Chung quanh vụ kiện dioxin/da cam: Đứng về phía "nguyên đơn"

Trong lúc phiên toà xét xử vụ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC)Việt Nam kiện 37 Cty hoá chất Mỹ diễn ra trên đất Hoa Kỳ thì tại một vùng quê hẻo lánh của tỉnh Quảng Nam có 7 sinh viên Mỹ đi gặp "nguyên đơn", đúng hơn là họ đang thầm lặng chăm sóc các nạn nhân CĐDC.

Đến "vùng dioxin"

Chuyến đò ngược sông Thu Bồn hôm ấy có 7 sinh viên Mỹ đến từ Chương trình SUNY brockport Vietnam, Trường Đại học New York. Họ đi về hướng Hòn Kẽm Đá Dừng. Nơi ấy có những nạn nhân CĐDC- những "nguyên đơn" đang nghe ngóng phiên toà từ bên kia trái đất trong tiếng gào thét của những đứa con tật nguyền. Chị Nguyễn Thị Thạch thông báo cho những sinh viên Mỹ này biết rằng, cháu Tùng - con chị vừa qua đời. Tùng là một trong hai đứa con của chị Thạch bị nhiễm CĐDC. Người đàn bà tội nghiệp vừa mãn tang chồng, giờ lại chịu tang con. Căn nhà lợp tranh, vách lá dột nát, gió lọt tứ bề càng thêm hẩm hiu. Dù chính quyền xã, huyện đã xác nhận 2 đứa con của chị nhiễm CĐDC, nhưng đến nay chúng vẫn chưa có một chế độ trợ cấp nào. Năm 2004, biết tin Giáo sư Kenneth Herrmann, GĐ Chương trình SUNY brockport Vietnam kêu gọi các nạn nhân CĐDC hãy lên tiếng, chị Thạch đã viết đơn kiện các Cty hoá chất Mỹ vì đã gây nên cảnh tang tóc cho gia đình mình. Nhìn gia cảnh chị Thạch, Amanda M.Crane - nữ sinh viên mà mọi ngày vẫn sôi nổi nhất đoàn - đã bật khóc thảm thiết. Cô đã điện thoại ngay về cho bố mẹ ở New York, đòi phải gửi tiền qua để có thể giúp cháu Vi - đứa con quặt quẹo còn lại của chị Thạch - sống thêm được ngày nào hay ngày đó. Thấy Amanda cùng với Kate M.Cormack đã lặng lẽ bòn túi mình góp tiền, lập tức những sinh viên còn lại đều dốc hầu bao để giúp chị Thạch. Họ không chỉ đứng về phía "nguyên đơn" về mặt tinh thần mà còn ủng hộ cả vật chất nữa.

Lòng nhân ái không biên giới

SUNY brockport Vietnam là chương trình giáo dục duy nhất của Mỹ tại Việt Nam hiện nay, được triển khai từ năm 2000. Mỗi năm, chương trình này đã đưa đến Đà Nẵng 3 khoá học, với số lượng 15 đến 30 sinh viên. Ngoài các hoạt động ngoại khoá bắt buộc là thăm, tặng quà những gia đình nghèo khó, neo đơn, nạn nhân bệnh phong ở làng Vân, giúp đỡ trẻ em bãi rác Khánh Sơn... thì thứ 5 hàng tuần các sinh viên Mỹ tổ chức đi thăm, giúp đỡ và chăm sóc các nạn nhân CĐDC ở các địa phương của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Ông Trịnh Thanh Sáu, Chánh Văn phòng Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Đà Nẵng cho biết, điều đọng lại lớn nhất của các sinh viên Mỹ là những tình cảm tốt đẹp của họ đối với con người và đất nước Việt Nam. Khi về nước, các sinh viên này đã tổ chức nhiều cuộc toạ đàm, nói chuyện với sinh viên tại các trường đại học lớn ở Mỹ và vận động bạn bè, người thân ký tên ủng hộ nạn nhân CĐDC trong vụ kiện. Họ đã minh chứng bằng những câu chuyện, những hình ảnh có được từ những chuyến đi thực tế hết sức thuyết phục. Riêng hai nữ sinh viên Andrea Born và BJ Hunter của khoá học năm 2002, sau khi tốt nghiệp ĐH New York đã trở lại Việt Nam với số tiền quyên góp được để tận tay giúp đỡ các nạn nhân CĐDC ở huyện Hoà Vang, Đà Nẵng.

Ngay sau phiên đầu tiên của vụ kiện CĐDC tại Mỹ, Amanda và Kate M.Cormack cùng bạn bè "lên" ngay Internet, tìm kiếm những thông tin mới nhất về vụ kiện. Họ rất thất vọng khi biết luật sư đại diện Bộ Tư pháp Mỹ nêu quyền miễn tố của người đứng đầu ngành hành pháp Mỹ để yêu cầu toà huỷ bỏ vụ kiện... Nhưng các sinh viên lại an ủi nhau: "Nạn nhân CĐDC Việt Nam sẽ thắng trong vụ kiện này vì chính nghĩa thuộc về họ"... Những hành động đó của những sinh viên Mỹ như tiếp thêm sức mạnh cho các "nguyên đơn" trong vụ kiện có thể sẽ mất nhiều thời gian này.

Thanh Hải, Lao Động số 65 Ngày 07.03.2005