Tìm giải pháp thực hiện mục tiêu xuất khẩu 31,5 tỷ USD
Tại Hội nghị Thương mại toàn quốc 2005 vừa qua, ngoài nội dung sơ kết các hoạt động thương mại diễn ra trong năm 2004, hội nghị còn đi sâu vào việc bàn những giải pháp hữu hiệu để đạt được mục tiêu kim ngạch XK 31,5 tỷ trong năm 2005 và góp phần vào việc tăng GDP hàng năm 8,5% theo như kế hoạch đề ra.
2004: kết quả khả quan
Năm 2004, với kết quả kim ngạch XK đạt 26 tỷ USD, xuất khẩu Việt Nam được đánh giá là có mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm qua. Đạt được kết quả như vậy trước hết là do sản lượng xuất khẩu và giá trị hàng hoá XK đều được nâng lên. Những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng XK cao là dầu thô 48,3%, than đá 46,8%, gạo 30,7%…Ngoài 4 mặt hàng truyền thống có kim ngạch trên 1 tỷ USD, năm 2004 đã xuất hiện thêm 2 nhóm hàng là linh kiện máy tính và sản phẩm gỗ.
Tiếp nữa là thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng. 10 thị trường XK lớn của Việt Nam hiện nay gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Singapore, Đức,Anh, Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia đều có mức tăng trưởng cao. 10 thị trường lớn nhất nói trên đã tiêu thụ trên 18 tỷ USD hàng hoá của Việt Nam, trong đó, 2 thị trường giữ vai trò động lực thúc đẩy XK hàng hoá nước ta năm 2004 tăng vọt là thị trường Hoa Kỳ (với mức tăng kỷ lục trên 1 tỷ USD và đã đạt tới quy mô xấp xỉ 5 tỷ USD) và thị trường Trung Quốc (với mức tăng gần 1 tỷ USD và đạt tới quy mô trên 2,7 tỷ USD). Việt Nam xuất siêu sang các nước Hoa Kỳ, Australia, Anh, Hà Lan và Đức tổng cộng đạt 6,7 tỷ USD. Hàng hoá XK của nước ta đã vươn tới hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm dần xuất khẩu qua các thị trường trung gian.
Tỷ trọng xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài (DNNN) trong tổng kim ngạch XK cả nước đạt gần 55% tăng 5% so với năm 2003. Xuất khẩu của khu vực này dần trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng XK cả nước.
Những nguyên nhân làm XK tăng mạnh là do sản xuất công nghiệp tăng trưởng với tốc độ cao. Các địa phương và doanh nghiệp đã tận dụng triệt để các công cụ chính sách của Nhà nước trong năm qua, và những ưu đãi của các nước để nâng đỡ xuất khẩu.
Theo các dự báo kinh tế năm 2005, XK Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Trước hết, hoạt động xuất khẩu của ta sẽ phải đối mặt với môi trường cạnh tranh gay gắt hơn. Tính hai mặt trong các chính sách thương mại của các nước phát triển ngày càng bộc lộ rõ, qua hàng loạt vụ kiện bán phá giá .Trong điều kiện đó, hệ thống các ngành công nghiệp bổ trợ của ta còn yếu, chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất hàng xuất khẩu dẫn đến tình trạng nhập siêu cao. Bên cạnh đó, nhiều thuận lợi trong và ngoài nước mở ra những cơ hội cho các DN: đã có 99 nước có thỏa thuận đối xử tối huệ quốc và ưu đãi đặc biệt trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Trong đó, có 89 nước và vùng lãnh thổ đã thỏa thuận đối xử tối huệ quốc và 10 nước và vùng lãnh thổ thỏa thuận ưu đãi đặc biệt trong quan hệ thương mại với Việt Nam là: Darussalam Brunei, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Indonesia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Malaixia, Liên bang Myanma, Cộng hoà Philipin, Cộng hoà Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Đầu năm 2005, EU đã đồng ý xoá bỏ hạn ngạch dệt may đối với Việt Nam . Trong nước, những đầu tư và cải cách kinh tế cũng đang có thành công đáng kể tạo điều kiện cho các DN thích nghi hơn với thị trường và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Tìm những giải pháp hữu hiệu.
