Điểm báo trong nước ngày 9/3/2005

1. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,3 tỷ USD

Trong 2 tháng đầu năm, cả nước có hơn 40 dự án đầu tư nước ngoài (cả đầu tư mới và xin tăng vốn) được cấp phép, với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 30% kế hoạch năm.Trong những dự án trên, một số dự án lớn đáng chú ý là: dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh mạng điện thoại di động công nghệ CDMA của Cty Cổ phần Viễn thông Hà Nội liên doanh với Hutchinson của Singapore, dự án có tổng vốn đầu tư mới 655,4 triệu USD; dự án sản xuất phụ tùng của Yamaha Motor Việt Nam tại khu công nghiệp Thăng Long, dự án sản xuất giày Poshung tại Đồng Nai...Cả nước cũng có thêm 30 dự án tăng vốn để mở rộng sản xuất với tổng vốn đầu tư tăng thêm 124 triệu USD. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong quý I này, cả nước sẽ thu hút khoảng 1,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngòai cấp mới. Được biết, nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngòai đạt hiệu quả hơn nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư nước ngòai, đa dạng hóa các loại hình đầu tư, ưu tiên xúc tiến đầu tư vào các dự án trọng điểm (HNM08/03)

2. 10 nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam

Theo Bộ KHĐT, kết thúc tháng 2 năm 2005, vị trí thứ tự của 10 nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam vẫn chưa có gì thay đổi, mặc dù vừa qua Luxembourg được cấp phép dự án lớn nhất với số vốn đăng ký 655,9 triệu USD. Đứng đầu hiện nay vẫn là Singapore (8 tỷ USD), tiếp theo lần lượt là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, B.V Islands, Pháp, Hà Lan, Thái Lan và Malaysia.

Nhưng tới đây, trật tự rất có thể sẽ thay đổi bởi Hoa Kỳ (1,29 tỷ USD) và Anh (1,22 tỷ USD) đang bám sát Malaysia (1,35 tỷ USD) và Thái Lan, trong khi các nhà đầu tư Mỹ đang chuẩn bị dự án khu du lịch trị giá 1 tỷ USD tại Quảng Nam (ĐT 09/03).

3. Khai trương Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội

Sáng 8/3, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chính thức được khai trương tại số 2 Phan Chu Trinh, tạo thêm một kênh thu hút vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính cần hoàn thiện một khung thể chế đồng bộ đảm bảo cho trung tâm chứng khoán hoạt động minh bạch, hiệu quả. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quan tâm phát triển hàng hóa giao dịch và đẩy nhanh các hoạt động đấu giá cổ phiếu để trung tâm phát huy vai trò của mình là kênh huy động vốn dài hạn. Trong năm nay, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phải cổ phần hóa được từ 100-200 doanh nghiệp, góp phần tăng lượng hàng hóa giao dịch trên thị trường.

Trung tâm được tổ chức theo mô hình phi tập trung (OTC), được xây dựng và phát triển từ đơn giản đến hiện đại chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện niêm yết tại TTGDCK TP Hồ Chí Minh. Sự khác biệt lớn nhất giữa TTGD CK TP Hồ Chí Minh và TTGDCK Hà Nội là điều kiện niêm yết giao dịch đối với các doanh nghiệp. Điều kiện để được đăng ký giao dịch là các doanh nghiệp cổ phần có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, làm ăn 1 năm có lãi và có tối thiểu 50 cổ đông. Toàn bộ giao dịch tại TTCKHN được thực hiện qua 2 hệ thống: báo giá trung tâm và giao dịch thoả thuận.
Chiều cùng ngày, Trung tâm giao dịch chứng khoán tổ chức bán đấu giá cổ phần của Nhà máy Thiết bị bưu điện thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Tiếp đó ngày 10/03, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức bán đầu giá cổ phần Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh. Hiện có 6 công ty cổ phần tại Hà Nội đang được xem xét đưa cổ phiếu vào niêm yết tại TTGDCKHN (Nông thôn 08/03, HNM 09/03).

4. Việt Nam là thị trường đặt hàng dệt may chiến lược của Mỹ

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) về khả năng cạnh tranh xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ sau ngày 1/1/2005 đã đánh giá trong các nước châu Á chỉ có Việt Nam có thể cạnh tranh được với Trung Quốc trong xuất khẩu dệt may vào Mỹ.Nguồn tin từ Hiệp hội Nhập khẩu dệt may Mỹ (USA - ITA) cũng cho biết Việt Nam được coi là nguồn cung lựa chọn thứ 2 sau Trung Quốc (nếu Việt Nam không có khó khăn về hạn ngạch), nhất là đối với các cat. 347/348, 647/648, 338/339, 638/639, 340/640. Hiện Việt Nam có lợi thế là lao động rẻ và chất lượng may tốt hơn so với Ấn Độ (lựa chọn tiếp theo của các nhà nhập khẩu dệt may Mỹ sau Việt Nam). Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết đơn giá xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ ngày càng cao, và các khách hàng lớn của Mỹ vẫn chọn Việt Nam là thị trường đặt hàng chiến lược. Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang Mỹ năm 2005 vào khoảng 2,75 tỉ USD (HNM09/03).

5. Tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ tăng 18,5%

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong hai tháng đầu năm 2005 ước đạt 70.237 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh doanh hộ gia đình chiếm 63,1% (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái), khu vực tư nhân chiếm 19,9% (tăng 39,9%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,5% (tăng 44,7%)...Xét theo ngành hoạt động thì thương nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, 80,5% (tăng 16,5%), khách sạn - nhà hàng chiếm 13% (tăng 29,3%), du lịch chiếm 0,8% (tăng 36,8%), còn lại các dịch vụ khác chiếm 5,7% (tăng 23%) (ĐT 09/03).