Đón 3,2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2005
Năm 2005, ngành du lịch đặt ra mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách quốc tế và 15 triệu lượt khách du lịch nội địa, thu nhập từ du lịch khoảng 30.000 tỷ đồng. Nhắm tới mục tiêu này, ngành du lịch đã chuẩn bị kế hoạch đẩy mạnh công tác du lịch trên cơ sở những thành tựu đã đạt được của năm trước.
Trong những năm vừa qua, du lịch có bước tiến đáng kể. Cơ sở vật chất cũng như đội ngũ kỹ thuật viên đã từng bước đáp ứng được đòi hỏi của khách du lịch. Nhiều khách sạn tư nhân đã trang bị nội thất đạt tiêu chuẩn 3-4 sao sánh ngang với khách sạn liên doanh và DNNN. Hiện nay, cả nước có khoảng 80 nghìn phòng, trên 60% đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó khoảng 20.000 đạt từ 4-5 sao, đủ đón 3-4 triệu lượt khách quốc tế/năm.
Năm 2004, khách du lịch quốc tế đạt 2,93 triệu người, tăng 20,5%; các thị trường trọng điểm quốc tế được duy trì và tăng trưởng ở mức hai con số: khách Nhật Bản tăng 80%, Hàn Quốc tăng 80%, Xin-ga-po hơn 40%, Thái Lan tăng 39%, Ô-xtrây-li-a tăng 40%, thị trường Mỹ có bước đột phá, tăng 28% và vươn lên là thị trường đông khách thứ 2 sau Trung Quốc; khách du lịch nội địa đạt 14,5 triệu lượt người, tăng 11,3%, thu nhập du lịch đạt 26.500 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm trước, tương đương gần 2 tỷ USD. Con số này còn lớn hơn cả lượng vốn ODA giải ngân và chỉ kém hơn lượng vốn FDI thực hiện trong năm.
Thành tựu trên đạt được là nhờ những cố gắng của ngành du lịch cùng với các ngành, địa phương trong việc thực hiện chiến lược phát triển du lịch. Đó là việc thực thi chính sách cởi mở, miễn thị thực cho du khách Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á; mở đường bay thẳng đến các thị trường trọng điểm; thực hiện chương trình hành động quốc gia về du lịch với hàng loạt sự kiện cùng các đợt quảng bá xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Việc tham gia 15 hội chợ du lịch quốc tế lớn như Hội chợ Bắc Kinh (Trung Quốc), Kotfa (Hàn Quốc), ASEAN (Nhật Bản)... đã phần nào “đánh bóng” hình ảnh của du lịch Việt Nam với du khách ngoại quốc. Nhiều sự kiện lớn của du lịch Việt Nam mang tính quốc gia và địa phương đã được tổ chức đều khắp, xuyên suốt trong năm 2004 như: các hoạt động của Năm du lịch Điện Biên Phủ, các sự kiện tiếp nối tại Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng tạo thành “Con đường di sản miền Trung”…Tổng cục Du lịch cũng đã hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư, khai thác các tua du lịch mới như: Con đường di sản miền Trung, Hành trình 1.000 năm những kinh đô Việt Nam, Du lịch xuyên Á…
Năm 2004, hơn 500 tỷ đồng vốn ngân sách cũng được đầu tư cho cơ sở hạ tầng di lịch, trong đó 70% vốn đầu tư vào các địa phương có khu du lịch quốc gia làm cơ sở ban đầu thu hút các nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước. Đã có 18 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn hơn 110 triệu USD.
Tuy đạt được những kết quả khả quan như trên những phía trước du lịch Việt Nam còn khá nhiều thách thức. Tình hình thiên tai dịch bệnh có thể có những biến động không lường trước được, đòi hỏi ngành du lịch phải có dự chuẩn bị để chủ động đối phó, điều chỉnh nhằm giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của du lịch. Mặt khác, du lịch Việt Nam phải bắt kịp với chất lượng phục vụ của khu vực và thế giới.
Năm 2005, là năm cuối trong kế hoạch 5 năm (2001-2005) của ngành du lịch cũng là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: 75 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 115 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đây là vận hội để ngành du lịch phát huy những thành tựu của năm trước.
Ngành du lịch đã chuẩn bị khá kỹ cho các hoạt động du lịch trong năm 2005. Hàng loạt các sự kiện sẽ được tổ chức từ đầu năm đến cuối năm, từ Cao Bằng cho tới Mũi Cà Mau với một chủ đề chung là “Năm du lịch Nghệ An-Theo chân Bác”. “Năm du lịch Nghệ An” sẽ được giới thiệu tại ba miền Bắc-Trung-Nam và được quảng bá tại thị trường nước ngoài (Ấn Độ, ASEAN, Ô-xtrây-li-a và Hoa Kỳ). Bên cạnh đó ngành du lịch cũng sẽ cùng doanh nghiệp tham gia 11 hội chợ du lịch quốc tế được tổ chức tại các thị trường trọng điểm.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, kế hoạch đưa hình ảnh du lịch Việt Nam lên kênh truyền hình Mỹ CNN đang được ngành du lịch xúc tiến.
