"Cần tăng cường hợp tác trao đổi thông tin để hiểu nhau hơn"
Chiều 6/3, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi tiếp và làm việc với ông John Hanford, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề tôn giáo.
Cùng dự buổi làm việc với Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng có lãnh đạo một số đơn vị. Về phía Mỹ còn có ông Michael Marine, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và một số chuyên viên.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng đã đánh giá cao chuyến đi thăm và làm việc tại Việt Nam của ông John Hanford, đồng thời mong muốn hai bên sẽ trao đổi thẳng thắn những vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là về tôn giáo.
Ông John Hanford đã khẳng định rằng, trong những ngày qua ở Việt Nam, ông đã làm việc với nhiều cơ quan của Việt Nam và nhận thấy tình hình tôn giáo ở Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng phấn khởi. Đặc biệt, phía Mỹ đánh giá cao về Pháp lệnh Tôn giáo của Việt Nam và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của đạo Tin Lành.
Ông John Hanford đã nêu ra 4 vấn đề đang được phía Mỹ quan tâm như: Chỉ thị của Thủ tướng đã được thực hiện nghiêm túc ở các địa phương hay chưa; về "tù nhân tôn giáo", sắp tới sẽ có đặc xá, phía Mỹ mong muốn Chính phủ Việt Nam quan tâm đến một số người; việc tổ chức đăng ký cho những người muốn theo đạo Tin Lành và một số trường hợp mà Mỹ cho rằng đang “bị ngược đãi”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng đã khẳng định với đoàn Mỹ là ở Việt Nam không có vấn đề "tù nhân tôn giáo". Việt Nam chưa đưa ra truy tố, xét xử một ai nếu như chỉ vì họ mong muốn đi theo một tôn giáo nào đó. Những đối tượng mà phía Mỹ gọi là "tù nhân tôn giáo" đó thực chất là những người theo đạo, nhưng vi phạm pháp luật Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng cũng yêu cầu phía Mỹ đưa ra danh sách những người mà phía Mỹ cho rằng đang bị ngược đãi. (Đáp lại yêu cầu này, ông John Hanford nói đã quên không mang đi...?). Ông cũng đã thông báo cho đoàn Mỹ những chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam về tôn giáo và dân tộc. Riêng đối với đạo Tin Lành, trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách đối với giáo dân như xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện sinh hoạt cho các Hội đăng ký hoạt động hợp pháp. Trước năm 1975, người theo đạo Tin Lành ở miền Nam Việt Nam chỉ có khoảng vài chục ngàn thì nay đã có hơn 6 trăm ngàn, con số này đã chứng tỏ ở Việt Nam không hề có sự ngăn cản phát triển tôn giáo, nếu như đó là tôn giáo được phép hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng cũng thẳng thắn lưu ý phía Mỹ đã không nhìn nhận đúng thực tế vấn đề tôn giáo ở Việt Nam, đã thu thập nhiều thông tin sai lệch, vu cáo chính quyền từ một số đối tượng xấu. Việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước “cần quan tâm đến vấn đề tôn giáo” đã chứng tỏ một số tổ chức của Mỹ chưa có thiện chí trong việc xây dựng mối quan hệ giữa hai nước. Ông đề nghị “cần tăng cường hợp tác trao đổi thông tin giữa hai bên để hiểu nhau hơn và Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện cho các quan chức của Sứ quán Mỹ đi tìm hiểu tình hình ở Việt Nam”.
Về một số tổ chức phản động lưu vong của người Việt đang hoạt động tại Mỹ, trong đó đặc biệt là tổ chức khủng bố của Nguyễn Hữu Chánh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng yêu cầu chính quyền Mỹ phải có biện pháp ngăn chặn.
Ông John Hanford đã cảm ơn những ý kiến thẳng thắn của Thứ trưởng và hứa sẽ làm hết sức mình để giúp Chính phủ Mỹ nhìn nhận đúng về những chuyển biến tích cực về tôn giáo ở Việt Nam, đồng thời đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước "cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo".
Ông John Hanford cũng thông báo là Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã tổ chức điều tra nghiêm túc về hoạt động của Nguyễn Hữu Chánh và đã có được nhiều thông tin, chứng cứ quan trọng. Ông đề nghị Việt Nam tiếp tục cung cấp thông tin về Nguyễn Hữu Chánh cũng như một số tổ chức phản động lưu vong khác
Công An Nhân Dân, 7/3/2005