Thị trường bánh Noel 2004: 3 ngày thu 70 tỉ đồng
Chỉ diễn ra khoảng 3 ngày nhưng các nhà sản xuất dự báo, mùa Noel năm nay người tiêu dùng Việt Nam sẽ dùng hết số lượng bánh kem dài khoảng 14 ki lô mét, có giá trị khoảng 70 tỉ đồng (tính bình quân 50.000đ/tấc).
Liên tục trong 3 năm qua, sức tiêu thụ bánh Noel luôn tăng đều đặn từ 10 - 15%. Nhưng với mùa trung thu thắng lớn vừa qua và căn cứ trên tốc độ tiêu thụ hàng hóa đang tăng mạnh hiện nay, các nhà sản xuất tự tin số lượng bánh Noel bán ra có thể đạt được mức tăng cao hơn các năm trước. Mặc dù các công ty thận trọng công bố sản lượng tăng khoảng 10 - 15% so với Noel năm 2003, nhưng thực tế họ đã chuẩn bị nguyên liệu đủ đáp ứng nhu cầu tăng 30 - 50%.
Công ty Kinh Đô dự kiến doanh thu bánh kem tại TP.HCM mùa Noel 2004 này khoảng 5 tỉ đồng và khu vực Hà Nội khoảng 2 tỉ đồng. Ước tính mức giá thấp nhất cho một ổ bánh kích thước cơ bản là 50.000đ/tấc (1 tấc = 10cm) thì lượng bánh Kinh Đô cung cấp đã vào khoảng 140.000 ổ bánh. Hệ thống Đức Phát với 18 điểm kinh doanh có thể bán từ 8.000 đến trên 10.000 ổ bánh/cửa hàng, dự kiến đạt khoảng 150.000 - 180.000 ổ bánh loại 2 - 4 tấc trong 3 ngày lễ Noel.
Ngoài ra, hàng chục nhãn hiệu khác như Hỷ Lâm Môn, Givral, Vinabico, Kiêu Điểm, Nhất Phát, Gia Gia Lạc…, các nhà hàng khách sạn và hộ gia đình cũng tung ra thị trường lượng bánh nhiều hơn mùa Noel 2003 từ 10 - 15%.
Theo đánh giá của bộ phận kinh doanh tiếp thị công ty Kinh Đô, TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm 70 - 80% lượng bánh cả nước. Nhưng Hà Nội mới là thị trường đang tăng trưởng mạnh, với tốc độ đạt gần 50%/năm. Ông Lưu Lập Chánh, chủ nhãn hiệu Hỷ Lâm Môn nhận xét: "Người tiêu dùng đang mua bánh kem giống như bánh trung thu, mua để ăn ít hơn mua để biếu, tặng…".
Bước tiến kỹ thuật làm bánh
Noel 2004 này có thể coi là cột mốc đánh dấu bước tiến đến công nghiệp sản xuất hàng loạt của kỹ thuật làm bánh kem. Mỗi giờ, dây chuyền sản xuất bánh nướng tự động loại mới nhất của Đức Phát có thể cho ra lò 400 - 500 ổ bánh (từ 2 - 5 tấc) theo quy trình khép kín và tự động hoàn toàn, thời gian cho chiếc bánh hoàn chỉnh chỉ còn 17 phút với tỷ lệ phế phẩm không quá 5%.
Các loại hoa văn trang trí tạo vân sóng, đường sọc, hình bông hoa… trên bề mặt bánh cũng được làm sẵn dưới dạng các đề can in hình và nhãn hiệu nào càng có nhiều loại hoa văn, săn tìm được kiểu mới sẽ dễ dàng có các mẫu bánh mới lạ.
