Ba năm thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ
Nguyễn Văn Bình (Vụ Thị trường, Bộ Thương mại)
Ngày 10-12-2004 sẽ là ngày vừa tròn ba năm thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ. Nhân sự kiện này chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc một số vấn đề thời sự liên quan sự kiện này như: quan hệ buôn bán hai nước phát triển như thế nào trong ba năm qua; nghĩa vụ của các bên trong Hiệp định này đã thực hiện ra sao?
Cách đây ba năm khi Hiệp định đi vào hiệu lực sau một thời gian dài bốn năm đàm phán và hai năm chờ phê chuẩn đã không ít người có nhiều câu hỏi như: nó mang lại lợi ích gì, liệu hàng hóa của Việt Nam có khả năng cạnh tranh không? Thời gian đó có những sự kiện chính trị rất nhạy cảm như sự kiện 11-9, Mỹ đánh Afghanistan.
Ðầu tháng 12-2001, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng ông Vũ Khoan (lúc đó còn là Bộ trưởng Thương mại) dẫn đoàn Việt Nam sang Hoa Kỳ trao công hàm đưa Hiệp định vào hiệu lực đã dẫn theo hai đoàn doanh nghiệp (DN) hàng trăm người và đã dự lễ khai trương văn phòng đại diện của Vinatex tại New York.
Trong chuyến đi này các DN dệt, may đã thu được những hợp đồng hàng trăm triệu USD và chỉ một năm sau kim ngạch xuất khẩu dệt-may của ta đã đạt gần một tỷ USD, điều mà ta mong muốn diễn ra tại thị trường EU, nhưng đang là mục tiêu phấn đấu. Năm 2003 dù bị hạn ngạch khống chế nhưng con số 2,5 tỷ USD dệt - may xuất khẩu vào Mỹ đã thành hiện thực.
Không chỉ có dệt-may mà nhiều hàng khác cũng đang xuất khẩu mạnh vào thị trường này như cà-phê, thủy sản. Riêng các mặt hàng giày dép, đồ gỗ, rau quả, sành sứ đang tăng trưởng nhanh sau khi có tối huệ quốc. Tuy nhiên quy mô của các mặt hàng này không được lớn như hàng dệt-may vì khả năng sản xuất trong nước đang còn ở quy mô nhỏ.
Theo tính toán của chúng tôi thì với cơ cấu xuất khẩu như hiện tại thì xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ không thể vượt quá quy mô chục tỷ USD mỗi năm. Muốn có quy mô lớn hơn nữa Việt Nam phải đẩy mạnh quan hệ thương mại với Hoa Kỳ lên trình độ mới và cải thiện mạnh hơn nữa quan hệ chính trị với Hoa Kỳ sao cho hàng hóa của ta hoàn toàn bình đẳng với các nước khác và các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam ở quy mô lớn hơn nhiều so với hiện nay. Ðây là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Theo hiệp định, các cam kết của Việt Nam phải thực hiện gồm nhiều vấn đề khác nhau, đồng thời đó cũng là những thử thách buổi đầu không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam. Ðó là:
- Quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu của các công ty Mỹ có đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế tạo có quy mô lớn và hợp pháp tại Việt Nam, và phù hợp các điều khoản quy định trong Hiệp định; thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào ô-tô dưới 12 chỗ ngồi, nguyên liệu thuốc lá, phụ thu đánh vào nhiên liệu, sắt thép, phân bón; giấy phép xuất, nhập khẩu đối với 57 mặt hàng gồm các loại hàng ta quản lý bằng giấy phép nhập khẩu.
Quyền kinh doanh nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc diện kinh doanh độc quyền của Nhà nước phải bãi bỏ; quyền kinh doanh xuất khẩu đối với ba mặt hàng thuộc diện độc quyền Nhà nước; về dịch vụ kiểm toán: Trong vòng ba năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực việc cấp phép sẽ được xét duyệt theo từng trường hợp và số lượng sẽ do Bộ Tài chính quyết định căn cứ vào tình hình phát triển của thị trường Việt Nam; dịch vụ viễn thông trị giá gia tăng: Liên doanh với đối tác Việt Nam được phép kinh doanh dịch vụ viễn thông sau hai năm (ba năm đối với các dịch vụ internet) kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và phần góp vốn của phía Hoa Kỳ không quá 50% vốn pháp định của liên doanh; dịch vụ xây dựng và lắp ráp đồng bộ.
Trong vòng ba năm đầu kể từ khi thành lập và hoạt động các xí nghiệp 100% vốn Hoa Kỳ chỉ được cung cấp dịch vụ cho các xí nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Các công ty cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ phải có đăng ký hoạt động hợp pháp tại Hoa Kỳ, các dịch vụ bảo hiểm, ba năm sau khi Hiệp định có hiệu lực được lập liên doanh với đối tác được phép kinh doanh dịch vụ bảo hiểm của Việt Nam. Phần góp vốn của phía Hoa Kỳ không vượt quá 50% vốn pháp định của liên doanh; các dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác.
Trong vòng ba năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, hình thức pháp lý duy nhất thông qua đó các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ khác (ngoài ngân hàng và công ty thuê mua tài chính) có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tại Việt Nam là liên doanh với đối tác Việt Nam. Sau thời gian đó hạn chế này sẽ được bãi bỏ.
Ngoài ra còn có một số điều khoản về cắt giảm thuế quan đối với 244 dòng thuế trong đó gồm 195 dòng thuế của các mặt hàng nông sản và 49 dòng thuế thuộc các mặt hàng công nghiệp, v.v.
Nhân dịp này chúng tôi muốn gửi một thông điệp quan trọng cho các nhà doanh nghiệp có nhu cầu làm ăn với thị trường này là: Hoa Kỳ là thị trường lớn có quy mô 1.300 tỷ USD nhập khẩu mỗi năm đủ các chủng loại hàng hóa và các phẩm cấp khác nhau.
Nhưng đây là thị trường cạnh tranh gay gắt và rất nhạy cảm. Ðể hàng của Việt Nam có sân chơi bình đẳng, một trong những điều kiện tiên quyết cho việc này là Việt Nam phải gia nhập WTO và Hoa Kỳ đồng ý áp dụng các kết quả đàm phán đa phương này cho quan hệ song phương giữa hai nước. Nói một cách ngắn gọn là Hoa Kỳ đồng ý áp dụng Quan hệ thương mại bình thường cố định (PNTR) cho Việt Nam.
Nhân Dân, 6/12/2004