Ngoại giao VN-một năm sôi động, thành công

28/12/2004 -- 17:48(GMT+7)

Hà Nội (TTXVN) - Những ngày cuối cùng của năm 2004 đang trôi qua, khép lại một năm đầy sôi động, với nhiều thành công nổi bật của ngoại giao Việt Nam. Nhìn lại một năm qua, có thể tự hào rằng bạn bè quốc tế đang ngày càng quan tâm hơn, tin cậy hơn và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam. Một minh chứng hết sức sống động và đầy sức thuyết phục là đã có 21 vị Vua, Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội các nước đến thăm Việt Nam. Các vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chuyến thăm con thoi đến hơn 20 nước ở cả năm châu lục trên thế giới, đồng thời tham gia và đóng góp tích cực tại nhiều diễn đàn đa phương.

Những ngày thu tháng Mười vừa qua, Hà Nội đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới với việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ 5 Diễn đàn hợp tác Á-ÂU (ASEM 5). Trong dịp này, các nhà lãnh đạo cấp cao của 39 thành viên ASEM và hàng ngàn đại biểu các tầng lớp nhân dân các nước Á-Âu đã đến Việt Nam, trong đó có lãnh đạo cấp cao của nhiều nước lớn trên thế giới như Tổng thống Pháp Jacque Chirac, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản J.Koizumi, Thủ tướng Đức G.Schroeder

Hội nghị cấp cao ASEM 5 thành công rực rỡ, với việc thông qua 3 tuyên bố (Tuyên bố của Chủ tịch; Tuyên bố Hà Nội về quan hệ đối tác kinh tế Á-Âu chặt chẽ hơn; Tuyên bố ASEM về đối thoại giữa các nền văn hóa văn minh), 9 sáng kiến hợp tác và đặc biệt là việc mở rộng thành viên với quy mô chưa từng có trong lịch sử hình thành và phát triển của ASEM, nâng tổng số lên 39 thành viên. Sự kiện này đã mở ra một trang sử mới, đưa tiến trình hợp tác Á-Âu đi vào thực chất và sống động hơn, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Nhân dịp này, quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với các đối tác là thành viên ASEM cũng được đẩy mạnh chưa từng có, với việc ký kết 45 văn kiện hợp tác.

Cùng với những thành công về nội dung, công tác chuẩn bị hết sức chu đáo về hậu cần, lễ tân, an ninh và đặc biệt là sự hiếu khách của người Việt Nam đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn bè quốc tế về hình ảnh một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, một đối tác tin cậy, một địa chỉ hấp dẫn đầu tư, du lịch. Có thể nói ASEM 5 là thành công nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong năm 2004.

Năm qua, các hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam đã được triển khai rất tích cực. Ngay trong tháng 11 vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 12 tại Chilê; Thủ tướng Phan Văn Khải dự Hội nghị cấp cao ASEAN 10 và các Hội nghị cấp cao của ASEAN với các nước đối tác, tại Viêng Chăn (Lào); Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cũng đã tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 10 Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp tại Buốckina Phaxô. Những đóng góp tích cực của Việt Nam tại các hội nghị cấp cao nói trên, cũng như trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, APEC, Cộng đồng Pháp ngữ, đã khẳng định và nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, thông qua các diễn đàn đa phương này, Việt Nam đã tranh thủ đẩy mạnh hợp tác song phương cùng có lợi với nhiều đối tác trên khắp thế giới. Trong khuôn khổ APEC, chúng ta đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với nhiều đối tác lớn, có trình độ phát triển cao như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Niu Di-lân... Còn trong Cộng đồng Pháp ngữ, chúng ta đã hợp tác hiệu quả với nhiều nước đang phát triển, nhiều bạn bè truyền thống ở châu Phi thông qua mô hình hợp tác ba bên.

Năm qua, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến thăm con thoi đến hơn 20 nước trên thế giới. Nổi bật là chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới CHLB Đức, Cuba, Bỉ và Ủy ban châu Âu. Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Băngla Đét, Pakitxtan, Liên bang Nga, Hunggari, Vương quốc Anh, Braxin, Chilê, Áchentina. Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Malaixia, Trung Quốc, Mông Cổ, Marốc, Angiêri, Nam Phi, thăm làm việc tại Nhật Bản. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức Hàn Quốc, Niu Dilân. Các chuyến thăm đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước, trong đó chú trọng phát triển quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng khu vực và các nước bạn bè truyền thống.

