Năm 2004, kinh tế Việt Nam phát triển rất ấn tượng
Ông Christoph Wiesner, Tham tán phụ trách chính trị, kinh tế và thương mại của Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn báo Tin Tức, cho rằng tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2004 là hết sức ấn tượng.
Theo ông Wiesner, ba kỷ lục của nền kinh tế Việt Nam năm 2004 là kim ngạch xuất khẩu cao nhất, nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đạt mức kỷ lục kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và chỉ số lạm phát giá tiêu dùng cũng ở mức cao nhất trong vòng năm năm qua.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam một lần nữa được xếp vào hạng cao nhất trong khu vực, cao hơn cả mức tăng trưởng của năm 2003. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự tính đạt được 25,8 tỷ USD trong năm 2004, tăng 27,9% so với năm trước, đánh dấu một bước ngoặt trong ngoại thương của Việt Nam và chứng tỏ chính sách cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mang lại những thành tựu đáng kể.
Trong quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam luôn đạt thặng dư, góp một phần quan trọng vào thành công của ngoại thương Việt Nam.
FDI theo cam kết đã tăng 37%, trong đó vốn đăng ký đầu tư mới trong 11 tháng đầu năm đạt 2 tỷ USD và vốn bổ sung cho các dự án đang hoạt động đạt 1,7 tỷ USD.
Việc FDI tăng cao không những phản ánh cố gắng bền bỉ của chính phủ trong việc xóa bỏ các trở ngại đối với đầu tư nước ngoài mà còn thể hiện sự phục hồi của kinh tế khu vực.
Điều đáng quan tâm ở đây là việc tăng vốn cho các dự án đang hoạt động đã đạt tỷ lệ tương đối cao, chiếm gần một nửa so với tổng FDI. Điều này cho thấy mức độ dè dặt nhất định của các nhà đầu tư nước ngoài khi mới đến Việt Nam do họ chưa hiểu hết về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Một nguyên nhân nữa có thể là thái độ “chờ xem” của các nhà đầu tư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Mức lạm phát cả năm của Việt Nam ở mức 9,5% là tương đối cao, tuy nhiên không nên đánh giá quá mức ảnh hưởng của vấn đề này. Việc tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chủ yếu là do giá dầu trên thế giới biến động bất thường và ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, làm giảm 1/3 lượng gia cầm của Việt Nam.
Mặt khác, lạm phát vẫn ở mức độ có thể kiểm soát được và nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ đã có một số kết quả.
Về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2005, ông Wiesner cho rằng việc hoàn thành đàm phán gia nhập WTO giữa Việt Nam với EU và một số đối tác khác cho thấy mục tiêu gia nhập WTO của Việt Nam năm 2005 có thể trở thành hiện thực. Hơn nữa, việc EU và Canada xóa bỏ hạn ngạch đối với hàng dệt may của Việt Nam là tin tốt lành cho ngành công nghiệp dệt may, một trong những ngành sản xuất hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.
Về những cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế của Việt Nam và các nước khác trong khu vực trong năm 2005, ông Wiesner khẳng định mốc quan trọng đối với Việt Nam trong năm tới là việc gia nhập WTO.
Muốn vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị để có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt hơn sau khi Việt Nam gia nhập WTO như xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng tiếp thị, đa dạng hóa hơn nữa các mặt hàng, giảm phụ thuộc vào những mặt hàng luôn bị cạnh tranh khốc liệt và dễ biến động trên thị trường thế giới, tiếp tục cải cách hành chính, kiên quyết chống tham nhũng và quan liêu, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là hệ thống ngân hàng...
Nhân Dân, 28/12/2004