Kinh tế Việt Nam: Kỳ vọng 2005
Thanh Niên Online - 22:30' 31/12/2004 (GMT+7)
Năm 2004 vừa kết thúc với những thành tựu ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam, tạo đà tăng trưởng quan trọng cho năm 2005, năm đặc biệt quan trọng quyết định thành công của kế hoạch 5 năm 2001-2005. Thanh Niên đã gặp gỡ những chuyên gia kinh tế, những nhà doanh nghiệp và chuyển đến độc giả những kỳ vọng của họ về một năm mới phát triển lạc quan.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh: "Nhiệm vụ nặng nề nhưng nhiều triển vọng"
Việt Nam sẽ gặp một số thách thức trong năm 2005 bởi sự biến động giá cả trong một số loại hàng hóa nhạy cảm: giá dầu biến động trên thế giới liên quan đến tình hình chính trị, an ninh; giá vàng biến động liên quan đến sự tăng giảm bất thường của đồng USD và EUR, gây ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nền kinh tế nước ta hiện nay có độ mở rất cao (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện lớn hơn GDP), TP.HCM cũng có độ mở khá lớn (tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của thành phố hơn 2 lần GDP của thành phố), nên ảnh hưởng của thị trường thế giới càng lớn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của những yếu tố này sẽ tác động lên nền kinh tế toàn cầu nên tôi tin rằng các nước sẽ không để xảy ra tiêu cực quá lớn trong hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng có không ít những yếu tố triển vọng. Đối với thị trường xuất khẩu, sau khi Việt Nam đạt được thành công rất lớn trong việc kết thúc đàm phán với EU về tham gia WTO và EU đã bỏ hạn ngạch quota trong năm 2005 mở ra thị trường xuất khẩu rất lớn cho ngành may. Bước đầu, chúng ta giành được sự công bằng trong vụ kiện về thuế suất tôm đối với Mỹ nên khả năng xuất khẩu tôm cũng rất lớn. Vào tháng 12/2005, Đại hội đồng Bộ trưởng Thương mại các nước sẽ họp ở Hồng Kông để thông qua quyết định gia nhập WTO của Việt Nam. Triển vọng Việt Nam bước chân vào WTO trong năm 2006 sẽ là yếu tố kích thích đầu tư và tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi trong năm 2005. Theo tôi, năm 2005, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ nhiều hơn để mở rộng quy mô sản xuất xuất khẩu, các dịch vụ mới sẽ tăng trong các ngành công nghiệp và chế biến xuất khẩu. Con đường vào WTO hiện nay đang rất rõ nét. Quốc hội hiện đang sửa đổi, hoàn thiện một số luật, môi trường pháp lý trong kinh doanh năm 2005 sẽ được hoàn thiện và thuận lợi hơn. Theo tôi, tăng trưởng kinh tế năm 2005 sẽ tốt hơn năm 2004.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam: “Vấn đề quan trọng là chất lượng tăng trưởng”
Tiến sĩ Trần Đình Thiên đã nhận định như trên khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2005. Dẫn các dự báo về việc tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ giảm khoảng 1%, các nền kinh tế lớn đều giảm 1-1,5%, Mỹ giảm 1%; Trung Quốc từ 9,3% trong năm nay sẽ xuống 8% trong năm 2005, tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh: "Tôi nghĩ mục tiêu của Việt Nam - 8,5-8,6%, thậm chí 8,8% là rất cao. Nhưng tôi nghĩ 7% hay 8% không quan trọng, vấn đề là phải tạo ra được nền tảng cho các năm sau nữa để cạnh tranh tốt hơn, nâng hiệu quả lên, nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn một cách chắc chắn. Bản chất của câu chuyện là chúng ta quan tâm đến chất lượng hay số lượng tăng trưởng".
* Đâu là giải pháp cho tăng trưởng bền vững, thưa ông?
- Nên biết rằng nếu chất lượng tăng trưởng kém thì việc dốc sức ngắn hạn sẽ để lại hậu quả cho dài hạn rất lớn. Phải đánh đổi ngắn hạn với dài hạn. Để có sự tăng trưởng cao bền bỉ thì phải có một số năm củng cố cơ sở như tập trung cho cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước, tập trung vốn cho khu vực ngân hàng thay vì lĩnh vực khác; bớt đi nhà máy xi măng để đầu tư cho ngân hàng làm hệ thống ngân hàng vững mạnh lên hoặc phải tậåp trung mạnh cải cách hành chính thật quyết liệt, như thế mới thu hút được đầu tư nước ngoài, giảm chi phi kinh doanh.
