoàn thành cổ phần cho thấy, vốn điều lệ bình quân tăng 44%, doanh thu tăng 23,6%, lợi nhuận thực hiện tăng 139,76%, nộp ngân sách tăng 24,9%, thu nhập người lao động tăng 12%, số lao động không những không giảm mà bình quân tăng 6,6%, đặc biệt cổ tức bình quân đạt 17,11%, trong đó 71,4% số DN có cổ tức cao hơn lãi tiền gửi ngân hàng.

Tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra, CPH doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa như mong muốn. Số lượng doanh nghiệp CPH tuy đã tăng đáng kể trong những năm gần đây nhưng so với yêu cầu vẫn còn hạn chế, tốc độ cổ phần chậm và thời gian thực hiện bị kéo dài; Thu hút cổ đông ngoài doanh nghiệp mới chỉ đạt 15,4% vốn điều lệ, vì vậy các cổ đông chiến lược có ít cơ hội để trở thành những người chủ có vai trò nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp…
Ban Chỉ đạo ĐMDN nhấn mạnh, năm 2005 sẽ là năm “CPH phải đi vào thực chất, triệt để, vững chắc và có hiệu quả hơn”. Để CPH thực sự gắn với thị trường, Nghị định 187/2004 của Bộ Tài chính quy định giá bán cổ phần lần đầu sẽ được thực hiện trên cơ sở bán đấu giá cổ phần (thay vì trước đây bán với giá sàn cho người lao động trong DN). Người lao động trong DN vẫn được hưởng cổ phần ưu đãi có giá trị bằng 60% so với giá đấu bình quân.

Để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đối tượng quy định mua cổ phần lần đầu cũng được nới rộng, gồm những người tổ chức cung cấp nguyên liệu cho DN, người cam kết tiêu thụ lâu dài và gắn bó lợi ích chiến lược lâu dài trong kinh doanh…có khoảng 20% tổng số cổ phần bán cho các đối tượng này với giá giảm 20% so với giá đấu bình quân. Tới đây các công ty CPH sẽ gắn liền với việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhằm tạo thêm nguồn hàng cho thị trường và nâng cao giá trị DN.

Ban chỉ đạo ĐMDN nêu rõ, các DN dưới 1 tỷ đồng có thể đấu giá tại DN, trên 1 tỷ đồng đấu giá tại các tổ chức tài chính trung gian và từ 10 tỷ đồng trở lên sẽ đưa ra đấu giá tại TTGDCK.

Số DN tiếp tục duy trì 100% vốn nhà nước cho đến năm 2005 còn lại khoảng 1.200 DN. Toàn bộ các DN không thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn (khoảng 1.460 DN) sẽ được sắp xếp theo hình thức CPH; trường hợp không cổ phần hoá thì chuyển sang lựa chọn các hình thức như giao, bán, giải thể, phá sản DN.

Các Tổng công ty (TCT) có quy mô lớn, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế gồm 18 TCT 91 và 19 TCT 90 trước mắt chưa cổ phần hoá toàn TCT được thì thực hiện CPH các DN thành viên, đồng thời chuyển các TCT này sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con…

60 TCT nhà nước còn lại sẽ CPH toàn TCT. Trong 6 tháng đầu năm 2005, ba TCT Nhà nước đầu tiên sẽ thực hiện CPH là TCT Thương mại và Xây dựng (Bộ GTVT), TCT điện tử -Tin học (Bộ Công nghiệp) và TCT XNK Xây dựng VN-Vinaconex (Bộ Xây dựng)…

(Tổng hợp từ TBKT 25/2, TT 24/2, TM 1/3, ĐT 2/3)