Cùng nguồn cung cấp nguyên liệu bột mì, kem sữa tươi, sôcôla, bột trứng, bơ… nên sự khác nhau trong hình thành khẩu vị riêng cho từng nhãn hiệu chủ yếu thể hiện ở độ ngọt và vị béo. Chẳng hạn bánh Hỷ Lâm Môn thường có vị mứt trái cây chua quyện với kem sữa tươi béo và ngọt, bánh Kinh Đô cũng là loại kem sữa tươi nhưng ít béo và ít ngọt hơn, bánh Đức Phát thường có nhiều sôcôla và vị ngọt đậm đà…
90% người mua chú ý đến mẫu mã
Ông Kao Siêu Lực, chủ nhãn hiệu bánh Đức Phát đã thăm dò ý kiến từ số khách hàng mùa Noel 2003, cho biết kết quả: "Loại bánh khách mua nhiều nhất, chiếm 80% lượng bán ra, có kích cỡ 2-3 tấc; bánh kem bơ không còn được ưa chuộng vì 95% khách mua chọn bánh kem sữa tươi hoặc sôcôla". Quan trọng nhất là "hơn 90% người mua quan tâm đến mẫu mã, chỉ cần bánh đẹp hơn chứ không cần cao cấp hơn các loại bánh bán ngày thường".
Rõ ràng trong hai yếu tố mẫu mã mới và khẩu vị mới thì việc tạo nên hình ảnh chiếc bánh mới, lạ mắt là tiêu chí quan trọng nhất tạo sức cạnh tranh giữa các nhãn hiệu. Đến nay các nhà sản xuất đã chuẩn bị xong gần 300 mẫu bánh mới ra mắt người tiêu dùng: Kinh Đô có 70 thiết kế độc quyền do các chuyên gia bánh của Đài Loan thực hiện, Đức Phát có 50 mẫu theo đúng mốt bánh Noel 2004 của Pháp, các nhãn hiệu khác cũng có 10 - 30 mẫu bánh mới.
Người mua được lợi
Có vẻ như nghịch lý khi giá cả các mặt hàng đều tăng thì giá bánh Noel lại giảm. So với giá năm ngoái, giá hai loại nguyên liệu chính quyết định nên giá chiếc bánh Noel là kem sữa tươi và sôcôla đều thấp hơn rất nhiều do nhà sản xuất đã tìm được nguồn nhập từ các nước ASEAN, có giá rẻ hơn mà thuế nhập khẩu cũng rẻ hơn 20% .
Chẳng hạn, kem sữa tươi nhập từ Singapore là 480.000đ/thùng (13,2 lít) chỉ chịu thuế 15% so với từ Úc 550.000đ/thùng có thuế 35%; sôcôla mua tại Việt Nam chỉ còn 44.000đ/kg so với giá nhập từ Mỹ 90.000đ/kg. Nhưng thay vì bán ổ bánh với giá rẻ hơn 10%, mỗi nhãn hiệu bánh đầu tư giá trị tăng thêm để bánh ngon hơn, đẹp hơn và có giá cao hơn Noel 2003 từ 3.000 - 5.000đ/tấc, hoặc làm loại bánh cao cấp vượt trội bán với giá gấp đôi.
Thị phần tiêu thụ bánh Noel lớn nhất vẫn thuộc về Đức Phát với khoảng 20%, Kinh Đô thứ nhì với trên 10%, Hỷ Lâm Môn khoảng 8% và tiếp theo là các hiệu bánh Givral, Vinabico, Brodard…
Sự kiện đáng chú ý nhất của Noel 2004 này có lẽ là chiếc bánh khúc cây làm bằng kem sữa tươi dài 5 mét, nặng khoảng 1.000kg được làm từ 450kg trứng tươi, 210kg đường, 210kg bột mì, 10kg sôcôla và 20 thùng kem sữa tươi. Nhà sản xuất bánh Hỷ Lâm Môn, công ty Cánh Cam và nhà cung cấp nguyên liệu Rich's dự kiến đặt chiếc bánh này trong dịp Noel tại nhà thi đấu quân khu 7, sau đó cắt bánh bán cho người đi chơi đêm Noel và doanh thu sẽ tặng cho quỹ từ thiện.
Theo SGTT