* Điều quan trọng chúng ta cần làm trong năm 2005 là gì thưa ông?
- Mấy năm qua chúng ta tăng trưởng tốt nhưng phải lưu ý một điều là chất lượng, hiệu quả của tăng trưởng không được cải thiện, đặc biệt năng lực cạnh tranh sút giảm ghê gớm mà một trong những nguyên nhân là tập trung cho đầu tư nhà nước, một khu vực kém hiệu quả. Khu vực tư nhân năm nay có mức tăng trưởng rất cao, gần như gấp đôi khu vực nhà nước. Tuy nhiên dòng vốn tiếp tục đổ vào nhà nước, chiếm đến khoảng 55%. Chúng ta chưa có những chính sách kích thích để dòng vốn chảy vào khu vực tư nhân. Triển vọng của khu vực tư nhân rất tốt với điều kiện phải chuyển dịch được nguồn vốn thì điều này lại chưa rõ ràng. Cần phải tạo môi trường, cơ hội để phát triển hết tiềm năng của khu vực này.
Các nhà doanh nghiệp mong muốn gì ?
Ông Diệp Thành Kiệt - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt - may - thêu - đan TP.HCM:
Về lý thuyết, ngành dệt may VN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm vẫn có sự phát triển tương đối bình ổn so với năm 2004, do thị trường Mỹ sẽ không có biến động lớn. Quyết định bỏ hạn ngạch của EU là một thuận lợi khá lớn. Tuy nhiên các DN Việt Nam vẫn phải có những giải pháp về xúc tiến thương mại, phương thức bán hàng... vì nhiều khách hàng đã chuyển hướng sang thị trường khác từ lâu. Tình hình 6 tháng cuối năm 2005 sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc VN có được gia nhập WTO hay không.
Ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Công ty Du lịch Viettravel:
Ngành du lịch sẽ phát triển khả quan trong năm 2005. Theo tôi, du lịch nội địa có thể phát triển từ 20 - 30%, du lịch nước ngoài có thể phát triển từ 15 - 20%. Ta có thể kỳ vọng hơn thế nữa vì cơ sởã hạ tầng ở các tỉnh, thành phố hiện đã được nâng cấp, cải thiện đáng kể; ngày càng có nhiều du khách nước ngoài biết và công nhận Việt Nam là điểm đến rất an toàn.
Ông John Mingé - Tổng giám đốc Công ty BP Việt Nam:
BP đánh giá rất cao tiềm năng của Việt Nam, thể hiện qua cam kết làm ăn lâu dài và những dự định đầu tư sắp tới. Tôi tin rằng 2005 sẽ là một năm rất tốt. Trong năm 2005, dự án khí Nam Côn Sơn dự kiến tăng 30% sản lượng lên 3,2 tỉ m3. Chúng tôi có kế hoạch tăng công suất Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố và hệ thống nén tại giàn khai thác khí Lan Tây để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khí.
Bà Bùi Thị Hợi - Phó giám đốc Xí nghiệp Chế biến gỗ Cẩm Hà:
Đầu ra của đồ gỗ Việt Nam vẫn rất thuận lợi. Các bạn hàng châu Âu đang đổ về Việt Nam. Vì thế năm 2005, sức mua đối với các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao, khả năng mở rộng thị trường của các doanh nghiệp chế biến gỗ là rất lớn. Không chỉ năm 2005, theo tôi trong 10 năm tới các sản phẩm gỗ sẽ còn rất nhiều cơ hội để mở rộng thị trường.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó tổng giám đốc Công ty XNK Intimex, quyền Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam:
Cung đã vượt cầu, cần hạn chế việc mở rộng diện tích trồng hồ tiêu. Sản lượng và giá trị xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam năm 2004 đều tăng gấp rưỡi so với năm 2003. Hồ tiêu Việt Nam chiếm khoảng 50% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của thế giới. Vấn đề đặt ra đối với ngành hồ tiêu năm 2005 không phải thị trường mà là cung vượt cầu. Đã đến lúc chúng ta phải cảnh báo và nên hạn chế việc mở rộng diện tích. Giá trị xuất khẩu sẽ giảm nếu như ta tiếp tục mở rộng diện tích, tăng sản lượng xuất khẩu.
T.Bình - X.Toàn - M.Phương - C.Nhi
(ghi)