Về càng sớm, cơ hội càng nhiều

“Mình cứ kêu gọi đầu tư, nhưng đầu tư cái gì, ở đâu, anh em Việt kiều đâu có biết! Không có thông tin thì đâu có ai dám về đầu tư. Chính vì thế chúng tôi muốn đột phá bằng chuyến hành trình xuyên Việt nhằm tạo cho Việt kiều có cơ hội tham quan, tìm hiểu môi trường đầu tư ở 15 tỉnh, TP từ Nam chí Bắc”. Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt kiều, nói.

* Ông kỳ vọng gì ở chuyến hành trình này?

- Chuyến hành trình này được xem như là chuyến mẫu để đến tháng sáu này chúng tôi có thể quảng bá được trên Internet cho mọi người cùng với các thông tin về kinh nghiệm. Những kinh nghiệm này rất quí báu mà không đi thực tế thì không bao giờ biết được.

* Có nghĩa từ nay về sau sẽ còn có nhiều chuyến hành trình như thế?

- Chúng tôi đã lên kế hoạch mỗi năm tổ chức một lần. Thị trường giống như môi trường đầu tư, có sự chuyển biến hằng năm, không những các công ty địa phương mà các lãnh đạo địa phương cũng có thay đổi, thậm chí ngay vị lãnh đạo đó nhưng năm trước suy nghĩ khác, năm nay gặp lại thấy ông có nhiều ý nghĩ thoáng hơn, cởi mở hơn.

Sau chuyến đi chúng tôi sẽ họp đúc kết từng loại dự án, ở tỉnh này bao nhiêu, tỉnh kia bao nhiêu, vốn đầu tư bao nhiêu, muốn đầu tư thì gặp ai, đi theo các bước như thế nào...

* Và kinh nghiệm từ những chuyến hành trình này sẽ được truyền lại cho những người sắp và sẽ về VN chứ?

- Đương nhiên là thế. Đó là nhiệm vụ của CLB. Chúng tôi tiếp nhận những thông tin, những dự án cụ thể mà các địa phương đang kêu gọi, thông tin lại cho Việt kiều bằng các hội thảo, đưa lên website để ai quan tâm thì trực tiếp liên hệ.

Ví dụ khi làm việc tại Cần Thơ hồi cuối tuần trước, có nhiều người rất thích đầu tư công trình nhà cao tầng, cao ốc văn phòng ở trung tâm TP, nhưng có công ty lại muốn xây dựng sân golf ở quận Bình Thủy...

Ở Vĩnh Long thì có một chị Việt kiều Ý muốn mua sản phẩm đồ gốm để đem sang Ý bán vì ở Ý người ta rất thích đồ gốm nhưng giá đắt và không chất lượng như gốm Vĩnh Long.

* Là một trong những Việt kiều về sớm (năm 1992) và có ít nhiều kinh nghiệm làm ăn ở VN, theo ông hiện nay Việt kiều về đầu tư trong nước còn bị rào cản gì hay không?

- Chẳng có rào cản gì cả. Có chăng là cung cách làm việc gây rất nhiều khó khăn cho anh em Việt kiều, nhất là những người đã quen cách làm việc ở nước ngoài, khiến họ hội nhập rất khó. Ví dụ ở nước ngoài muốn đăng ký công ty chỉ mất 24 giờ và chỉ bằng một cú điện thoại, còn ở VN thì lâu hơn rất nhiều!

* Còn khó khăn gì cụ thể nữa?

- Nếu nói khó khăn cụ thể thì nhiều lắm. Tôi chỉ muốn nói một điều rất chung là mình chưa có qui định, qui trình thống nhất. Ví dụ trung ương cho tự do đầu tư nhưng mỗi tỉnh có một lệ riêng, nếu học hỏi được gì đó ở tỉnh Bến Tre, qua Đà Nẵng lại khác, không áp dụng được. Những lệ này không sai luật nhưng gây phiền phức và mất nhiều thời gian, nhất là Việt kiều hay bị ảnh hưởng về thời gian tính.

Tôi muốn nói đến vai trò của CLB là có thể giúp anh em Việt kiều chân ướt chân ráo về quê dễ dàng hội nhập, có thể chỉ cần qua điện thoại. Ví dụ có anh Việt kiều định cư ở nước ngoài khá lâu nay dự định về Đồng Tháp Mười trồng cây đậu phộng (lạc), tôi điện thoại nói liền là phải về Nghệ An, Thanh Hóa, chứ về Đồng Tháp Mười mà trồng thì chỉ có thối củ mà thôi!

* Ông thấy VN thay đổi như thế nào trong những năm gần đây?

- Chính sách có thay đổi theo hướng có lợi cho Việt kiều. Ví dụ trước đây Nhà nước cũng kêu gọi đầu tư nhưng chưa nói sẽ cho mua nhà hay giảm thuế, còn nay thì trong kêu gọi có sự hỗ trợ cụ thể và bài bản hơn.

* Những thay đổi này đã đáp ứng lòng mong mỏi của bà con Việt kiều chưa?

- Theo tôi thì có đấy. Nhưng thật sự mà nói vẫn còn nhiều nỗi lo lắm. Tôi xin dẫn chứng bằng con số cụ thể. Trong mười mấy năm qua, Việt kiều về đầu tư với tổng trị giá gần nửa tỉ USD (theo Luật đầu tư nước ngoài là 83 dự án với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD, còn các dự án đầu tư theo Luật đầu tư trong nước có giá trị khoảng 200 triệu USD). Con số này chỉ bằng 1/6 của lượng kiều hối năm 2004. Rất vô lý!

* Theo ông, vì sao Việt kiều chỉ gửi tiền về chứ không muốn về đầu tư?

- Nhiều người muốn về đầu tư lắm chứ, nhưng vẫn còn vài qui định chưa cần thiết như khi mở công ty chính ông Việt kiều này phải có mặt, phải tự đi đăng ký con dấu và trực tiếp nhận con dấu... Đi qua lại nhiều lần thế thì còn thời gian nào làm việc! Nhưng dù sao ấy cũng chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là ai cũng biết kinh doanh thì phải có rủi ro, nhưng Luật phá sản của ta chưa thực tế.

Then chốt của vấn đề là Nhà nước cần có chính sách rõ ràng để bảo vệ đúng mức cho nhà đầu tư khi họ lâm vào hoàn cảnh rủi ro phải đi đến phá sản do những nguyên do khách quan như thiên tai chẳng hạn. Ngoài ra qui trình đầu tư phải được bài bản hóa và thống nhất trong cả nước để một khi đã dễ dàng ở địa phương này thì dù có đi đến đâu trên đất nước VN cũng có thể an tâm không bị những “ngoại lệ” làm ảnh hưởng.

* Ông có lời khuyên gì cho Việt kiều đang còn do dự về quyết định đầu tư tại VN?

- Tôi tin rằng khó khăn sẽ ngày càng giảm bớt. Do vậy tôi mong Việt kiều hãy mạnh dạn về đầu tư. Về càng sớm, cơ hội càng nhiều.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

(Nguồn tin: Tuổi trẻ)