Nét nổi bật trong năm qua là Việt Nam đã tiếp tục tạo dựng mới và đẩy mạnh triển khai khuôn khổ hợp tác toàn diện, ổn định, lâu dài với nhiều đối tác quan trọng, đưa quan hệ hợp tác với các nước đi vào thực chất, hiệu quả, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc tiếp tục được củng cố, hoàn thiện theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt. Hai bên đã phê chuẩn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ để đưa các Hiệp định này vào cuộc sống từ ngày 30/6/2004; đẩy nhanh công tác phân giới, cắm mốc trên biên giới Việt - Trung. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Trung Quốc (tháng 5/2004) và chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại nước ta (10/2004) là những bước tiến quan trọng trong quan hệ hai nước, theo hướng tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cùng khai thác những tiềm năng hiện có để nâng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư lên ngang tầm với quan hệ chính trị giữa hai nước. Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch buôn bán hai chiều trong năm nay đạt khoảng 6 tỷ USD (vượt mục tiêu mà hai bên đã đề ra cho năm 2005). Đầu tư và khách du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam cũng tiếp tục tăng so với năm trước.

Quan hệ đặc biệt với Lào, quan hệ láng giềng gần gũi với Campuchia và quan hệ đoàn kết, thủy chung trong sáng với Cuba tiếp tục được củng cố, nâng cao hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, ở các cấp độ từ Trung ương đến địa phương. Trong bối cảnh tình hình mới, quan hệ với các nước ASEAN cũng không ngừng phát triển cả trên phương diện song phương và đa phương, vì sự phát triển của mỗi nước thành viên, đồng thời vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng của ngôi nhà chung Đông Nam Á. Tiếp tục tạo dựng khuôn khổ hợp tác toàn diện, lâu dài với Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia, đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ngày càng đi vào chiều sâu với những hình thức và nội dung hợp tác mới đa dạng hơn. Đáng chú ý là ta đã tiến hành họp nội các chung lần đầu tiên với Thái Lan, cùng Xinhgapo xúc tiến kết nối hai nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng tăng cường liên kết, hợp tác tiểu vùng, hợp tác khu vực, thông qua chương trình xây dựng Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; ký Tuyên bố về tăng cường hợp tác, hội nhập kinh tế giữa Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam.

Quan hệ với Nhật Bản được đẩy mạnh từ "Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài" lên thành "Đối tác bền vững". Nhật Bản tiếp tục duy trì vị trí đối tác hàng đầu cả về ODA, thương mại và đầu tư trực tiếp. Hai bên đang nỗ lực đưa Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư (ký tháng 10/2003) vào cuộc sống và triển khai Sáng kiến chung Việt - Nhật về cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Quan hệ với các nước Tây Bắc Âu tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ trên phương diện song phương và đa phương. Biểu hiện rõ nét nhất là năm qua hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau và lần đầu tiên cuộc gặp cấp cao Việt Nam - EU được tổ chức tại Việt Nam nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEM 5. EU cũng là đối tác đầu tiên kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Mỹ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Năm qua, Việt Nam đã đẩy quan hệ hợp tác với các nước Mỹ Latinh phát triển lên một bước mới, thể hiện bằng chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Áchentina, Braxin và Chilê. Đây là khu vực rất giàu tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ. Trong chuyến thăm này, cả ba nước đã kết thúc đàm phàn song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO.

Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam - châu Phi tiếp tục là một mục tiêu ưu tiên trong hoạt động đối ngoại của Nhà nước năm qua. Trong chuyến công du của Thủ tướng Phan Văn Khải tới 3 nước châu Phi là Marốc, Angiêri, Nam Phi, đã có nhiều hợp đồng kinh tế được ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm khơi thông dòng chảy hợp tác Việt Nam - châu Phi trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh, hỗ trợ nhau cùng phát triển, đưa Chương trình hành động Việt Nam - châu Phi mà hai bên đã thỏa thuận đi vào thực tế cuộc sống.

Hoạt động đối ngoại được triển khai một cách sâu rộng trong năm qua đã góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Mức tăng kỷ lục cả về kim ngạch xuất khẩu (tăng 28% so với năm 2003), huy động vốn ODA (3,4 tỷ USD), thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (4 tỷ USD vốn đăng ký), lượng kiều hối (trên 3 tỷ USD) chính là hệ quả, phản ánh sinh động một năm hoạt động ngoại giao của Việt Nam./.