Điểm báo trong nước ngày 21/12
Thành tựu kinh tế-xã hội năm 2004:
- Tổng sản phẩm trong nước GDP quý IV dự báo tăng 8,1% và ước tính chung cả năm tăng 7,6% so với năm 2003, đạt kế hoạch ;
- Giá trị công nghiệp tăng 15,6% vượt kế hoạch. Trong đó giá trị tăng thêm đạt 10,6%, cao nhất từ nhiều năm nay, hất lượng sản phẩm công nghiệp đã được nâng cao. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến tăng 61,5% (năm 2003 là 61%). Trong khi đó ngành công nghiệp khai thác giảm từ 27,7% xuống còn 26,5%;
- Cơ cấu ngành dịch vụ thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ có chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…Tỷ trọng của ngành khách sạn, nhà hàng tăng từ 8,2% năm 2003 lên 8,4% năm 2004; Tỷ trọng của ngành Thương nghiệp tăng từ 36% lên 36,5% năm 2004;
- Tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 21,8% năm 2003 xuống còn 20,4% năm 2004;
- Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 8,3%. Trong năm 2004, Chính phủ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 2.374 xã đặc biệt khó khăn ở 49 tỉnh; xây dựng hơn 400 trung tâm cụm xã, đào tạo cho hơn 5000 lượt cán bộ xã, bản, lang, bon, phum, sóc…(TBKT 15/12)
Năm 2004, khách quốc tế đến Việt Nam: Ngày 16/12, Hiệp hội du lịch Đông Nam Á (PATA) tổ chức Hội thảo “Hợp tác để phát triển du lịch Việt Nam”. Tại Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết khách quốc tế đến Việt Nam năm 2004 sẽ vượt ngưỡng 2,9 triệu lượt khách. Kết quả này cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng nhanh sau SARS và cúm gà, tăng 20% so với năm 2003. Trong đó những thị trường có khách tăng cao nhất là Hàn Quốc 40%, Nhật Bản 30%, Mỹ 28%, Đài Loan 27%…Khảo sát của các chuyên gia PATA cho thấy Việt Nam có ưu thế lớn về du lịch biển, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nền văn hoá độc đáo, con người hiếu khách, nhưng thông tin về du lịch còn quá ít. Hội thảo cũng đề cập 4 giải pháp cần làm ngay để phát triển du lịch: Mở cửa bầu trời, tăng chất lượng dịch vụ, có chiến lược về giá cả và quảng bá để cạnh tranh. Hơn nữa, Hội thảo cho rằng, du lịch các nước ASEAN cần liên kết để bán các chương trình Tour trọn gói (đi một chuyến đến nhiều nước)…(SGGP 17/12)
Đàm phán lần thứ 9 về việc Việt Nam gia nhập WTO: Từ ngày 9-17/12, phiên 9 đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đã họp tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ. Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế thương mại quốc tế do Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, Tổng thư ký Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự dẫn đầu…Thứ trưởng Lương Văn Tự đã có bài phát biểu nêu rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy mạnh đàm phán gia nhập WTO thông qua cam kết tuân thủ nguyên tắc MFN và một loạt các Hiệp định của WTO ngay khi gia nhập cũng như việc nhà nước Việt Nam đẩy nhanh chương trình xây dựng pháp luật và sớm thông qua các luật nhằm thực hiện các cam kết… Kết thúc phiên đa phương, Chủ tịch ban công tác về việc Việt nam gia nhập WTO đánh giá, phiên đàm phán đã diễn ra trên tinh thần xây dựng và đạt kết quả đáng khích lệ, ủng hộ việc Việt Nam gia nhập WTO. Dự kiến phiên đàm phán lần thứ 10 sẽ tổ chức tại Giơ-ne-vơ khoảng cuối tháng 3/2005. Trước và sau phiên đàm phán đa phương, Đoàn đã đàm phán song phương với 10 đối tác: Cô-lôm-bi-a, Hoa Kỳ, Niu Di-lân, Ai-xơ-len, Thụy Sỹ, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Na-uy, Pa-ra-goay. (ND 18/12).