Phát biểu tại Hội nghị Thương mại toàn quốc 2005, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu rõ: Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Thương mại trong năm tới là phấn đấu làm sao để giảm nhập siêu đến mức có thể. Với nhiệm vụ sẵn sàng để chuẩn bị hội nhập, Bộ Thương mại cần phải tăng tốc hơn nữa.
Nhận định rõ những thách thức và cơ hội của thương mại Việt Nam trong năm 2005, Bộ Thương mại đã cam kết sẽ tập trung tối đa các nguồn lực cho xuất khẩu đồng thời có giải pháp đồng bộ, định hướng rõ ràng từng mặt hàng nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có quy mô xuất khẩu lớn năm nay sẽ bao gồm: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ, linh kiện điện tử, gạo cà phê, cao su, hạt điều, rau quả, thuỷ sản, dầu thô. Bên cạnh đó là nhóm có tiềm năng xuất khẩu như rau quả, thủ công mỹ nghệ và nhóm có tiềm năng xuất khẩu cao, tốc độ tăng trưởng cao gồm dây điện và cáp điện, sản phẩm nhựa, xe đạp và phụ tùng xe đạp, sẽ được tập trung đẩy mạnh và có biện pháp khuyến khích xuất khẩu thích hợp.
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng nhấn mạnh đến việc nước ta đạt thoả thuận gia nhập WTO vào cuối năm 2005. Đối với những chính sách xuất khẩu không còn phù hợp, Bộ Thương mại đã có kiến nghị với Chính phủ sửa đổi một số chính sách tín dụng hỗ trợ xuất khẩu, chính sách thưởng kim ngạch, thưởng thành tích xuất khẩu. Chính phủ nên tập trung nguồn lực cho những mặt hàng khó khăn về vốn hoặc thị trường hoặc sử dụng nhiều công nghệ trong nước. Nên thu hẹp diện mặt hàng được hưởng hỗ trợ tín dụng xuất khẩu trong năm 2005, đặc biệt không áp dụng cho những ngành hàng không gặp khó khăn về vốn chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.
Bộ Thương mại cũng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo hải quan các cửa khẩu tăng tỷ lệ miễn kiểm (lên khoảng 80% hàng hóa xuất khẩu), giảm tỷ lệ hàng hóa kiểm tra xác suất và kiểm tra toàn bộ.
Vừa qua, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 4/3, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét thông qua ngay trong năm 2005 các dự án Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư (sửa đổi), Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập WTO.
Theo tờ trình do Bộ trưởng Thương mại trình bày, Chính phủ cũng đề nghị trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số dự án luật khác (Luật khiếu nại, tố cáo - sửa đổi; Luật về luật sư; Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật chứng khoán) và ban hành hai pháp lệnh về tiêu chuẩn hóa và ngoại hối trong năm 2005, thay vì 2006 như dự kiến.
Đặc biệt, Chính phủ còn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc triệu tập thêm một kỳ họp Quốc hội nữa trong năm 2005 để thực hiện việc xây dựng 26 luật, bộ luật và 4 pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật phục vụ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Và, theo đề xuất của Bộ Thương mại, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định số 44/2005/QĐ-TTg phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm năm 2005 tập trung vào 18 mặt hàng sẽ được Chính phủ hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu là gạo, thủy sản, chè, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, rau quả tươi và rau quả chế biến, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng điện - điện tử - tin học, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, thịt lợn và thực phẩm chế biến, tăng thêm năm mặt hàng so với năm 2004.
Với quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2005 sẽ lên đến hơn 600 tỉ đồng. Với nhiều giải pháp đồng bộ nói trên, hy vọng xuất khẩu Việt Nam năm 2005 không những sẽ tăng nhanh mà còn mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế đất nước.
Tổng hợp từ Báo Thương mại 8/03, Quân đội nhân dân 5/03, Thời báo kinh tế Việt Nam 1/03, Đầu tư chứng khoán 28/02.