Nghệ An-điểm hẹn năm 2005
Được diễn ra từ ngày 22-2 đến hết năm, năm Du lịch Nghệ An 2005 sẽ có nhiều hoạt động du lịch đặc sắc trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nghệ An là địa phương nằm ở trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ (cách Hà Nội 290 kilômét về phía Bắc, cách thành phố Huế 360 kilômét về phía Nam). Nằm trên tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Việt, có cảng biển quốc tế Cửa Lò, sân bay Vinh, Nghệ An là điểm khởi đầu của con đường di sản miền Trung và cũng là điểm đầu tuyến du lịch theo hành lang Đông - Tây nối Vinh - Lào - Thái Lan - Mianma bằng Quốc lộ số 8.
Nghệ An được thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng du lịch. Đó là bờ biển dài với những bãi tắm đẹp, đặc biệt là bãi tắm Cửa Lò; Vườn quốc gia Phù Mát, khu bảo tồn rừng nguyên sinh đa dạng về sinh học với nhiều sông, suối, hồ, thác nước, tạo ra những danh thắng hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống dựng nước và giữ nước, với hơn 1000 di tích lịch sử, văn hóa với 132 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp quốc gia như: đền Cuông thờ An Dương Vương; đền Hồng Sơn thờ Quan Vân Trường; đình Hoành Sơn thờ Lý Nhật Quang, người có công khai phá vùng Nam Đàn; chùa Sư Nữ; khu lưu niệm Mai Hắc Đế... Đặc biệt là khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ngoài ra, du khách còn được tham quan các điểm du lịch nổi tiếng như: Khu di tích lịch sử văn hóa Phan Bội Châu; khu di tích tưởng niệm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; Khu lưu niệm cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong; Vườn quốc gia Phù Mát; làng nghề dệt thổ cẩm Lục Dạ; khu bảo tàng gen động, thực vật; thác Kèm; quảng trường Hồ Chí Minh; khu du lịch Bến Thủy, núi Quyết...
Nghệ An còn là vùng đất của các lễ hội văn hóa của cộng đồng các dân tộc Mông, Khơ Mú, Sán Dìu với những bản sắc riêng độc đáo. Bên cạnh những lễ hội truyền thống, Nghệ An còn có nhiều loại hình lễ hội riêng như: lễ hội các dòng họ Hồ, Nguyễn; lễ hội sông nước Cửa Lò gắn với mùa du lịch biển...
Trong khuôn khổ năm du lịch Nghệ An sẽ diễn ra nhiều hoạt động :
-Lễ công bố năm Du lịch Nghệ An và lễ kỷ niệm Nghệ An 975 năm thành lập sẽ diễn ra vào tối ngày 24-2 tại thành phố Vinh;
-Lễ hội đền thờ Mai Hắc Đế tại Nam Đàn ngày 23-2.
-Lễ hội đền Cờn (ngày 27 và 28-2 tại Quỳnh Lưu);
-Lễ hội Hang Bua (ngày 1 và 2-3 tại Qùy Châu);
-Lễ hội đền Cuông (ngày 23 và 24-3 tại Diễn Châu)...
-Khai mạc lễ hội sông nước Cửa Lò và mùa du lịch Cửa Lò vào ngày 30-4 và 1-5;
-Hội thảo quốc tế về du lịch diễn ra ngày 17-5 tại thành phố Vinh;
-Hội chợ triển lãm du lịch - thương mại quốc tế từ 18 đến 22-5 ;
-Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Hồ Chí Minh sáng 19-5;
-Lễ khai mạc tuần Du lịch và khai mạc Lễ hội làng Sen toàn quốc tối 19-5.
-Từ 19-5 đến 25-5 là những ngày văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được tổ chức trên quê hương Bác.
-Từ 1-9 đến 30-12 diễn ra các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập nước và các lễ hội thể thao - văn hóa du lịch khác...
Để tổ chức thành công năm du lịch 2005, Nghệ An đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tại các tuyến điểm. Trong đó nhiều tuyến đường đã được sửa chữa, nâng cấp. Một số tuyến mới dẫn đến các điểm du lịch được hình thành, nhiều công trình mới cũng được xây dựng, bộ mặt đô thị được chỉnh trang. Các cơ sở du lịch đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Ngoài ra, để đa dạng hóa tuyến điểm du lịch phục vụ cho năm du lịch Nghệ An, ngành du lịch còn mở thêm một số điểm du lịch tại Hà Tĩnh như: khu di tích ngã ba Đồng Lộc; khu tưởng niệm và lăng mộ đại thi hào Nguyễn Du; khu tưởng niệm và lăng mộ Nguyễn Công Trứ; đền thờ An Dương Vương...
Tổng hợp từ: Đầu tư 31-01, Đầu tư 12-01, Nhân dân 12-01, Hà Nội mới 19-02, Tạp chí Thương mại tháng 2-2005.